Thu tiền dịch vụ môi trường rừng: Mới chỉ “nắm người có tóc”

Chủ Nhật, 21/09/2014, 12:34
có vẻ như việc thu tiền dịch vụ môi trường rừng hiện mới chỉ dừng lại ở tình trạng “nắm người có tóc”, trong đó chủ yếu tập trung vào các khu vực như Tây Bắc, Tây Nguyên và duyên Hải miền Trung do những khu vực này tập trung các nhà máy thủy điện ở các lưu vực sông lớn. Còn rất nhiều thủy điện hiện vẫn đang tìm mọi cách “né” nộp tiền dịch vụ môi trường rừng.

Nếu như nguồn ngân sách nhà nước đáp ứng khoảng 29% tổng mức đầu tư cho ngành Lâm nghiệp, thì trong 2 năm gần đây nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đạt bình quân khoảng 1.100 tỷ đồng/năm, chiếm tỷ trọng 22,3% nguồn kinh phí đầu tư cho toàn ngành lâm nghiệp. Tuy nhiên, có vẻ như việc thu tiền DVMTR hiện mới chỉ dừng lại ở tình trạng “nắm người có tóc”, trong đó chủ yếu tập trung vào các khu vực như Tây Bắc, Tây Nguyên và duyên Hải miền Trung do những khu vực này tập trung các nhà máy thủy điện ở các lưu vực sông lớn. Còn rất nhiều thủy điện hiện vẫn đang tìm mọi cách “né” nộp tiền DVMTR.

Trong báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Nghị định 99/2010/NĐ-CP, ngày 24/9/2010 của Chính phủ về Chính sách chi trả DVMTR, Bộ NN&PTNT cho hay, đã có 40 tỉnh thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh; 36 tỉnh đã thành lập Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng. Trong 3 năm (2011-2013), tổng số tiền Quỹ Trung ương đã điều phối, giải ngân cho các tỉnh là 1.601,8 tỷ đồng. Trong tổng số tiền các tỉnh được sử dụng (2.080,6 tỷ đồng bao gồm cả thu nội tỉnh), sau khi trừ chi phí quản lý, dự phòng, hỗ trợ trồng cây phân tán, số tiền phải thanh toán cho người cung ứng dịch vụ là 1.781,6 tỷ đồng. Tỉnh đã giải ngân đến chủ rừng là 1.393,2 tỷ đồng, đạt 78,2%.

Từ năm 2011 đến 2013, toàn quốc đã thu được 2.563 tỷ đồng DVMTR; lũy kế đến tháng 8/2014, tổng thu 3.329 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ có 28 tỉnh đã thu được tiền DVMTR đối với 3 đối tượng sử dụng DVMTR thủy điện, nước sạch và du lịch, các đối tượng khác chưa thu được, trong đó số tiền thu được nhiều nhất là từ thủy điện (97,71%), nước sạch (2,19%) và du lịch (0,10%). Riêng nguồn thu từ du lịch mới chỉ thực hiện được ở 3 tỉnh: Lâm Đồng, Lào Cai và Hà Tĩnh.

Một bất cập là cho dù giá bán lẻ điện sinh hoạt bình quân từ năm 2008 đến nay tăng gần gấp đôi, nhưng mức chi trả DVMTR vẫn giữ nguyên theo đơn giá cố định (thủy điện: 20đ/kwh, nước sạch: 40đ/m3). Dù đơn giá thấp nhưng theo Bộ NN&PTNT, do thiếu cơ chế giám sát, đánh giá và chế tài xử phạt vi phạm đối với các đơn vị sử dụng DVMTR nên một số cơ sở sử dụng DVMTR tìm nhiều lý do để thoái thác việc ký kết hợp đồng, trì hoãn chi trả tiền DVMTR.

Do vậy, Bộ NN&PTNT đang kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ này chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tham mưu điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung Nghị định 99/2010 theo hướng: Điều chỉnh mức chi trả theo số tuyệt đối (thủy điện: 20 đồng/kwh, nước sạch: 40 đồng/m3) thành mức chi trả theo số tương đối (tỷ lệ %). Bộ NN&PTNT cũng đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các công ty thủy điện thực hiện một số việc sau: Rà soát, ký kết lại hợp đồng mua bán điện, trong đó có tính toán đầy đủ tiền DVMTR trong cơ cấu giá điện; hướng dẫn các thủy điện thực hiện nghiêm túc việc nộp tiền DVMTR đầy đủ, kịp thời cho các Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng các cấp để chi trả cho các chủ rừng, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng nhận giao, khoán bảo vệ rừng

Chi Linh
.
.
.