Giá lúa gạo đang có lợi cho nông dân

Chủ Nhật, 01/11/2015, 08:37
Ngày 31/10, tại Viện Nghiên cứu Lúa ĐBSCL (xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN - PTNT) đã tổ chức hội nghị “Sơ kết sản xuất trồng trọt năm 2015 và triển khai kế hoạch năm 2016 tại Nam bộ”.


PGS.TS Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết: Theo tổng hợp từ các Sở NN - PTNT, vùng ĐBSCL đã gieo sạ được hơn 4,5 triệu ha diện tích lúa, sản lượng ước đạt hơn 27 triệu tấn lúa, tăng 467.722 tấn so với năm 2014. Sản lượng gạo hàng hoá xuất khẩu trong năm 2015 đạt hơn 7,8 triệu tấn. Tính đến ngày 8-10, luỹ kế xuất khẩu của nước ta đạt 7,306 triệu tấn gạo, trong đó có 2,912 triệu tấn chưa giao hàng.

Việt Nam vừa trúng thầu cung ứng 450.000 tấn gạo cho Philippines và 1 triệu tấn gạo cho Indonesia là một trong những nguyên nhân làm giá lúa gạo trong nước tăng lên. Giá lúa khô tại kho khu vực ĐBSCL loại thường hiện dao động từ 5.100 - 5.200 đồng/kg, lúa dài từ 5.300 - 5.400 đồng/kg (tăng từ 100-200 đồng/kg so với cách nay 1 tháng). Giá gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% dao động từ 6.600-6.700 đồng/kg, gạo nguyên liệu 25% tấm là 6.500-6.600 đồng/kg (tăng từ 200 - 300 đồng/kg).

Theo đánh giá của ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam: “Dù loại gạo này  còn chiếm tỷ trọng xuất khẩu nhỏ (khoảng 1,08%) nhưng cần được phát triển để đa dạng hoá chủng loại và chất lượng gạo xuất khẩu”.

Lượng nước từ thượng nguồn sông MêKông về nhỏ nên độ mặn sẽ xâm nhập sớm và sâu. Trên hệ thống sông Cửu Long, độ mặn cao nhất năm khả năng xuất hiện trong tháng 3/2016, ở mức xấp xỉ hoặc cao hơn độ mặn cao nhất mùa khô năm 2015, cao hơn trung bình nhiều năm và cao hơn độ mặn 2015. Năm nay, nước mặn đã xâm nhập sâu vào nội đồng ảnh hưởng đến sản xuất lúa của vùng.

Nông dân vùng ĐBSCL thu hoạch lúa.

Bà Phan Thị Thu Sương, Phó Giám đốc Sở NN - PTNT tỉnh Bến Tre cho biết: “Theo thống kê, tỉnh Bến Tre có hơn 4.000 ha diện tích lúa bị ảnh hưởng. Trong đó có gần 690 ha lúa mất trắng, số diện tích còn lại bị ảnh hưởng từ 30-50%”.

Qua dự báo của Đài khí thượng Thuỷ văn khu vực Nam bộ, bà Sương khẳng định: Vụ đông xuân 2015-2016 sẽ điều chỉnh lịch thời vụ, tránh thiếu nước tưới và không cho sản xuất ở những vùng không chủ động được nước. Ở những tỉnh ven biển như: Sóc Trăng, Cà Mau, Kiên Giang… xâm nhập mặn cũng làm hàng nghìn ha lúa bị ảnh hưởng. Lãnh đạo Sở NN - PTNT tỉnh Đồng Tháp nhìn nhận rằng: mực nước thấp làm ảnh hưởng bất lợi cho vụ đông xuân 2015-2016 như chi phí vệ sinh đồng ruộng và làm đất cao hơn. Vì vậy, thời gian xuống giống của tỉnh này sẽ sớm hơn từ 10-20 ngày.

Diện tích gieo sạ vụ lúa đông xuân 2015-2016 của vùng ĐBSCL khoảng 1,56 triệu ha, diện tích được tưới khoảng 1,52 triệu ha. PGS.TS Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt khuyến nghị: “Khả năng xâm nhập mặn trong mùa khô 2015-2016 sẽ cao và sớm hơn nhiều năm. Vì vậy, các địa phương ở ĐBSCL cần sớm có biện pháp phòng chống khô hạn, xâm nhập mặn và thiếu hụt nguồn nước cho sản xuất lúa”.

Văn Vĩnh
.
.
.