Nghề nuôi ngao ở Hải Lộc: Chưa dứt tiếng cười đã rơi nước mắt

Thứ Năm, 07/04/2016, 17:23
Nhiều năm trở lại đây nghề nuôi ngao đã mang đến sự thay đổi lớn cho người dân xã Hải Lộc (Hậu Lộc – Thanh Hoá), nhiều gia đình thoát nghèo nhờ ngao, nhưng cũng có không ít hộ dân khốn cùng cũng vì ngao.


Nghề nuôi ngao của xã được manh nha từ năm 1998, do gia đình ông Nguyễn Văn An (thôn Tiên Lộc –xã Hải Lộc) là hộ tiên phong đầu tiên. Ông An cho biết, lúc bắt đầu ông lựa chọn nuôi ngao đỏ - loại ngao bản địa, nhưng giống ngao này quá nhạy cảm, không thích nghi với môi trường ở đây nên lúc đầu gia đình ông cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Văn An – người đầu tiên phát triền nghề nuôi ngao tại cho xã Hải Lộc.

Sau đó, ông đã đi đến một số tỉnh nuôi ngao ở trong nước và đã tìm ra giống ngao trắng ở trong Nam mang về để nuôi trồng và đã thu được lợi nhuận cao. Trước nguồn lợi trông thấy từ việc nuôi ngao, nhiều gia đình trong thôn đã học tập và làm theo. Tính đến nay trên địa bàn xã có đến hơn 50% số hộ đầu tư vào ngao, với diện tích lên đến gần 300ha.

Nhờ có nghề nuôi ngao mà nhiều hộ dân xã Hải Lộc đã thoát khỏi cảnh bần cùng, nhiều gia đình còn vươn lên trở thành hộ khá giả với nguồn lãi thu về mỗi vụ lên đến hàng trăm triệu đồng, có hộ lên đến cả tỷ đồng. Không chỉ vậy, nghề này còn tạo ra công ăn việc làm cho hơn 50% người lao động tại địa phương.

Nhiều bãi ngao chết trắng người dân phải thuê người dọn bại cả tháng trời mới xong.

Tuy nhiên nghề nuôi ngao ở Hải Lộc phải đối mặt với nhiều rủi ro. "Được thua phụ thuộc đến 90% vào tự nhiên, chỉ có 10% là dựa vào kính nghiệm, kỹ thuật nuôi trồng..." - ông Nguyễn Văn An chia sẻ. Chính vì vậy, sau những vụ mùa thu hoạch thắng lợi, nhiều hộ dân nơi đây, vụ trước kiếm được vài trăm triệu nhưng vụ sau mất tiền tỷ. Cả nhài khóc ròng cũng chỉ vì con ngao.

Rác thải trôi dạt vào bờ mỗi khi thuỷ triều dâng.

Bắt đầu từ cuối năm 2015, người dân xã Hải Lộc khốn đốn vì ngao mở miệng chết trắng đồng, trắng bãi. Nhiều hộ gia đình phải căn răng thuê người dọn ngao chết. Tranh thủ 5 tiếng ít ỏi khi thuỷ triều rút, chủ bãi ngao lại thuê người ra cào, xúc vỏ ngao chết đổ ra biển với giá thuê 150 nghìn đồng/người, có nhiều nhà làm cả tháng trời mà không dọn dẹp hết.

Để có vốn đầu tư vào ngao nhiều hộ dân xã Hải Lộc đã dùng đủ mọi cách từ thế chấp nhà cửa, đất đai để vay vốn ngân hàng, vay quỹ tín dụng đến việc vay mượn anh em, họ hàng, vay lãi ngày… Có hộ thì đầu tư chỉ vài chục đến trăm triệu nhưng không ít gia đình tiền đầu tư lên đến cả tỷ đồng.

Nhiều bãi ngao chết trắng người dân phải thuê người dọn bại cả tháng trời mới xong.

Việc “trắng tay” trong vụ đầu tư này khiến không ít hộ gia đình tại xã Hải Lộc chạy đôn chạy đáo vì tiền lãi, tiền vay vốn đến lúc hoàn trả. Nếu như những vụ mùa trước nhiều hộ có của ăn của để nhờ con ngao, thì đến giờ đây, cũng vì con ngao mà nhiều gia đình lâm vào cảnh nợ nần có khi còn mất nhà, mất cửa.

Như gia đình anh Vũ Đình Chính (xã Hải Lộc), một trong những gia đình có diện tích ngao lớn nhất nhì xã, năm nay tiền đầu tư nuôi ngao của gia đình anh lên đến gần 1 tỷ.Vụ ngao này nhà anh gần như mất trắng khi ngao chết đến gần 80%. Trước đó, để có vốn đầu tư, gia đình anh đã phải thế chấp hai sổ đỏ ở ngân hàng. Đến bây giờ, ngao chết hàng loạt, gia đình anh “trắng tay” chưa biết lấy tiền đâu để rút sổ đỏ lấy nhà, lấy đất về.

Khi được hỏi về nguyên nhân khiến ngao chết hàng loạt, những người có kinh nghiệm nuôi ngao lâu năm cho biết, do điều kiện khi hậu diễn biến tất thường, đặc biệt là ảnh hưởng của hiện tượng Elnino với đợt rét kỉ lục hồi cuối năm ngoái. Bên cạnh đó, cũng phải kể đến môi trường nước đang bị ô nhiễm bởi rác thải, nhưng đây chỉ là một phần nhỏ, cũng chưa có sự kiểm tra, đánh giá cụ thể nào.

Không chỉ tiền lãi, tiền vay vốn chủ bãi còn phải lo tiền thuế đất, cứ mỗi một ha là 8 triệu đồng/năm. Có những hộ diện tích nuôi trồng lên đến 15ha – 20ha, tiền thuế đóng hàng năm lên đến cả trăm triệu đồng...


Huyền Đặng – Đoàn Huyền
.
.
.