“Cò” lùng sục mua lúa non trong đợt hạn mặn lịch sử
- Giá lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long tăng từng ngày
- Giá lúa gạo đang có lợi cho nông dân
- Giá lúa đồng bằng sông Cửu Long tăng mạnh
Hiện, tỉnh Hậu Giang xuống giống trên 45.000ha lúa Hè Thu và lúa trong giai đoạn mạ non. Năm nay, do hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra gay gắt, giá lúa ở mức cao, thị trường đầu ra thuận lợi nên nhiều người "đi tắt đón đầu", khi đặt cọc mua lúa non của nông dân với giá cao. Tuy nhiên, chỉ một số ít hộ đồng ý, còn lại thì muốn giữ lúa đến ngày thu hoạch.
Những ngày qua, về các cánh đồng lúa vừa được nông dân xuống giống dưới một tháng tuổi, đi đâu cũng nghe bà con bàn tán về chuyện “cò” lúa đang lùng sục mua lúa non trong dân.
Ông Tô Văn Nhớ (ngụ xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp), cho biết: “Tôi trồng lúa hơn 40 năm, nhưng đây là lần đầu tiên thấy có người đến đề nghị mua lúa quá sớm thế này. Lúa chỉ mới gieo được 20 ngày, nhưng có nhiều “cò” đến xin đặt tiền cọc trước. Đây là việc chưa từng xảy ra, nên tôi cũng như bà con khác còn phân vân, chưa ai dám lấy tiền cọc vì khả năng giá lúa sẽ tăng trong thời gian tới”.
Ông Tám (ngụ xã Vị Bình, huyện Vị Thủy, Hậu Giang) đã nhận tiền đặt cọc mua lúa non của "cò", khi lúa chỉ mới gieo mạ được khoảng 10 ngày. |
Trong khi nhiều hộ còn lo ngại với hình thức mua lúa còn là mạ trên đồng thì có một số bà con đã chấp nhận lấy tiền cọc trước.
Bà Huỳnh Thị Cẩm Hồng (ngụ xã Vị Bình, huyện Vị Thủy), kể: “Do làm giống lúa IR 50404 nên vụ Hè Thu hàng năm thường bán ở mức 4.000 đ/kg. Riêng năm nay, lúa vừa gieo sạ được một tuần, có hộ mới chuẩn bị xuống giống là “cò” đến đặt tiền cọc với giá 4.250 đ/kg (đưa trước 300.000 đ/công). Thấy đây là mức giá cao nên đã đồng ý nhận tiền cọc. Tuy nhiên, giá lúa hiện đã lên 4.800 đ/kg cùng loại giống, làm nhiều người tiếc nuối”.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Tám (ngụ cùng địa phương), cho biết: “Ban đầu, gia đình tôi không đồng ý lấy tiền cọc trước. Thế nhưng, thấy mọi người xung quanh ai cũng nhận tiền cọc trước nên tôi nhận theo”. Được biết, toàn khu vực cánh đồng lúa phía sau nhà ông Tám khoảng 10ha, hiện có 90% diện tích được bà con nơi đây nhận tiền trước của “cò”.
Thực tế, vào thời điểm giữa tháng 3, các “cò” lúa tiến hành mua lúa non của người dân với giá 4.200-4.300 đ/kg (giống IR 50404) và 4.600-4.700 đ/kg (các giống lúa hạt dài). Còn hiện tại, giá lúa đặt cọc giống IR 50404 đã tăng lên 4.700-4.800 đ/kg, giống OM 5451 là 5.400 đ/kg. Thông thường, lúa còn khoảng 10 ngày trước thu hoạch hoặc sớm lắm thì lúa phải đỏ đuôi thì “cò” mới đến đặt cọc và đưa ra ngày thu hoạch.
Nhưng hiện nay, các “cò” lúa đưa tiền cọc với giá cao vào thời điểm này cũng có cơ sở. Bởi, mùa khô năm nay được xem là đợt thiên tai nghiêm trọng nhất trong lịch sử. Nhiều địa phương khu vực ĐBSCL bị ảnh hưởng nặng nề của tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn.
Theo dự báo của cơ quan chức năng, sẽ có khoảng 500.000ha lúa Hè Thu của toàn vùng ĐBSCL phải chờ mưa xuống mới gieo sạ được do ảnh hưởng của hạn, mặn. Đây có thể là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng các “cò” lúa khẩn trương đặt tiền cọc trước với nông dân ngay khi lúa còn là mạ.
Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Đón đầu giá lúa nguyên liệu tại các tỉnh, thành vùng ĐBSCL sẽ tiếp tục tăng hoặc đứng ở mức cao. Hiện, nhiều người tìm đến những vùng đất tốt, đảm bảo nước tưới trên địa bàn tỉnh để thỏa thuận mua lúa vụ Hè Thu của nông dân mới gieo sạ chỉ vài ngày với giá khá cao. Đây thật sự là một tín hiệu khả quan cho người dân trong vụ lúa này. Tuy nhiên, bà con cần xem xét kỹ trước khi nhận tiền cọc. Bởi, theo nhận định của ngành nông nghiệp tỉnh, với dự báo về tình hình hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô năm nay thì Hậu Giang là một trong số ít các tỉnh thuộc vùng ĐBSCL có điều kiện canh tác vụ Hè Thu đúng lịch thời vụ, đây được xem là cơ hội vàng cho người trồng lúa của tỉnh”.