Chuyện cảm động về những người góp phần làm nên các cuộc đoàn viên

Thứ Bảy, 12/01/2019, 06:56
Những cái ôm xiết chặt, nụ cười xen lẫn giọt nước mắt đoàn viên... Chứng kiến giây phút trùng phùng giữa nạn nhân Giàng Thị Hồng (tên đã được thay đổi) và những người thân trong gia đình, các cán bộ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai; Phòng phòng chống tội phạm về ma túy và tội phạm Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Lào Cai, không ngăn được cảm xúc. Họ cảm thấy những vất vả của mình có ý nghĩa hơn khi mang đến niềm vui và hạnh phúc cho người khác.


Đây chỉ là một trong những vụ giải cứu được BĐBP tỉnh Lào Cai phối hợp với lực lượng bảo vệ biên giới của nước bạn thực hiện hành công. Trong năm 2018, BĐBP tỉnh Lào Cai phối hợp với Công an tỉnh Lào Cai; lực lượng chức năng Trung Quốc trao trả tổng số 48 vụ, 9 đối tượng, 63 nạn nhân. Mỗi cuộc giải cứu là một câu chuyện nhân văn và ấm áp tình người của những cán bộ đang làm nhiệm vụ...

Được trở về bên những người thân trong gia đình, háo hức chờ đón một mùa xuân mới, nạn nhân Giàng Thị Hồng vẫn ngỡ như trong mơ. Trong dòng cảm xúc, Giàng Thị Hồng nhớ lại: Qua giới thiệu của người quen, người đàn ông chủ động liên lạc với Giàng Thị Hồng, đặt vấn đề quan hệ tình cảm... Những lời nói có cánh của gã đàn ông chưa một lần quen biết đã khiến cô gái vùng cao nhẹ dạ, non nớt siêu lòng rồi đồng ý về làm vợ của anh ta.

Một cuộc hẹn đã được đối tượng này chủ động đề xuất để gia đình nhà gái đến nhà trai, tìm hiểu về gia cảnh của nhà anh ta. Cùng đi với Hồng trong chuyến nhà trai lần này còn có bố và anh trai của Hồng nên tất cả đều nghĩ rằng đó là sự thật, cho đến khi sự việc được phơi bày. Hồng nhớ lại: Với lấy lý do bận công việc, đối tượng đã điều ba bố con Hồng từ Lai Châu về Bến xe khách Lào Cai (Lào Cai).

BĐBP tỉnh Lào Cai bắt đối tượng mua bán người dưới 16 tuổi.

Sau đó, có một người đàn ông tự giới thiệu là bạn của anh ta ra đón bố, anh trai và Hồng đưa đến khu vực rừng núi hiểm trở thuộc khu vực Bản Lầu, huyện Mường Khương (Lào Cai). Về sau này, Hồng và những người thân trong gia đình mới biết rằng đó chính là kẻ đã nhẫn tâm lừa bán Hồng sang bên kia biên giới. Từ một huyện miền núi xa xôi hẻo lánh của tỉnh Lai Châu về Lào Cai, bố con Hồng không thể phân biệt được đâu là Việt Nam, đâu là Trung Quốc nên đối tượng bảo gì thì nghe đấy.

Đối tượng dẫn ba bố con Hồng đến chân một ngọn đồi thì bảo dừng xe. Sau đó, với lý do nhà ở xa, đi tắt cho gần, đối tượng bảo Hồng và bố để xe máy ở chân đổi rồi đi bộ lên nhà. Chẳng may may nghi ngờ, tất cả đều làm theo lời của gã con rể hờ. Khi leo lên núi khoảng 15 phút thì họ gặp một người đàn ông khác mà theo giới thiệu là bạn...

Người này yêu cầu bố và anh trai Hồng quay lại lấy xe máy vì sợ để lâu sẽ có người mất trộm. Đây chính là thủ đoạn đối tượng dùng để tách người nhà của nạn nhân ra nhằm thực hiện hành vi phạm tội.

Chỉ đến khi nhận được điện thoại của đối tượng người Trung Quốc cho biết anh ta đã mua Hồng về làm vợ, cha và anh trai của Hồng mới biết rằng con gái họ đã bị lừa bán. Quá thương xót, gia đình đã làm đơn trình báo đến vụ việc đến Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lào Cai và Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh. Quá trình giải cứu nạn nhân, hai đơn vị nghiệp vụ gặp không ít khó khăn do thủ đoạn tinh vi của đối tượng gây án. Nhưng bằng những nỗ lực không ngừng nghỉ; sự phối hợp nhịp nhàng giữa các lực lượng, nạn nhân H đã được trở về đoàn viên bên những người thân trong gia đình.

Đây chỉ là một trong những vụ giải cứu được Đồn Biên phòng cửa khẩu phối hợp với Phòng phòng chống ma túy và tội phạm, BĐBP tỉnh Lào Cai, Công an tỉnh Lào Cai thực hiện thành công trong năm 2018. Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Tống Chính Phúc, Trưởng phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, BĐBP tỉnh Lào Cai cho biết: Nhóm phụ nữ, trẻ em bị lừa bán hầu hết là những thiếu nữ đang ở tuổi trăng tròn, số phụ nữ ở các thôn bản vùng sâu, vùng xa thiếu việc làm, trình độ nhận thức còn hạn chế, nhẹ dạ, cả tin... Đáng chú ý trong năm 2018, có trường hợp nạn nhân đang ở tuổi vị thành niên...

Các trường hợp này đều có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế, mâu thuẫn trong gia đình, số thanh niên đua đòi, thích ăn chơi, lười lao động. Giải cứu được một nạn nhân đã khó nhưng để họ tái hòa nhập với cộng đồng còn gian nan hơn nhiều.

“Các nạn nhân được giải cứu về nước mang trên người cả nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần. Vì thế khi nhìn thấy cán bộ biên phòng tỏ ra e ngại và sợ hãi... Một số trường hợp thì vì nhẹ dạ, cả tin vẫn giữ niềm tin ngây thơ vào những đối tượng mua bán người, gây khó khăn trong quá trình đấu tranh với đối tượng” trao đổi với chúng tôi về những khó khăn trong quá trình làm án, Trung tá Nguyễn Thế Bằng, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai cho biết.

Trong khi đó, các đối tượng thực hiện hành vi mua bán người có nhiều phương thức hoạt động tinh vi như che giấu nhân thân, dùng tên và điện thoại giả. Có những vụ án, sau khi đưa được một nạn nhân sang nước ngoài, các đối tượng xóa đi toàn bộ các dấu vết có liên quan. Trong khi đó, nhiều nạn nhân chỉ quen biết đối tượng gây án qua các ứng dụng của Internet; ngoài ra không biết thêm gì về nhân thân, tên tuổi và lai lịch của đối tượng.

Trong năm 2018, trên địa bàn tỉnh Lào Cai, hoạt động mua bán người đã được kiểm soát nhưng vẫn còn những diễn biến phức tạp. Đáng chú ý là hoạt động của nhóm thanh niên là người dân tộc thiểu số, lợi dụng mối quan hệ thân tộc, dân tộc, đặc biệt lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin (qua các mạng xã hội như facebook, zalo...) để làm quen, dụ dỗ, lừa gạt bằng thủ đoạn giới thiệu là doanh nhân thành đạt đang sinh sống tại Thái Lan lừa yêu đương; đưa đi thăm gia đình, đưa đi chơi.

Sau đó, cùng đồng bọn đưa nạn nhân vào khu vực biên giới, bắt ép đưa sang Trung Quốc bán cho các ổ chứa mại dâm. Sau khi sang Trung Quốc, các cháu bị khống chế, bị thu giữ phương tiện thông tin, bị quản lý gắt gao...

Đối tượng mua bán người còn tạo lập thành các đường dây, ổ nhóm, câu kết chặt chẽ với đối tượng ở nước ngoài với các đối tượng ở trong địa bàn khu vực biên giới và các đối tượng ở các tỉnh nội địa để dụ dỗ, lừa gạt phụ nữ ở địa bàn khu vực biên giới và từ các tỉnh đưa lên Lào Cai bán.

Trong quá trình giải cứu nạn nhân có những câu chuyện cảm động, đầy tình người. Trước sự quan tâm của các cán bộ làm công tác giải cứu, các cháu từ sự e ngại, bỡ ngỡ ban đầu đã bắt đầu chia sẻ.

Trao đổi với chúng tôi, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai cho biết: Cán bộ của Đồn cửa khẩu Quốc tế đều là nam giới... nhưng các anh đi mua cho từ những thứ đồ dùng cá nhân thiết yếu, trong đó có cả đồ của phụ nữ. Hơn tất cả đó chính là tình yêu thương của những cán bộ nơi đây đối với mảnh đời lầm lỡ.

Khi về nước, các em trong tình trạng vừa đi, vừa trốn chạy. Ngày thì nằm trên đồi, tối đến mới mò trong rừng mà đi, gặp người nào cũng sợ, không dám tiếp xúc với ai, ăn đói, mặc khát... Vì vậy, trong những ngày ngắn ngủi lưu lại tại Đồn, các anh coi các cháu như những người em trong gia đình. Mỗi trường hợp đều được hỗ trợ ban đầu, sau đó được bàn giao cho nhà nhân ái để tái hòa nhập cộng đồng...

Có nạn nhân trở về từ hàng ngàn cây số. Khi các nạn nhân bị lừa bán, gia đình họ không biết trông cậy vào ai lên với các anh và trình báo. Lúc này, lực lượng Công an và Biên phòng của tỉnh Lào Cai trở thành chỗ dựa về tinh thần cho gia đình nạn nhân, giúp đoàn viên nhiều cuộc thất lạc.

Xuân Mai
.
.
.