Bao giờ giải được bài toán thực phẩm sạch?

Thứ Hai, 16/04/2018, 05:25
Sản xuất phải tuân thủ theo những quy định hết sức nghiêm ngặt, quản lý đầu ra phải chặt chẽ và kéo theo là chi phí đầu tư để sản xuất không hề nhỏ- đó là bài toán đặt ra đối với những người muốn phát triển kinh doanh thực phẩm sạch. Đã có nhiều mô hình sản xuất thực phẩm sạch thành công và trụ vững giữa “tâm bão”. 


Bài 3: Đứng vững giữa “tâm bão”

Chúng tôi tìm đến vùng sản xuất rau hữu cơ của bà con nông dân xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội và một “đại gia” sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn để tìm hiểu về những khó khăn mà họ phải đối mặt giữa tâm bão thực phẩm “sạch” - “bẩn” lẫn lộn như hiện nay.

Quy trình sản xuất 6 “không”

Rau hữu cơ Thanh Xuân (xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) được biết đến là một trong những thương hiệu rau sạch được người tiêu dùng tin tưởng. Rau hữu cơ Thanh Xuân bắt đầu sản xuất từ năm 2008 thông qua dự án ADDA- dự án sản xuất rau hữu cơ do Đan Mạch tài trợ. Hiện nay, diện tích rau hữu cơ Thanh Xuân được mở rộng lên đến 26,7ha với 25 nhóm sản xuất.

Dẫn chúng tôi đi thăm ruộng rau hữu cơ của bà con, ông Lê Minh Quyền, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Xuân cho biết, quy trình sản xuất rau hữu cơ phải tuân thủ theo những quy định rất nghiêm ngặt bao gồm 6 “không”: Không sử dụng phân bón hóa học, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không dùng chất kích thích, không chất bảo quản, không sử dụng cây biến đổi gen, không dùng thuốc trừ cỏ. Quá trình sản xuất chỉ sử dụng phân chuồng ủ mục theo quy trình ủ nóng để bảo vệ môi trường.

Sản xuất rau hữu cơ phải tuân thủ những quy định hết sức nghiêm ngặt.

Đặc biệt, người sản xuất rau hữu cơ tại Thanh Xuân còn sử dụng hạt đậu tương, cá ngâm để tưới dài ngày theo quy trình giống như chế phẩm EMI.F đang bán trên thị trường. Thuốc bảo vệ thực vật sử dụng cho sản xuất rau hữu cơ đều được chiết suất từ cây cỏ. 

Cũng theo những kinh nghiệm học được từ dự án ADDA, bà con xã Thanh Xuân còn ngâm tỏi, gừng với rượu để phun trừ sâu rất hiệu quả. Nguyên tắc sản xuất rau hữu cơ phải đa dạng chủng loại, trồng xen kẽ nhiều loại rau khác nhau trên cùng thửa đất.

Làm sao để đảm bảo việc các hộ sản xuất rau hữu cơ luôn chấp hành đúng các quy định nghiêm ngặt đi kèm? Trả lời câu hỏi này, ông Quyền cho biết, 25 nhóm xã Thanh Xuân đều có các trưởng, phó nhóm và thanh tra viên. Theo kế hoạch của dự án ADDA, thanh tra viên sẽ tổ chức thanh tra định kỳ 2 lần/năm tuy nhiên công tác kiểm tra hiện nay đang được tổ chức thường xuyên, đột xuất, kiểm tra chéo các nhóm khác nhau. 

Mặt khác, cả quy trình sản xuất rau hữu cơ còn có sự giám sát của ban điều phối hữu cơ PGS thuộc Hiệp hội Hữu cơ Việt Nam. Mỗi hộ sản xuất rau hữu cơ đều phải có nhật ký đồng ruộng. Nếu có tình huống không hay xảy ra có thể căn cứ vào nhật ký để truy nguồn gốc. 

Mặc dù trồng rau hữu cơ mất nhiều thời gian, công sức nhưng với trung bình 1 sào sản xuất rau hữu cơ, người nông dân có thể thu lợi khoảng 3 triệu đồng 1 vụ. Mỗi gia đình tham gia vào dự án trồng rau hữu cơ của xã Thanh Xuân đều có từ 2-3 sào, cá biệt có những hộ lên đến 5 sào. Như vậy, mặc dù phải bỏ ra khoảng 15h mỗi ngày trên ruộng rau để làm các công việc một cách tỉ mẩn như bắt sâu, nhặt cỏ… nhưng thu nhập từ rau hữu cơ vẫn luôn đảm bảo cho cuộc sống của các hộ gia đình.

Đưa công nghệ thế giới vào sản xuất thực phẩm sạch

Một trong những thương hiệu thực phẩm sạch đang được người tiêu dùng Thủ đô lựa chọn trong vô vàn các thương hiệu chính là sản phẩm của Công ty VinEco thuộc Tập đoàn Vingroup. Các sản phẩm nông sản sạch, an toàn của VinEco hiện đang được phân phối qua hệ thống chuỗi siêu thị và cửa hàng tiện ích VinMarrt, VinMarrt+ và website Adayroi.com.

Theo đại diện Công ty VinEco thì từ năm 2015 Công ty đã chính thức ra mắt thị trường mẻ rau sạch đầu tiên. Hiện nay, VinEco đã xây dựng và phát triển thành công 14 nông trường quy mô và chuyên nghiệp trên cả nước. Nói về điểm khác biệt so với các nhà sản xuất thực phẩm sạch hiện nay, đại diện Công ty VinEco cho biết, Công ty là đơn vị tiên phong trong việc đưa công nghệ nông nghiệp tiên tiến hàng đầu thế giới vào Việt Nam.

Điển hình là công nghệ trồng trọt của Kubota (Nhật Bản), công nghệ tưới nhỏ giọt và tưới phun mưa của Netafim (Israel), công nghệ sản xuất trong nhà màng của TAP, trồng cây thủy canh bằng kỹ thuật màng mỏng dinh dưỡng NFT, công nghệ trồng cây rau mầm Microgreen… 

Đặc biệt, VinEco cũng vừa hoàn thiện và đưa vào sử dụng nhà máy sản xuất nấm sạch với thiết bị được nhập khẩu 100% theo công nghệ Hàn Quốc tại Nông trường VinEco Tam Đảo (Vĩnh Phúc). Các nông trường được quy hoạch thiết kế một cách khoa học gồm: Khu sản xuất đồng ruộng, khu nhà kính, khu sơ chế, đóng gói tự động, khu bảo quản. 

Tổng diện tích sản xuất của VinEco lên đến gần 300ha, trong đó đã đưa vào canh tác gần 1.000ha trên toàn hệ thống. Hiện nay, VinEco đã và đang triển khai sản xuất tại 3 vùng sản xuất trên cả nước, đảm bảo quy trình sản xuất, thu hoạch, bảo quản theo đúng tiêu chuẩn của VietGap và tiến tới đạt chuẩn GlobalGap.

Đặc biệt, chương trình “Đồng hành, hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp Việt” của VinEco đã nhận được gần 3.000 đơn đăng ký từ các hộ nông dân trên toàn quốc. Trong đó, gần 800 hộ sản xuất cung cấp được sản phẩm liên kết ra thị trường thông qua hệ thống tiêu thụ của Vinmart và Vinmart+ của Vingroup. 

VinEco đã tổ chức hàng chục buổi hội thảo đào tạo về chuyên môn quy mô lớn tại 3 khu vực với sự tham gia của gần 2.000 lượt người, hỗ trợ hơn 500 hộ sản xuất đăng ký VietGAP. Hiện nay, mỗi tháng, VinEco đã cung cấp ra thị trường hàng ngàn tấn nông sản như rau ăn lá, rau ăn quả, rau ăn củ, rau gia vị, trái cây. 

Trong hơn 200 chủng loại, VinEco có nhiều sản phẩm có quy trình kiểm soát tự động và khép kín hoàn toàn trong nhà kính, nhà màng như nấm, rau thủy canh, dưa lưới, dưa lê, dưa leo baby…

Như vậy, để có thể phát triển một cách dài hơi thậm chí là bền vững trong kinh doanh thực phẩm “sạch” giữa tâm bão “bẩn” “sạch” lẫn lộn như hiện nay đòi hỏi nhà sản xuất, kinh doanh phải đặt chữ “tín” lên hàng đầu. “Tín” từ khâu sản xuất đến đầu ra của sản phẩm. Có như vậy mới đem lại lòng tin cho người tiêu dùng.

“Có nhiều mô hình sản xuất thực phẩm sạch thành công đứng vững giữa “tâm bão” như anh Đạo, một nông dân ở Thanh Hóa, anh Chung ở TP.HCM đã kết hợp với nông dân sản xuất rau đảm bảo, sử dụng phân hữu cơ, nhà lưới, không dùng phân đạm hóa học. Hay anh Trịnh Xuân Mười ở Đắc Lắc đã làm thay đổi nông thôn ở Tây Nguyên bằng lai ghép giống bơ Úc vào sản xuất sạch… Họ thành công ngoài ý chí còn là cái tâm của người sản xuất”- GS Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội các ngành sinh học Việt Nam chia sẻ.
N.Hương - T.Hằng
.
.
.