Nghịch lý xây dựng chung cư trong nội thành Hà Nội
Đến năm 2014, Hà Nội hiện có khoảng 7,2 triệu người, chưa kể gần 1 triệu người không đăng ký hộ khẩu thường trú trên địa bàn. Với số dân đông như trên đã tạo sức ép rất lớn về hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông cho Thủ đô. Nhận thức rõ sự phát triển dân số tự nhiên và cơ học của Hà Nội; nhiều năm trước đây, Hà Nội đã có chủ trương hạn chế việc xây dựng chung cư trong nội thành nhằm giảm mật độ dân số và người tham gia giao thông trong nội đô.
Năm 2005, Hội đồng nhân dân TP Hà Nội đã có Nghị quyết về việc cải tạo, xây dựng mới các khu chung cư cũ xuống cấp trên địa bàn thành phố. Yêu cầu đặt ra trong Nghị quyết là "việc cải tạo, xây mới các nhà chung cư cũ phải gắn với việc quy hoạch, nâng cấp đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội ở khu vực theo hướng văn minh, hiện đại, công trình và căn hộ phải đảm bảo chất lượng và phù hợp với các tiêu chuẩn xây dựng hiện hành, khi phê duyệt phương án quy hoạch và bố trí sắp xếp dân cư trong từng khu phải đảm bảo nguyên tắc không hút dân vào khu vực nội thành".
Trong công tác qui hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị giai đoạn 2011 - 2015, thành phố đặt chỉ tiêu trong 5 năm tới phấn đấu xây mới từ 12 triệu đến 15 triệu mét vuông nhà ở. Tại khu vực nội thành cũ sẽ hạn chế xây dựng nhà cao tầng, không xây thêm bệnh viện, trường đại học trong nội thành, hạn chế nâng công suất công trình dịch vụ công cộng…
Nhưng thực tế, có khá nhiều chung cư mới, cao tầng được mọc lên trong nội thành Hà Nội; trong khi cơ sở hạ tầng tại khu vực chưa được cải thiện, nâng cấp. Xin đơn cử một vài chung cư như: Việc cải tạo thay thế chung cư mới trên phố Phạm Ngọc Thạch, tòa nhà dầu khí trên đường Đê La Thành (quận Đống Đa); tòa nhà chung cư cao cấp tại 84 phố Thợ Nhuộm (quận Hoàn Kiếm); chung cư 93 Lò Đúc, chung cư trên phố Hoa Lư (quận Hai Bà Trưng), v.v… Các chung cư này có chiều cao trung bình từ 12 đến 17 tầng, thu hút một lượng lớn dân cư sinh sống.
Việc xây dựng các tòa nhà cao tầng, trong đó có chung cư sẽ góp phần tạo bộ mặt mới văn minh hiện đại cho Thủ đô. Tuy nhiên, nếu hạ tầng cơ sở không được cải thiện, cấp phép tràn lan, sẽ đi ngược lại chủ trương giãn dân ra khỏi trung tâm thành phố Hà Nội; mâu thuẫn với chủ trương của Hà Nội đã đặt ra nhiều năm qua.