Đừng để vé tàu, xe dịp Tết thành gánh nặng với người dân

Thứ Năm, 09/01/2020, 06:19
Thời điểm này, cao điểm phục vụ vận chuyển hàng triệu lượt khách từ TP Hồ Chí Minh về quê dịp Tết Nguyên đán Canh Tý đã cận kề. Song điều nghịch lý là trong khi các hãng hàng không, tàu hỏa, nhà xe vẫn đang còn ôm cả chục, cả trăm ngàn vé Tết chưa thể bán ra được, thì ngược lại, nhiều người có nhu cầu về quê sum họp dịp Tết vẫn đang phải tính toán chi phí để lựa chọn phương tiện đi lại cho phù hợp với túi tiền.


Tại Bến xe Miền Đông (BXMĐ), theo ông Nguyễn Hoàng Huy, Phó Giám đốc, đến ngày 6-1 đã có 103 DN vận tải trong tổng số 194 DN, nhà xe trong bến kê khai tăng giá vé. Trong số 417 ngàn vé xe các loại được đưa ra phục vụ dịp cao điểm Tết năm nay của DN vận tải trong BXMĐ, có đến hơn 314 ngàn vé xe giường nằm, ghế ngồi chỉ có gần 103 ngàn vé.

Hiện các DN vận tải, nhà xe đã bán được khoảng 260 ngàn vé, chủ yếu là vé xe giường nằm, vé ghế ngồi mới chỉ bán ra được hơn 21 ngàn vé. Như vậy lượng vé xe phục vụ Tết ở BXMĐ hiện còn đến 158 ngàn vé với hơn một nửa là vé xe ghế ngồi.

Giá vé máy bay dịp Tết quá cao so với thu nhập của số đông hành khách.

Trong khi vé xe giường nằm từ BXMĐ đi các tuyến Tây Nguyên, miền Trung và phía Bắc từ ngày 26-28 Tết đã khá khan hiếm, nhưng hầu hết xe ghế ngồi chạy các tuyến này đều còn vé.

Ngay cả với các tuyến đường ngắn, có cự ly từ 300km trở lại, năm nay xu thế chọn xe giường nằm của khách cũng thể hiện rất rõ. Theo ông Đặng Nguyễn Nguyên Huân, Giám đốc Bến xe Miền Tây (BXMT), dù chỉ đi các chặng ngắn từ thành phố về khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nhưng khách vẫn tập trung tìm mua vé xe giường nằm.

Số lượng vé xe ghế ngồi các DN mới bán được rất ít. Với hàng trăm ngàn vé xe ghế ngồi còn lại, các DN vận tải, nhà xe ở các BXMĐ, BXMT hiện vẫn phải ôm để chờ đội ngũ công nhân được nghỉ Tết ra mua vé đi ngay. Và như vậy, DN vận tải, nhà xe hoạt động trên các tuyến xa chỉ có thể chạy được 2 chuyến trong những ngày cao điểm trước Tết.

Với mục tiêu phục vụ khoảng 3,8 triệu hành khách trong vòng 1 tháng cao điểm Tết, từ 16 tháng Chạp đến 15 tháng Giêng, trong đó khách về quê trước Tết đạt hơn 1,8 triệu lượt. Nhưng đến nay, các hãng hàng không hoạt động tại sân bay Tân Sơn Nhất vẫn còn khá nhiều chỗ đi các chặng có đông chuyến bay.

Cụ thể, hãng Vietnam Airline (VNA) trên chặng bay Tân Sơn Nhất - Nội Bài trong các ngày 25-30 Tết vẫn có nhiều chuyến còn vé hạng trên dưới 3 triệu đồng/lượt. Ngay cả chặng từ Tân Sơn Nhất đi sân bay Vinh, hiện VNA cũng còn nhiều vé đi các chuyến bay những ngày cận Tết.

Bay về Hải Phòng, nếu chấp nhận về quê trễ một chút, ngày 30 Tết từ Tân Sơn Nhất ra sân bay Cát Bi khách vẫn có thể mua được những hạng vé có giá dưới 3 triệu đồng/lượt của VNA. Từ 25-30 Tết, vé của hãng Vietjet (VJA) từ Tân Sơn Nhất ra Nội Bài hiện nhiều chuyến cũng vẫn còn hạng vé trên dưới 3 triệu đồng/lượt.

Các chặng bay khác từ Tân Sơn Nhất ra Vinh, Cát Bi của VJA trong những ngày cận Tết hiện khách vẫn có thể mua được vé với giá dưới 3 triệu đồng/lượt. Bay ít chuyến hơn, nhưng vé của hãng Jetstar đi trong 5 ngày cận Tết trên các chặng bay này hiện khách cũng vẫn mua được vé với giá trên dưới 3 triệu đồng/lượt.

Ông Thuận, chủ DN vận tải khách ở BXMĐ cho rằng, vé máy bay vé tàu Tết còn nhiều đã khiến vé xe khách không thể bán được. Đã vậy những ngày trước cao điểm, các hãng hàng không còn đua nhau khuyến mãi giá vé khiến những người được nghỉ Tết về quê sớm như sinh viên, lao động tự do đã chọn đi máy bay giá rẻ từ trước chứ không chọn đi xe khách hay tàu hỏa.

Đắn đo đến giờ này vẫn chưa mua được vé về quê dịp Tết, anh Toán, một viên chức ở quận Bình Tân chia sẻ, gia đình anh tính chọn phương án đi tàu, xe để  cả nhà về Bắc sum họp cho giảm chi phí. Song nghỉ Tết chỉ được một tuần mà nằm trên tàu xe ngoài đường 3-4 ngày thì coi như đã hết nửa cái Tết. Đi bằng máy bay, chi phí tiền vé cho 3 người trong gia đình anh đã hết khoảng 20 triệu đồng cho 2 lượt bay.

Với mức lương viên chức, Tết chỉ được thưởng tháng lương thứ 13 cộng thêm vài triệu đồng, cả năm làm việc dành dụm khéo cũng chỉ đủ một chuyến về quê dịp Tết, nên cứ phải chia ra năm về thăm quê, năm ở lại thành phố ăn Tết. Anh Toán thắc mắc, mùa thấp điểm, tôi đi máy bay từ TP Hồ Chí Minh về Hà Nội chỉ ở có giá trên 1 triệu đồng/vé mà các hãng hàng không vẫn có lãi để bay.

Tết nhất khách đi lại đông, sao lại đẩy giá vé lên kịch khung như vậy; liệu đây có phải là việc lợi dụng để bắt chẹt hành khách hay không? Về vấn đề chi phí cho hoạt động hàng không, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này đã từng lên tiếng khẳng định chi phí khai thác tàu bay chỉ vào khoảng 4.500 USD/giờ bay.

Bay một vòng từ sân bay Tân Sơn Nhất ra Nội Bài rồi quay về, thời gian bay chỉ là 3,5 giờ. Còn theo tìm hiểu của PV Báo CAND, nhiều năm qua giá dầu máy bay Jet A1 cung cấp cho các chuyến bay nội địa ở sân bay Tân Sơn Nhất hầu như được giữ quanh mức 10 ngàn đồng/kg. Bay một vòng trên chặng này, một tàu bay chỉ nạp khoảng 5-6 tấn dầu, tùy tình hình thời tiết.

Chưa tính mức cước khai thác vài tấn hàng hóa trên 2 chiều bay với giá cước 28-32 ngàn đồng/kg và lượng khách ở chiều bay vào; chỉ cần lượt bay từ Tân Sơn Nhất ra Nội Bài đạt 170 - 180 khách trong dịp Tết, với giá vé trên dưới 3 triệu đồng, hãng hàng không đã thu về khoảng 500 triệu đồng/chuyến.  

Những năm trước, thời điểm này ngành đường sắt đã phải bán cả vé phụ - khách mua loại vé này phải ngồi bằng ghế súp nhựa trên lối đi giữa 2 dãy ghế các toa tàu cho hành trình hơn ngàn km. Nhưng năm nay, lượng vé tàu hỏa chiều từ TP Hồ Chí Minh ra miền Trung, phía Bắc và ngược lại vẫn còn rất nhiều.

Trong đó vé tàu vào lại TP Hồ Chí Minh sau Tết còn đến con số vài chục ngàn, vé ra trước Tết cũng còn cả chục ngàn. Dành nhiều ngày tìm mua vé tàu Tết trên mạng để về Nam Định, chị Hoàng Thị Thanh, nhân viên một DN ở KCN Đồng An cho biết vẫn có nhiều chuyến tàu ra Bắc trước Tết còn vé, nhưng không phù hợp với chị. Làm việc đến hết ngày 27 Tết mới xin được nghỉ, nhưng vé tàu hiện chỉ còn các ngày trước đó hoặc đi vào ngày giáp Tết.

Giá vé tàu nằm khoang máy lạnh đã cao, còn khó mua được đúng ngày về mong muốn nên vé tàu hỏa cũng không phải lựa chọn phù hợp đối với nhiều người muốn về quê như chị Thanh thời điểm này. Là địa phương thu hút rất đông người dân từ 63 tỉnh, thành trên cả nước đến làm ăn, sinh sống.

Do đó đến hẹn lại lên, cứ đến dịp Tết Nguyên đán, hoạt động vận tải hành khách từ TP Hồ Chí Minh về các tỉnh, thành lại hết sức sôi động. Tận dụng cơ hội này, các hãng vận tải từ hàng không đến tàu hỏa và xe khách lại đẩy giá vé tăng hết cỡ được phép với lý do để bù đắp chiều rỗng.

Điều này khiến giá vé tàu xe Tết quá nặng so với thu nhập của số đông người lao động. Vì vậy, dù cao điểm vận chuyển khách Tết đã cận kề, thì vé máy bay, vé tàu hỏa và vé xe khách Tết từ TP Hồ Chí Minh về các tỉnh, thành vẫn còn số lượng rất lớn.

Tình trạng hành khách dửng dưng với vé tàu, xe Tết khiến các hãng vận tải còn ôm cả chục, cả trăm ngàn vé tàu, xe đứng ngồi không yên. Song đây cũng là cơ hội để các hãng vận tải phải nhìn lại; làm sao để cả hai bên, hành khách và DN vận tải có thể “gặp được nhau” cả về nhu cầu đi lại và chi phí vận tải là vấn đề đặt ra với các hãng vận tải.

Đ.Thắng
.
.
.