Đã "giải cứu" được một nửa số thịt lợn dư thừa

Thứ Ba, 23/05/2017, 08:47
Thực tế, không phải cuộc khủng hoảng thịt lợn mới diễn ra hai tháng trở lại đây, mà đã tròn một năm từ khi bắt đầu có dấu hiệu giá thịt lợn bắt đầu xuống dần. Chia sẻ với báo chí, ông Hoàng Thanh Vân - Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, đến hết tháng 6, tổng thu của ngành chăn nuôi lợn sẽ bị giảm khoảng 10.000 tỷ đồng.


Tính đến thời điểm này, số lượng lợn còn tồn trong dân khoảng 1,5 triệu con, tương đương 200.000 tấn thịt lợn hơi và cả nước đã giải cứu được một nửa số lợn. Hiện nay giá lợn hơi đang nhích lên ở tất cả các khu vực, nơi cao nhất tăng 8.000 - 9.000 đồng/kg, nơi thấp nhất cũng tăng 2.000- 3000 đồng/kg.

Theo tính toán của Cục Chăn nuôi, tính đến hết tháng 6, tổng thu của ngành chăn nuôi lợn sẽ giảm khoảng 10.000 tỷ đồng, không lớn so với con số 6 - 7 tỷ USD của toàn bộ ngành chăn nuôi. Trong khi đó, giá thịt bò đang ổn định, thậm chí tăng thêm một chút, giá thịt gà 6-7 tháng nay không có biến động lớn, giá sữa vẫn cao, một số mặt hàng khác khá ổn định. Liên quan đến việc vực dậy ngành chăn nuôi lợn, Cục Chăn nuôi cũng cho cho biết, đơn vị này đang tập trung vào 4 nội dung sau: Thứ nhất là làm tốt công tác quản lý về số lượng cũng như về thông tin.

Giá thịt lợn đang nhích dần lên từng ngày.

Cục Chăn nuôi đã yêu cầu tất cả các tỉnh phải cập nhật thông tin hằng tuần. Khi có thông tin, Cục sẽ cảnh báo trên hệ thống mạng để tất cả người dân được biết và cũng từ đó, tính toán các phương án đáp ứng yêu cầu phát triển. Thứ hai, rà soát lại quy hoạch các tỉnh, trên cơ sở đó các tỉnh sẽ có báo cáo tới UBND, HĐND cấp tỉnh để có tính toán sự phát triển tương đối cân bằng; Thứ ba, tập trung phát triển ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất để giảm giá thành sản phẩm và thứ tư, tăng cường hợp tác thanh tra, kiểm tra đối với các sản phẩm đầu vào của chăn nuôi, rà soát lại văn bản pháp lý có liên quan, trên cơ sở đó có những điều chỉnh hợp lý.

Cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Thanh Vân phân tích, 3 con vật nuôi chính trong nước là lợn, gia cầm và đại gia súc. Riêng với đại gia súc, hiện nay tỷ lệ thịt cũng như đầu con chiếm trong tổng ngành chăn nuôi không lớn, chỉ khoảng 10%. Do đó, khủng hoảng đối với đại gia súc là khó do dư địa tiêu thụ còn khá dồi dào. Bên cạnh đó, đây là những con vật có chu kỳ chăn nuôi rất dài, nhất là đối với trâu sinh sản.

“Hiện trâu chúng ta chăn nuôi không đủ để bán, còn bò tăng trưởng 2-3% song cũng chưa đáng ngại. Riêng đối với gia cầm, cả nước có khoảng 360 triệu con, nhịp độ tăng trưởng đều khoảng 3,8%. So với sức tiêu thụ của trên 90 triệu dân, tôi cho rằng khủng hoảng đối với gia cầm cũng không đáng ngại.

Tới đây khi chúng ta mở cửa xuất khẩu gà sang Nhật Bản thì sản lượng tiêu thụ sẽ tăng lên. Các sản phẩm khác như sữa vẫn đang rất thiếu, không sợ khủng hoảng”, ông Vân khẳng định.

Liên quan đến vấn đề dịch bệnh, Cục Chăn nuôi đã có văn bản gửi xuống các địa phương thông tin cho các tỉnh, từ đó thông tin đến người chăn nuôi không có tâm lý vì giá xuống mà bỏ bê công tác phòng dịch bệnh.

Chi Linh
.
.
.