Cần thiết phải đánh giá độc lập hiệu quả chi trả dịch vụ môi trường rừng

Thứ Bảy, 21/11/2015, 08:56
Ngày 20/11, tại Hội thảo “Đánh giá hiệu quả thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng và sự tham gia của các bên liên quan tại địa phương” do Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội) phối hợp với Tổng cục Lâm nghiệp tổ chức, các đại biểu cho rằng cần thiết phải đánh giá độc lập hiệu quả chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Theo Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Nghiêm Vũ Khải, chính thức triển khai từ đầu năm 2011, nguồn thu từ chi trả dịch vụ môi trường rừng từng bước trở thành một nguồn tài chính ổn định, khoảng 1.000 - 1.300 tỷ đồng/năm dành riêng cho các hoạt động quản lý, bảo vệ rừng, giảm áp lực chi của ngân sách Nhà nước cho đầu tư lâm nghiệp hằng năm từ 22-25%. Với mức chi trung bình 250.000 đồng/ha, chính sách này đã bổ sung thêm thu nhập trung bình từ 1,8-2 triệu đồng/hộ/năm cho gần 349 nghìn hộ gia đình cùng hơn 5.700 nhóm hộ, cộng đồng tham gia quản lý, bảo vệ gần 5 triệu ha rừng trên toàn quốc. Chính sách này cũng tạo nguồn thu mới, hỗ trợ thêm chi phí duy trì hoạt động cho các chủ rừng nhà nước, nhất là các công ty lâm nghiệp trong bối cảnh khai thác rừng tự nhiên phải tạm dừng.

Tại hội thảo, các đại biểu đề xuất nhiều giải pháp như thúc đẩy mô hình đồng quản lý trong hệ thống rừng đặc dụng, hợp tác công tư để triển khai hiệu quả kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng; phải có hệ thống gồm dân, chủ rừng, kiểm lâm tham gia giám sát đánh giá kết quả thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Chi trả dịch vụ môi trường rừng tại cấp địa phương là cách tiếp cận mới mà Liên hiệp Hội và Tổng cục Lâm nghiệp đang phối hợp thực hiện theo hướng công bằng, minh bạch và bền vững. Dù là cơ chế, chính sách ở cấp độ vĩ mô hay vi mô thì chỉ khi nào đảm bảo người dân sống được với nghề rừng thì họ mới là người gắn bó, bảo vệ và phát triển rừng - Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Nghiêm Vũ Khải, nhấn mạnh.

Minh Nguyệt
.
.
.