Gặp hai nhà báo hiến xác cho khoa học

Thứ Năm, 20/06/2019, 21:38
Trong cuộc sống, quan niệm về hạnh phúc của mỗi người rất ít khi giống nhau. Nhưng thật thú vị khi nhà báo mà tôi đề cập trong bài viết sau đây lại có chung suy nghĩ rằng, con người ta sống ở đời dù là bậc công hầu, khanh tướng, giàu sang hay nghèo khó, thì chết đi cũng hóa thành cát bụi.

Vậy khi chết đi nên hiến thân xác mình cho khoa học để các em học sinh ngành Y nghiên cứu, học tập nâng cao kiến thức, ra trường giúp ích cho xã hội. Và với họ, việc hiến xác cho khoa học cũng là niềm hạnh phúc lớn lao của đời người…

Một buổi sáng, ngồi đàm đạo bên tách trà nóng trong căn nhà nhỏ ở con hẻm đường Tôn Đản, thuộc tổ 42, phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng, nhà báo Thanh Toàn cười bảo: “Hơn 20 năm về trước, mình đã hiến xác cho khoa học.

Lúc đó, đa số người thân, bạn bè của mình đều phản đối, cho việc mình làm là điên rồ, trái với đạo lý, xúc phạm đến lĩnh vực tâm linh. Nhưng bây giờ thì khác rồi. Cả hai đứa con gái mình trước đây phản đối kịch liệt, song nay cũng “ngộ” ra những điều mình phân tích và đã hiến tặng thân xác cho khoa học”. 

Ngồi đối diện với anh Toàn, nhà báo Tiến Dân cũng cười nói: “Tôi thì mới hiến xác hồi tháng 8-2017, khi được biết Khoa Y dược của Đại học Đà Nẵng chưa có người hiến xác; mỗi khi sinh viên khoa này nghiên cứu, thực hành giải phẫu phải “mượn” thi thể từ các trường đại học ở TP HCM. 

Cùng thời điểm tôi hiến xác còn có thêm một chị ở quận Hải Châu cũng tình nguyện hiến xác”. Hớp một ngụm trà, anh Dân nói tiếp: “Mười năm trước, tôi đã có ý định hiến xác cho khoa học, lúc đó có dò ý vợ, con rồi, nên lúc đi hiến xác ai cũng đồng thuận. Thậm chí còn động viên nữa là khác…”.

Từ trái qua: Anh Toàn và anh Dân.

Nhà báo Thanh Toàn có tên họ đầy đủ là Nguyễn Văn Hồ Thanh Toàn. Anh gốc người Huế, nhưng sinh ra ở Đà Nẵng. Từ nhỏ anh đã đam mê ảo thuật và với năng khiếu của mình, anh tập luyện thuần thục nhiều trò “biến hóa” khiến người xem phải khâm phục, thích thú, như cắt cổ đem đầu để lên đĩa ăn và ca hát, hoặc cưa đôi thân mình… 

Cũng vì thế, năm 27 tuổi, anh đã được công nhận là nghệ sĩ xiếc và làm trưởng đoàn xiếc, ảo thuật Thanh Toàn. Đoàn xiếc của anh ngày đó rất “nổi đình, nổi đám” ở Đà Nẵng, biểu diễn ở đâu cũng chật kín người xem. 

Hoạt động được hơn 12 năm thì đột nhiên anh ngã bệnh, phải nghỉ điều trị một thời gian dài nên các thành viên của đoàn xiếc cũng dần bỏ đi tìm kế sinh nhai khác. Khi hết bệnh, thấy đoàn xiếc còn quá ít người, anh quyết định giải thể để vào TP HCM làm ăn. 

“Vào trong đó, được sự giúp đỡ của hai con gái, mình đi học làm tóc và làm nghề này kiếm sống. Ban ngày mình làm tóc, tối thì chạy các show diễn xiếc kiếm thêm thu nhập. Rồi mình quen biết một số nhà báo và tập tành viết báo. Mình say mê nghề báo từ đó…”. 

Anh Toàn trầm ngâm nhớ lại: “Một lần tình cờ mình đọc một bài báo của nước ngoài viết về chuyện hiến tặng thân xác khi chết cho khoa học, về lễ tri ân Macchabée. Mình còn nhớ, bài báo đó viết lễ Macchabée bắt nguồn từ tên của một bác sĩ người Pháp Judas Macchabée. Từ đầu thế kỷ 16, ông này đã cùng với đồng nghiệp và học trò lén đưa xác chết không thừa nhận về giấu trong hầm rượu để giải phẫu. 

Về sau, ngành Y thực hiện lễ Macchabée là để tri ân những người đã hiến xác cho giải phẫu học… Mình đọc bài báo và suy nghĩ rất nhiều. Con người ta khi chết đi có chôn xuống đất, hay đem hỏa thiêu cũng hóa thành cát bụi. Vậy sao không hiến xác để những sinh viên ngành Y có điều kiện nghiên cứu, thực hành nâng cao chất lượng học tập ra trường giúp đời, giúp người?… 

Thế là mình nói chuyện với các con và bạn bè về ý định hiến xác, nhưng vấp phải phản ứng rất mạnh mẽ. Tuy nhiên, ý mình đã quyết nên không ai cản được. Mình liên hệ hiến xác cho Đại học Y dược TP HCM vào năm 1998, thời điểm đó số người hiến xác cũng chưa được nhiều như bây giờ…”.

Cựu chiến binh, nhà báo Nguyễn Tiến Dân và các sinh viên Khoa Y dược, Đại học Đà Nẵng.

Ngồi im lặng nghe anh Toàn kể chuyện, anh Dân bất ngờ lên tiếng: “Không ngờ suy nghĩ của anh cũng trùng với tôi. Sau chiến tranh, tôi đã lặn lội khắp rừng sâu, núi thẳm tìm lại đồng đội đã mất năm xưa để đưa về chôn cất vào các nghĩa trang liệt sĩ. Mỗi lần tìm thấy hài cốt đồng đội chỉ còn là nắm đất đen, tôi lại nung nấu ý nghĩ về việc hiến xác cho khoa học. Tôi tham gia cách mạng, góp sức mình trong cuộc kháng chiến cứu nước, thì giờ đây tiếc gì thân xác khi chết mà không làm thêm một việc ý nghĩa, có ích cho đời…”. 

Qua trò chuyện mới hay, anh Nguyễn Tiến Dân quê ở thôn Phú Sơn, xã Tịnh Hiệp, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Sinh ra trong gia đình giàu truyền thống cách mạng, năm gần 14 tuổi, anh đã tham gia quân giải phóng hoạt động tại chiến trường Khu 5. Đến năm 1972, trong một trận chống giặc càn quét, anh bị thương. 

Chiến tranh kết thúc, đất nước hòa bình thống nhất, anh được cấp trên cho ra Bắc học, tới năm 1983 thì trở về Đà Nẵng công tác. Anh đã công tác ở nhiều đơn vị báo chí, như phóng viên thường trú Đài Truyền hình Việt Nam, Đại diện Báo Đường sắt, Báo Cựu chiến binh… và nay là phóng viên thường trú Tạp chí Văn hóa & Doanh nhân Việt Nam tại miền Trung - Tây Nguyên. 

Còn nhà báo Thanh Toàn, khi bố mẹ qua đời, năm 2000, anh từ TP HCM về lại Đà Nẵng và sau đó xin vào công tác Văn phòng thường trú Báo Công Lý tại miền Trung cho đến ngày nghỉ hưu…

Cuộc trò chuyện bất ngờ chuyển đề tài, khi anh Toàn bảo, đến bây giờ đã 66 tuổi, anh cũng thường cùng với vợ là chị Hà Thị Hoa (57 tuổi), cùng nhóm bạn thiện nguyện quyên góp giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh, trẻ em mồ côi. Anh Dân cũng kể về công việc thiện nguyện của mình. 

“Tôi bắt đầu công việc thiện nguyện cách đây đã 19 năm về trước. Ngày đó, hơn 100 chủ nhà hàng trên địa bàn Đà Nẵng được tôi vận động đều ủng hộ, cho nhân viên gom vỏ lon bia, lon nước ngọt để hàng ngày tôi đến nhận đem bán cho các cơ sở phế liệu, lấy tiền mua sách, vở tặng các em học sinh nghèo. Sau này, tôi phát huy mạnh hơn công việc thiện nguyện khi có bạn bè, doanh nghiệp ủng hộ; rồi hàng tháng tôi trích tiền lương, tiền nhuận bút… thêm vào”. 

Bằng cách làm đó, năm nào anh Dân cũng có được số tiền hàng trăm triệu đồng, thậm chí có năm số tiền quyên góp lên đến 1,4 tỷ đồng. Với số tiền đó, anh đã cùng nhóm bạn thiện nguyện lặn lội đến vùng sâu, vùng xa; vùng núi cao, căn cứ cách mạng năm xưa ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên, để tặng quà giúp đỡ các gia đình khó khăn, hỗ trợ các em học sinh nghèo từ sách vở, cặp, bút đến áo ấm cho các em mặc mùa đông và cả bữa ăn của các em học bán trú ở trường.

Anh Dân tặng quà cho các em học sinh đồng bào dân tộc thiểu số.

Trước lúc chia tay, câu chuyện của chúng tôi quay lại đề tài hiến xác cho khoa học. Nghe anh Toàn bảo, khi anh chết, gia đình sẽ liên hệ với Trường Đại học Y dược TP HCM, để bàn giao xác anh vào giao cho Bộ môn Giải phẫu học, anh Dân góp ý: “Anh nên liên hệ Khoa Y dược, Đại học Đà Nẵng chuyển đăng ký hiến xác về trường này cho gần nhà, thuận tiện cho người thân giao xác khi anh chết, nhất là bây giờ trường này mới có hai người hiến xác. Còn Đại học Y dược TP HCM đến nay số lượng người hiến xác quá nhiều…”. 

Anh Toàn có vẻ phân vân thì chị Hoa nắm lấy tay chồng phấn khích nói: “Anh Dân góp ý quá hợp lý. Mai em và anh đến Khoa Y dược, Đại học Đà Nẵng hỏi thủ tục để chuyển đăng ký hiến xác của anh về trường này. Em cũng sẽ ký đơn tình nguyện hiến xác cho khoa học…”. 

Và, cả anh Dân, anh Toàn, chị Hoa đều cười vui vẻ. Tôi cũng vui lây với họ, những con người giàu lòng nhân ái, thấu hiểu lẽ sống – chết của đời người nên nói chuyện tình nguyện hiến xác cho khoa học nhẹ như cơn gió thoảng…

Long Vân
.
.
.