Du lịch Việt Nam vượt khó thời dịch bệnh

Thứ Bảy, 22/02/2020, 07:51
Mặc dù gặp khó khăn nhưng các doanh nghiệp du lịch Quảng Ninh đã và đang chung tay để phòng chống COVID-19, nhằm giảm thiểu nguy cơ phát sinh, lây lan dịch bệnh với hy vọng sẽ sớm dập tắt dịch bệnh, giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh, đảm bảo đời sống người lao động...


Miền Trung được khách du lịch quốc tế chọn là điểm đến an toàn

Sáng 19-2, sau khi ghé cảng Tiên Sa (Đà Nẵng), chiếc du thuyền mang quốc tịch Bahamas Silver Spirit, chở theo 600 du khách, 416 thủy thủ đoàn đã cập cảng Chân Mây (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế). Cùng cập cảng Chân Mây thời điểm này còn có du thuyền Crystal Symphony, chở 770 du khách và 584 thủy thủ.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thừa Thiên-Huế đã cử cán bộ y tế phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra sức khỏe đối với từng thuyền viên, du khách và không phát hiện trường hợp nào có dấu hiệu bất thường về sức khỏe.

Các du khách đã được đi tham quan danh thắng, di tích thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế như Đại Nội, chùa Thiên Mụ, lăng Minh Mạng…

Du khách tham quan Chùa Cầu, Hội An.

Ông Jacob Allan đến từ Mỹ chia sẻ: “Đây là lần thứ 2 gia đình tôi đến Việt Nam và lần này chúng tôi chọn Hội An và Huế để đi tham quan. Dù đang trong thời điểm dịch bệnh COVID-19, nhưng Việt Nam đang làm rất tốt công tác phòng chống để hạn chế dịch bệnh lây lan, có nhiều ca nhiễm COVID-19 đã được điều trị thành công. Và đây chính là lý do mà chúng tôi rất an tâm khi chọn các tỉnh, thành phố miền Trung để đi du lịch vào dịp này”.

Lãnh đạo Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Tân Hồng, đơn vị khai thác khách trên du thuyền Silver Spirit cho biết thêm, các du khách đều yên tâm và đánh giá Huế, Đà Nẵng, Hội An… là điểm đến được tin tưởng, lựa chọn để đi tham quan. Theo ông Huỳnh Văn Toàn, Tổng Giám đốc Công ty CP Cảng Chân Mây, những ngày qua, cảng đã liên tiếp đón 3 du thuyền với hơn 4.000 du khách.

Hiện cảng đã được tỉnh Thừa Thiên-Huế trang bị máy tầm soát thân nhiệt để kiểm tra sức khỏe tất cả các du khách trước khi nhập cảnh đúng theo quy định của ngành Y tế và chỉ những du khách có chỉ số sức khỏe bình thường mới được cho phép lên bờ tham quan để đảm bảo an toàn.

Ông Đinh Mạnh Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế nói rằng, lượng khách quốc tế đến Huế du lịch tuy có giảm so với trước, song trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp như hiện nay, thì việc Di sản Huế đón bình quân mỗi ngày từ 7-8 nghìn lượt khách, trong đó khách quốc tế chiếm hơn 6 nghìn lượt, đã chứng tỏ điểm đến du lịch lý tưởng, an toàn.

Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đang nghiên cứu các gói kích cầu, như tổ chức “Tuần lễ vàng du lịch tại Di sản Huế”, thực hiện giảm 20% đến 50% giá vé cho các đoàn tham quan điểm di tích… để tiếp tục thu hút du khách.

Chung tay với chính quyền, các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, Hiệp hội Du lịch cũng tạo ra các sản phẩm mới, giảm giá thành để thu hút du khách đến Hội An. Theo kế hoạch, tháng 3-2020, TP Hội An sẽ tổ chức hội nghị bàn về biện pháp phát triển ngành Du lịch trong bối cảnh Covid-19.

“Trong năm 2020, Hội An dự kiến đón khoảng 6 triệu lượt du khách đến tham quan. Song, do chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh Covid-19, chỉ tiêu này trên thực tế rất khó để đạt được. Chúng tôi đã và đang triển khai nhiều giải pháp để mở rộng thêm thị trường quảng bá du lịch, đồng thời tiếp tục triển khai môi trường du lịch an toàn, thuần hậu nhằm thu hút du khách đến tham quan, du lịch”, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An chia sẻ.

Từ khi dịch bệnh COVID-19 xuất hiện, một bộ phận nhỏ du khách tại Hội An tỏ ra e ngại khi tiếp xúc với du khách Trung Quốc, hoặc du khách nói tiếng Hoa. Trước thực trạng này, bên cạnh việc tuyên truyền, vận động của chính quyền TP Hội An để mọi người không kỳ thị du khách nói tiếng Hoa, UBND tỉnh Quảng Nam đã thống nhất thành lập đội xe taxi ưu tiên phục vụ vận chuyển khách du lịch nói tiếng Hoa tại TP Hội An.

Đội xe taxi này có 5 chiếc được hỗ trợ kinh phí mỗi ngày hơn 1 triệu đồng/xe, bố trí 2 vị trí đón khách tại bãi xe Quảng trường Sông Hoài và số 8 Hoàng Diệu. Các tài xế trong đội taxi được trang bị kiến thức và các dụng cụ bảo hộ phòng dịch bệnh, như khẩu trang y tế, bình nước rửa tay khô có cồn để phòng ngừa lây nhiễm dịch bệnh.

Đảm bảo an toàn chống dịch khi phục vụ du khách

Mặc dù gặp khó khăn nhưng các doanh nghiệp du lịch Quảng Ninh đã và đang chung tay để phòng chống COVID-19, nhằm giảm thiểu nguy cơ phát sinh, lây lan dịch bệnh với hy vọng sẽ sớm dập tắt dịch bệnh, giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh, đảm bảo đời sống người lao động.

Điển hình như Công ty TNHH Du lịch làng quê Yên Đức tại thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức tập huấn tại chỗ cho các nhân viên. Trang bị nước rửa tay diệt khuẩn, phát khẩu trang, sử dụng các pano tuyên truyền về phòng chống dịch... Doanh nghiệp đã dừng hẳn hoạt động đón khách Trung Quốc, với thị trường khách thuộc các quốc tịch khác, việc phòng dịch được làm theo các quy định chung của Bộ Y tế.

Quảng Ninh tăng cường tuyên truyền cách phòng chống dịch bệnh cho du khách.

Hay như Công ty CP Phát triển Tùng Lâm có nhiều dịch vụ tại khu di tích - danh thắng Yên Tử cũng đã triển khai việc vệ sinh, phun thuốc khử trùng toàn bộ khu di tích với tần suất 2 lần/tuần, gồm khu bến xe và các nhà hàng tại đây, khu lưu trú, các nhà ga cáp treo và tại các chùa, nhà vệ sinh trên tuyến hành hương. Riêng lồng ca bin cáp treo được phun khử trùng hàng ngày. Công ty cũng trang bị các chai nước rửa tay, khuyến cáo hướng dẫn viên hướng dẫn khách đeo khẩu trang; dán các tờ rơi, áp phích về các bước phòng chống Covid-19, làm các màn hình lớn cảnh báo về dịch...

Là một trọng điểm chống dịch Covid-19 của Quảng Ninh do tập trung rất nhiều cơ sở du lịch như nhà hàng, khách sạn, tàu du lịch, nên TP Hạ Long thực hiện nghiêm chỉ đạo của tỉnh. Theo đó các công ty lữ hành đã dừng, hủy toàn bộ tour du lịch tới các tỉnh, thành phố đang có dịch; không đón khách du lịch từ vùng có dịch đến Quảng Ninh. Các khách sạn, cơ sở lưu trú đã tăng cường áp dụng nhiều biện pháp hỗ trợ đảm bảo an toàn cho khách du lịch, như cập nhật các thông tin về dịch bệnh, cung cấp nước rửa tay kháng khuẩn, khẩu trang miễn phí cho du khách...

Liên minh kích cầu du lịch

Chiều ngày 21-2, Liên minh kích cầu du lịch Việt Nam khắc phục hậu quả dịch bệnh do COVID-19 đã chính thức ra mắt tại Hà Nội với sự tham dự của gần 250 đại biểu là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực du lịch và các lĩnh vực khác liên quan. 

Liên minh bao gồm đại diện các doanh nghiệp du lịch và dịch vụ trên cả nước, có trách nhiệm xây dựng chương trình kích cầu du lịch, góp phần khắc phục hậu quả của dịch bệnh, tạo đà tăng trưởng cho ngành du lịch sau khi dịch kết thúc. Cũng trong buổi lễ, ban tổ chức đã công bố chính thức chương trình “Kích cầu du lịch Việt Nam năm 2020”, bộ tiêu chí du lịch an toàn với dịch do COVID-19.

Chương trình chọn 4 địa phương là Quy Nhơn, Tuy Hòa, Đắk Lắk, Gia Lai để xây dựng các sản phẩm kích cầu đầu tiên. Lý do, đây là các địa bàn không có những thông tin về dịch bệnh, có những yếu tố về mặt địa lý riêng khiến cho những vùng đất này không bị ảnh hưởng của dịch bệnh do COVID-19.

Hưởng ứng chương trình, Vietnam Airlines đã dành cho các đơn vị trong Liên minh kích cầu mức giảm 40% so mới mức giá thấp nhất hiện hành. Các đối tác tham gia tour còn giảm giá, tùy theo từng nhà cung cấp sẽ có mức giảm giá khác nhau từ 10 – 40%, thậm chí còn miễn một số dịch vụ khác. Vì vậy, giai đoạn đầu của chương trình kích cầu, giá sản phẩm du lịch giảm rất sâu, từ 20% đến 80% so với giá thông thường. Tuy nhiên, các đơn vị tham gia phải đảm bảo chất lượng phục vụ cũng như an toàn sức khỏe cho du khách theo đúng tiêu chí du lịch an toàn trong dịch COVID-19.

Đây là bộ tiêu chí do Hiệp hội Du lịch Việt Nam thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về giải pháp khắc phục hậu quả của dịch bệnh đối với ngành du lịch. Các tiêu chí này đã được tham khảo rất kỹ về mặt chuyên môn từ Bộ Y tế, chính thức ban hành vào ngày 21-2.

N.Hoa

Nhóm PV
.
.
.