Quản lý, phục vụ khách du lịch đến VN: Đừng đợi “mất bò mới lo làm chuồng”

Thứ Sáu, 15/07/2016, 04:39
Sau các vụ việc lùm xùm liên quan đến khách du lịch tại Đà Nẵng, Khánh Hòa, ngày 14-7, nhiều doanh nghiệp về du lịch, lữ hành tiếp tục khẳng định, đây không phải là hiện tượng ở riêng một, hai tỉnh, thành mà đang diễn ra ở khá nhiều địa bàn khác trên cả nước.

Những vấn đề bất cập liên quan đến đối tượng khách du lịch này thực chất cũng chỉ thể hiện rõ ràng nhất phần nổi bật của “tảng băng chìm” trong câu chuyện quản lý, phục vụ khách du lịch đến Việt Nam nói chung.

Riêng tại TP Hồ Chí Minh, địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng du khách quốc tế đến hàng năm thì chỉ 6 tháng đầu năm đã có trên 2.430.000 khách, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, thị trường khách Trung Quốc tăng đến 64%. 

Tuy nhiên, theo Hiệp hội Du lịch TP Hồ Chí Minh, khi khách Trung Quốc có nhu cầu đi du lịch Việt Nam ngày càng đông thì một số công ty của lữ hành Trung Quốc đưa hướng dẫn viên Trung Quốc vào Việt Nam, móc nối với một số công ty lữ hành Việt Nam, hướng dẫn viên Việt Nam cho núp bóng và làm bù nhìn giúp công ty từ Trung Quốc đưa khách Trung Quốc vào tự tổ chức tour với chất lượng không đảm bảo.

Lượng khách du lịch người nước ngoài đến Việt Nam ngày càng nhiều là tín hiệu nhưng vui nhưng nếu thị trường du lịch thiếu cạnh tranh lành mạnh, quản lý thiếu chặt chẽ như hiện nay sẽ dẫn đến nhiều hậu quả khôn lường.

Như vậy, chính những công ty Trung Quốc lừa khách Trung Quốc. Theo đà đó, một số các đơn vị cung ứng dịch vụ Việt Nam như khách sạn, nhà hàng, khu du lịch, mua sắm… cũng bán dịch vụ trực tiếp cho các công ty lữ hành này của Trung Quốc. Tình trạng này diễn ra ở Đà Nẵng, Khánh Hòa và một vài tỉnh phía Bắc.

Giám đốc du lịch Liên Bang, ông Từ Quý Thành cũng phân tích và cảnh báo: thị trường du lịch Trung Quốc rất lớn và thị phần khách đến Việt Nam có nhiều đẳng cấp, cần phân tách để phục vụ, xây dựng sản phẩm du lịch cho phù hợp.

 Hiện nay, ngoài 2 thành  phố lớn biển Nha Trang, Đà Nẵng thì  Phú Quốc là điểm đến yêu thích của du khách Trung Quốc. Do lượng khách tăng đột ngột quá, các địa phương không đáp ứng kịp cả về dịch vụ lẫn quản lý. Các phát sinh tiêu cực với thị phần khách du lịch này, người trong nghề đều thấy đã xuất hiện từ hơn một năm trước chứ không phải đến thời điểm bùng phát như hiện nay mới phát hiện. TP Hồ Chí Minh còn là nơi tập trung nhiều nhất các điểm mua sắm, hàng hóa dồi dào nên du khách chi tiêu nhiều hơn. Tuy nhiên, đội ngũ hướng dẫn viên cho du khách tiếng Trung Quốc nói chung, du khách Trung Quốc nói riêng chưa đáp ứng được hoặc chỉ ở mức tạm chấp nhận được. 

Nếu sắp tới, lượng du khách Trung Quốc tăng cao hơn, chắc chắn, hướng dẫn viên khó đáp ứng nổi nhu cầu. Chưa kể, số hướng dẫn viên được đào tạo tiếng Trung không đều, phần nhiều đã trên 40 tuổi, không đáp ứng kịp thời yêu cầu thị trường khách tiếng Trung. Việc phát hiện các hướng dẫn viên và công ty tiếp tay cho du lịch Trung Quốc làm sai không khó nếu các công ty làm ăn đàng hoàng có sự liên kết chặt chẽ với nhau và với cơ quan chức năng. Vì dụ, một công ty chỉ làm hoặc ít làm du lịch nội địa hay du lịch nước ngoài, bỗng nhiên có lượng khách rất lớn thì chắc chắn là có vấn đề, có thể họ chỉ cho thuê pháp nhân và không quản lý được…

Đại diện công ty du lịch Việt còn tiết lộ, theo thông tin anh nắm được thì ngoài Đà Nẵng, Nha Trang vẫn có một số công ty du lịch đang tiếp tay cho các công ty, hướng dẫn viên Trung Quốc. Sở dĩ có một số công ty Trung Quốc “tung hoành” tại Việt Nam thời gian qua là vì họ được chuẩn bị rất kỹ, thậm chí được một số tài phiệt đầu tư rất mạnh. Nếu người làm du lịch Việt Nam chỉ vì cái lợi trước mắt, việc quản lý, xử lý không kiên quyết sẽ hại mình, lợi người mà mình vẫn bị họ cười.

Đại diện công ty Lạc Hồng cũng chia sẻ, mỗi thị phần khách du lịch đều có những đặc điểm riêng. Khi phục vụ họ và xây dựng sản phẩm du lịch cần phải tính đến các yếu tố đặc thù về thói quen, văn hóa… Nếu họ được hướng dẫn đầy đủ ngay từ khi bước chân vào Việt Nam, bị xử lý kiên quyết nếu sai phạm thì sẽ không dám vi phạm. Việc thiếu hướng dẫn viên đang là lỗ hổng lớn trong quản lý, phát triển du lịch. 

Đã có rất nhiều trường hợp, nhiều doanh nghiệp, khi cử hướng dẫn viên đến đón đoàn khách lớn tại sân bay, hướng dẫn viên nói rất đầy đủ, khách lắng nghe chăm chú nhưng không ai hiểu gì vì bất đồng ngôn ngữ. Ngay công cụ đơn giản nhất là cẩm nang về những điều không được phép làm dành cho du khách tiếng Trung hiện nay cũng chưa có. Nếu được thực hiện và bộ phận Công an cửa khẩu có thể kẹp ngay vào từng cuốn passport cho du khách này sau khi hoàn tất thủ tục thì sẽ hạn chế được nhiều điều đáng tiếc.

Trao đổi với các đơn vị làm du lịch, Phó giám đốc sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, ông Lã Quốc Khánh cho biết, hiện nay, Sở đang phối hợp với các công ty du lịch, phòng lữ hành làm cẩm nang hướng dẫn du khách nói tiếng Trung để chuyển Công an cửa khẩu phát cho du khách. Việc quản lý du khách, quy định pháp luật đã có tương đối đầy đủ nhưng lực lượng thanh tra rất mỏng.

Tại TP Hồ Chí Minh, thanh tra du lịch chỉ có 6 người. Muốn tạo được thị trường lành mạnh, không ai khác là những người làm du lịch, các doanh nghiệp phải chủ động thông tin với cơ quan quản lý khi phát hiện tiêu cực.

Riêng bất cập về hướng dẫn viên, từ 7 năm trước, những người làm quản lý du lịch TP Hồ Chí Minh đã có kiến nghị lên Tổng cục Du lịch nhưng chưa giải quyết được triệt để vì vướng một số quy định pháp luật mà đến nay chưa tháo gỡ được. Riêng về phục vụ thị phần khách du lịch nói tiếng Trung Quốc, hiện nay thành phố có 234 hướng dẫn viên và có lẽ là địa phương có nhiều hướng dẫn viên nói tiếng Trung nhất cả nước song phần lớn đều có tuổi. 

Thành phố chỉ có 33 hướng dẫn viên nói tiếng Trung trẻ, được đào tạo bài bản từ Trung Quốc về. Để lấp lỗ hổng về hướng dẫn viên, sở đang đề nghị cấp thẻ hướng dẫn viên tạm thời… Dự kiến, vào tháng 8-2016, thành phố sẽ có hội thảo phân tích thêm thị trường gắn bó với ngôn ngữ để cùng các trường có điều chỉnh về đào tạo, góp phần giải quyết bài toán về hướng dẫn viên du lịch nói chung.

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội lữ hành Việt Nam cũng khẳng định, nếu những người làm du lịch, doanh nghiệp làm du lịch chân chính biết đoàn kết, có các câu lạc bộ liên kết, sinh hoạt, giám sát lẫn nhau và có sự phối kết hợp với các cơ quan quản lý thì việc tạo thị trường cạnh tranh lành mạnh không quá khó. 

Ngay từ khâu quản lý du khách từ cửa khẩu, ông Bình cũng kiến nghị, với các doanh nghiệp bán tour với giá 0 đồng, bán giá rẻ, đón tiếp du khách vào Việt Nam chỉ có một ngày… rất cần được kiểm soát chặt chẽ. Nếu du lịch thực sự, họ sẽ làm gì trong một ngày, tham quan chỗ nào… 

Nếu không trả lời được và lý giải hợp lý thì không cho phép qua cửa khẩu. Riêng về công tác quản lý, trước đây, Hiệp hội đã kiến nghị thành lập lực lượng cảnh sát du lịch nhưng chưa thành. Sắp tới, Hội sẽ kiến nghị lên Bộ Chính trị về việc thành lập lực lượng này.

Ngọc Nguyễn
.
.
.