Đà Nẵng, niềm tin và khát vọng
Dòng Hàn giang lại lung linh sắc màu bởi ngàn vạn ánh đèn từ các du thuyền, các cao ốc ven sông. Lễ hội chào đón năm mới đã sớm bắt đầu, khơi dậy khí thế rộn ràng, sôi động trước thềm xuân Tân Sửu.
Theo Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng, các hoạt động lễ hội chào đón năm mới đồng thời cũng là hoạt động kích cầu du lịch, thu hút du khách. Đó cũng là hình thức quảng bá hình ảnh, tạo ra các sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn để phục vụ người dân và du khách trong dịp năm mới, tạo tiền đề cho những năm tiếp theo. Ngành Du lịch Đà Nẵng đang nỗ lực và kỳ vọng cho một năm tích cực và khởi sắc, vượt qua được những khó khăn, thách thức to lớn của năm cũ.
Đà Nẵng kỳ vọng vào sự tăng trưởng của ngành Du lịch nhờ khống chế nhanh dịch COVID-19. |
Không phải ngẫu nhiên mà Đà Nẵng thực hiện nhiều hoạt động kích cầu du lịch nội địa với mục tiêu lấy lại đà tăng trưởng. Ngành Du lịch, dịch vụ có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của thành phố với đóng góp lên đến trên 60% GRDP.
Nhưng năm 2020, đây là ngành bị tác động và thiệt hại nặng nề nhất do đại dịch COVID-19, là một trong những tác nhân khiến kinh tế Đà Nẵng suy giảm đến 9,77%, đứng gần “đội sổ” bảng xếp hạng tăng trưởng kinh tế của các địa phương trên toàn quốc. Trong điều kiện nguồn khách quốc tế bị gián đoạn do các biện pháp phòng chống dịch, việc kích cầu du lịch nội địa bằng cách nâng cao chất lượng dịch vụ, tự làm mới các sản phẩm du lịch là một lựa chọn phù hợp.
Thống kê cho thấy, lượng khách nội địa ở nước ta trong 5 năm gần đây chiếm tới 80%, gấp 5 lần lượng khách quốc tế. Nếu tạo được sản phẩm du lịch đủ sức thu hút thì nguồn khách nội địa hoàn toàn có thể giúp vực dậy ngành Du lịch, dịch vụ.
Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng chia sẻ, cùng với việc tập trung khôi phục hoạt động du lịch sau ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, thành phố đang thực hiện cơ cấu lại ngành Du lịch theo 4 lĩnh vực cơ bản gồm cơ cấu lại thị trường khách, sản phẩm du lịch, hệ thống cơ sở hạ tầng-cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch và nguồn nhân lực.
Ngành Du lịch Đà Nẵng tiếp tục làm mới mình từ việc chú trọng phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, chất lượng cao để tạo sự khác biệt, nâng cao sức hấp dẫn và cạnh tranh của điểm đến Đà Nẵng; đổi mới từ cung cách phục vụ để mang đến sự hài lòng, để chiếm trọn tình cảm của du khách.
Ngành Du lịch thành phố phấn đấu năm 2021 đón 5,7 triệu du khách. Đến năm 2025 đón 12-13 triệu lượt khách, tăng 1,4 lần so với 2019. Cùng với triển vọng về khống chế dịch bệnh và vaccine phòng ngừa COVID-19 sẽ được phổ biến rộng rãi tại nhiều quốc gia trong thời gian tới, có cơ sở để tin rằng nỗ lực của ngành Du lịch TP Đà Nẵng sẽ mang lại kết quả như mong đợi. Bởi Đà Nẵng không chỉ là một địa danh, một thương hiệu mà còn gắn với tình cảm của du khách trong nước và quốc tế, không dễ bị lãng quên.
Nhưng để Đà Nẵng vực dậy kinh tế, lấy lại đà tăng trưởng thì không chỉ dựa vào du lịch. Một trong những kết quả nổi bật của Đà Nẵng trong những năm qua là thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, củng cố nền móng để phát triển ổn định. Mặc dù phải trải qua 2 phong tỏa để ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan, Đà Nẵng vẫn là địa chỉ được các nhà đầu tư trong nước và quốc tế quan tâm.
Năm 2020, thành phố đã phê duyệt chủ trương đầu tư và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 22 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư 18.863 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần so với năm 2019. Tổng vốn FDI thực hiện năm 2020 ước tính đạt 284,3 triệu USD, tăng 42,4% so với năm 2019.
“Đó được xem là điểm sáng, là thành quả đáng ghi nhận của chính quyền TP Đà Nẵng trong thực hiện chính sách thu hút đầu tư, kiên định mục tiêu chất lượng thay vì chạy theo số lượng” – ông Trần Văn Vũ, Cục trưởng Cục Thống kê Đà Nẵng nhấn mạnh.
Đà Nẵng cũng đã có những bước đi quyết đoán để mở ra những cánh cửa trong kỷ nguyên số, của kinh tế tri thức. thành phố sớm dành đất đai, nguồn vốn và kêu gọi đầu tư xây dựng hạ tầng Khu Công nghệ thông tin tập trung, khu Công viên phần mềm… và có chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông.
Trong năm 2020, thành phố tiếp tục đầu tư hơn 700 tỷ đồng khởi công xây dựng công viên phần mềm thứ 2 tại phường Thuận Phước, quận Hải Châu. Tập đoàn LG (Hàn Quốc) đưa vào hoạt động Trung tâm phát triển giải pháp về linh kiện xe hơi đặt tại quận Liên Chiểu. Công ty Ubisoft (Pháp), một trong 4 công ty lập trình game lớn nhất toàn cầu đã mở văn phòng chính thức tại Đà Nẵng.
Giữa tháng 12/2020, UBND TP Đà Nẵng đã phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 và kêu gọi đầu tư dự án Không gian sáng tạo tại Hòa Xuân, Cẩm Lệ với quy mô đầu tư lên đến 12.000 tỷ đồng. Đây là dự án gắn với mục tiêu thu hút nguồn lực trong nước và quốc tế, đưa Đà Nẵng trở thành một trung tâm công nghệ thông tin lớn của cả nước, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của Đà Nẵng.
Tại Hội nghị tổng kết 4 năm thu hút đầu tư vào Đà Nẵng cuối tháng 12/2020, nhiều doanh nghiệp tiếp tục bày tỏ mong muốn đầu tư vào thành phố. Chính quyền địa phương cam kết sẽ tiếp tục tạo ra các lợi thế mang tính cạnh tranh cùng với việc đề xuất Trung ương cho cơ chế đặc thù để nâng cao lợi thế cho việc thu hút đầu tư.
Cùng với việc đẩy mạnh cải cách hành chính, chính quyền thành phố cũng đồng hành và quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại các dự án cũ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.
Dự án xây dựng cảng Liên Chiểu đang chờ ý kiến của Trung ương để triển khai nhằm hoàn thiện hệ thống logistics nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông hàng hoá, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, chuẩn bị cơ sở hạ tầng để đón đầu sự chuyển dịch dòng vốn đầu tư quốc tế. Mới đây, TP cũng tính toán giảm 10% giá đất, tạo điều kiện thuận lợi hơn để các nhà đầu tư tiếp cận quỹ đất sạch để giảm chi phí đầu tư, góp phần khơi thông nguồn lực từ đất đai…
Với sự nỗ lực, sự đồng lòng chung sức, Đà Nẵng sẽ sớm lấy lại vị thế và vươn tới những tầm cao mới. Đó vừa là kỳ vọng, vừa là niềm tin của chính quyền và nhân dân Đà Nẵng, của những ai gắn bó, yêu thương thành phố này!