Bão số 10 có hướng di chuyển rất phức tạp

Thứ Hai, 02/11/2020, 15:17
Bão số 10 được dự đoán sẽ suy yếu khi vào gần bờ nhưng vẫn có khả năng gây ra mưa, lũ quét, sạt lở đất ở nhiều tỉnh miền Trung và phía Bắc Tây Nguyên. 

Ngày 2/11, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức cuộc họp ứng phó với bão số 10 (bão Goni). Cuộc họp do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường chủ trì.

Tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, bão số 10 khi vào Biển Đông không có các điều kiện thuận lợi cho bão tăng cường độ như khi còn ở phía Đông của Philippines. Bão số 10 suy yếu nên công tác dự báo về cường độ, hướng di chuyển rất phức tạp, bão "không tự quyết định" mà phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài.

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn quốc gia.

Hiện tại, bão số 10 đang có cường độ mạnh cấp 8, khi vào Biển Đông bão số 10 sẽ chịu tác động các yếu tố như không khí lạnh, nhiệt độ mặt nước biển. Khoảng ngày 3/11, bão sẽ chịu tác động bởi không khí lạnh nên bão sẽ tăng cường độ, lên cấp 9. Nhưng sau đó, bão đi vào vùng biển phía trong, nhiệt độ nước biển giảm nên bão sẽ tiếp tục suy yếu. Khi vào gần bờ bão sẽ suy yếu còn ở cường độ cấp 7-8. Đến ngày 5/11, bão ảnh hưởng trực tiếp các khu vực nước ta với cường độ cấp 8, có thể thấp hơn.

Mặc dù bão dự báo suy yếu, nhưng theo ông Khiêm, bão vẫn có khả năng gây ra mưa, lũ quét, sạt lở đất ở nhiều tỉnh miền Trung và phía Bắc Tây Nguyên. Cụ thể, từ ngày 4-6/11, ở Bình Định, Phú Yên và Bắc Tây Nguyên có mưa 100-200mm/đợt; từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi có mưa từ 300-400mm/đợt. Từ ngày 5-7/11, ở các tỉnh Nghệ An đến Quảng Trị có mưa từ 150-300mm/đợt.

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, bão Goni là siêu bão ở sườn đông Philippines và đã giảm cấp khi vào Biển Đông, song lại chịu tác động của các hình thái khác nên khó dự báo, đoán định. Do vậy, phải liên tục dự báo, cảnh báo sát diễn biến cơn bão, đặc biệt là tình hình mưa.

“Hai vấn đề trọng tâm cần tập trung với hoàn lưu bão số 10 là chú ý lũ ống, lũ quét, sạt lở; đề phòng sự cố hồ nhỏ, hồ xuống cấp”, Bộ trưởng đề nghị.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh cần tập trung cảnh giác với hoàn lưu sau bão số 10.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý, mặc dù bão số 10 giảm cường độ nhưng vẫn gây gió mạnh, sóng lớn trên biển. Do đó, toàn bộ tàu thuyền nằm trong vùng ảnh hưởng của bão phải khẩn trương ra khỏi khu vực nguy hiểm, di chuyển vào nơi tránh trú an toàn.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, nhất là các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa... thời gian qua chưa được thử thách ứng phó nhiều với mưa bão nên kỳ này phải hết sức chú ý với bão số 10. Hiện một số địa phương ngư dân đã nóng ruột được ra khơi khai thác hải sản, vì hơn 1 tháng qua phải nằm bờ. Chính quyền cần động viên ngư dân tiếp tục kiên trì chờ khi biển thật an toàn mới ra khơi.

Chỉ đạo cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, bão số 10 dự kiến diễn biến phức tạp, cùng với ảnh hưởng của đợt gió mùa Đông Bắc dự báo sẽ gây mưa lớn từ Nghệ An trở vào: “Không vì dự báo cơn bão không lớn mà chủ quan. Cần tập trung rà soát tàu thuyền trên biển ra khỏi nơi nguy hiểm, đưa về nơi tránh trú an toàn. Đồng thời, sơ tán người dân khỏi lồng bè, chòi canh, khu vực nuôi trồng thuỷ sản ven biển”.

Phó Thủ tướng đề nghị theo dõi chặt chẽ cơn bão khi đổ bộ để chủ động sơ tán người dân khỏi khu vực nguy hiểm, đặc biệt là khu vực dễ sạt lở đất.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu khắc phục, gia cố, sửa chữa ngay những công trình hạ tầng đã bị thiệt hại trong các cơn bão vừa qua, đồng thời theo dõi chặt chẽ cơn bão số 10 khi di chuyển vào bờ để có phương án sơ tán người dân về những cơ sở tránh trú bão bảo đảm an toàn, nhất là những khu vực có nguy cơ về sạt lở đất.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo tại cuộc họp.

"Thực tiễn thời gian qua cho thấy, bão vào gây thiệt hại không lớn, nhưng hoàn lưu bão gây mưa, lũ lụt, sạt lở đất lại gây thiệt hại rất lớn", Phó Thủ tướng nêu rõ.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đây là vấn đề rất khó trong dự báo, cảnh báo, ứng phó. Nhiều nơi người dân sinh sống ổn định vài chục năm, địa chất được đánh giá ổn định nhưng thời gian qua lại xảy ra sạt lở đất. Vấn đề này, nhiều nước có điều kiện địa chất, địa hình tương tự Việt Nam cũng gặp phải nhiều sự cố, khó dự báo dù áp dụng khoa học, công nghệ, các công cụ cảnh báo.

Ngọc Yến
.
.
.