Khuyến cáo của Cảnh sát PCCC từ vụ hỏa hoạn chết 8 người

Thứ Bảy, 08/05/2021, 19:31
Như CAND online đã thông tin, căn nhà bị cháy khiến 8 người tử vong trong hẻm 47, Lạc Long Quân, phường 1, quận 11, TP Hồ Chí Minh, chủ nhân vừa dời xưởng sản xuất xi đánh bóng gạch về đây được khoảng 2 tuần thì xảy ra vụ cháy thương tâm trên.

Đây lại là một trong những vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người liên quan đến nhà ở kết hợp với kinh doanh sản xuất. Qua vụ cháy thương tâm này, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH-Công an TP Hồ Chí Minh đã có khuyến cáo đến với người dân…

Thượng tá Đỗ Văn Kháng, Phó Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH - Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, tại TP Hồ Chí Minh có trên 300 nghìn nhà ở kết hợp với kinh doanh. Người dân tận dụng tầng trệt để buôn bán kinh doanh, khai thác các tầng trên làm kho chứa hàng, các chất cháy chủ yếu là hàng hóa.

Khi xảy ra sự cố cháy nổ, hàng hóa bị cháy đổ sập gây cản trở lối thoát hiểm, hàng hóa cháy tạo ra khí độc gây ảnh hưởng đến tính mạng những người sống bên trong nhà.

Vụ cháy hôm 1/5 khiến 1 người tử vong, 5 người bị thương.
Nhiều vụ cháy lớn tại nhà ở kết hợp với kinh doanh xảy ra tại TP Hồ Chí Minh thời gian qua.

Đối với các nhà ở kết hợp với kinh doanh nằm sâu trong hẻm càng phức tạp, gây khó khăn cho công tác chữa cháy. Như vụ cháy 8 người chết ở hẻm 47, có nhiều tổ công tác phải nối vòi rồng hơn 500m mới tiếp cận được đám cháy khiến thời gian tiếp cận đám cháy lâu hơn. Các nhà trong hẻm xây sát nhau, các con hẻm chỉ rộng 1-2m, khi cháy khói tích tụ trong hẻm gây ảnh hưởng đến người xung quanh. 

Bên trong các hộ kinh doanh đặt trong các hẻm thường chứa các chất dễ cháy như hóa chất, bìa cạc tông, nhựa… tạo ra một hỗn hợp khói cực độc. Nếu những nạn nhân trong đám cháy hít phải chỉ 30 giây là có thể ngất đi vì ngạt. Để tiếp cận chữa cháy đối với lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp cũng rất khó khăn. Các chiến sĩ phải mặc áo chống cháy, đeo bình CO2 để tiếp cận để đi qua lửa, qua khói dập lửa tìm kiếm nạn nhân.

Nhà ở kết hợp với kinh doanh khi gặp sự cố cháy nổ thường tỏa ra khí độc không chỉ khiến những người trong nhà bị ngạt mà ngay cả lực lượng chữa cháy cũng gặp khó khăn khi tiếp cận.

Thường các hộ kinh doanh này chỉ có một lối thoát nạn duy nhất. Những nhà ở kết hợp kinh doanh thường tận dụng diện tích căn nhà nên thiếu lối thoát nạn. Nhiều nhà ở kết hợp kinh doanh thường cũ, xây dụng hàng chục năm trước, hệ thống điện không đảm bảo dễ dẫn đến chạm chập điện. Ngoài hàng hóa ra, thì bên trong các căn hộ này còn chứa nhiều xe gắn máy, hệ thống bếp nấu nướng, thờ cúng.

Vụ cháy ở hẻm 47, đường Lạc Long Quân khiến 8 người tử vong, trong đó có 7 người cùng một gia đình.

Là người trực tiếp tham gia chỉ huy chữa cháy tại căn nhà trong hẻm 47, Thượng tá Kháng rất đau xót khi chứng kiến quá nhiều người thiệt mạng và gởi lời chia buồn đến thân nhân của các nạn nhân. Qua vụ cháy này, Thượng tá Kháng khuyến cáo, đối với những hộ nhà ở kết hợp với kinh doanh. 

Qua đó, về con người, chủ hộ phải có kiến thức về PCCC để nhắc nhở những người trong nhà, hàng hóa trong nhà nhiều thì cần có ý thức sắp xếp gọn ghẽ, phải đảm bảo lối đi lại và dứt khoát phải có lối thoát nạn thứ 2. Kiên quyết quản lý chặt chẽ các nguồn lửa, nguồn nhiệt, các hệ thống phát sinh nguồn nhiệt như dây điện, hoặc nơi thờ cúng.

Thượng tá Đỗ Văn Kháng, Phó Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH - Công an TP Hồ Chí Minh:

Hàng năm cần kiểm tra cải tạo, đánh giá các thiết bị tải điện, tiêu thụ điện. Phải trang bị các phương tiện PCCC như báo cháy tự động, bình chữa cháy, máy bơm, bể nước. Các khu vực chứa hàng, bình chữa cháy phải để nơi dễ thấy. Phương án chữa cháy và cứu nạn cứu hộ phải được các thành viên trong gia đình nắm rõ để dễ dàng xử lý khi sự cố cháy nổ xảy ra.

Ngay trong gia đình cũng cần có những nội quy, qui định chặt chẽ (phải tắt điện, tắt nguồn nhiệt), các phương án, kỹ năng thoát nạn, thoát hiểm. Đừng chủ quan để dẫn đến các hậu quả đáng tiếc về người và tài sản khi cháy nổ xảy ra.

Chiều tối 8/5, hiện trường vụ cháy chết người vẫn đang được phong tỏa.

Theo thống kê, trong năm 2020, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh xảy ra 269 vụ cháy làm chết 11 người, bị thương 22 người, chủ yếu tập trung loại hình nhà ở đơn lẻ, (chiếm 103/269 vụ, tỷ lệ 38,3%). Riêng năm 2021, từ tháng 3 đến cuối tháng 4, đã xảy ra nhiều vụ cháy, khiến 17 người thiệt mạng. Trong tháng 5, đây là vụ cháy thứ 2 gây thiệt mạng về người. Vụ cháy tại dãy nhà trên đường Trần Hưng Đạo, quận 1 khiến 1 công nhân tử vong đúng ngày lễ Quốc tế lao động 1/5 và vụ cháy tối 7/5 vụ cháy tại đường Lạc Long Quân, phường 1, quận 11 khiến 8 người tử vong, trong đó có 7 người cùng một gia đình.

M.Đ
.
.
.