Ban hành qui định… để đấy, làm giảm tính nghiêm minh

Thứ Bảy, 16/06/2018, 08:12
Thời gian qua, không ít những văn bản, quy định dưới luật được ban hành, nhưng khó đi vào cuộc sống, hoặc không được thực thi dẫn tới tình trạng “nhờn luật” trong một bộ phận người dân; đồng thời cũng gây lãng phí tiền bạc, thời gian của Nhà nước. 


Thực hiện Quy chế văn hóa công sở cơ quan hành chính Nhà nước ban hành kèm theo Quyết định số 129/2007/QĐ-TTg ngày 2-8-2007 của Thủ tướng Chính phủ, TP Hà Nội đã ban hành văn bản gửi các sở, ngành, yêu cầu các cơ quan hành chính thuộc thành phố phải bố trí nơi trông giữ xe và không thu phí gửi phương tiện giao thông đối với người đến giao dịch, làm việc.

Đây là một chủ trương đúng, đồng thời cũng truyền đi một thông điệp: Người dân chính là mục tiêu phục vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước. Nhưng thực tế, không phải cơ quan hành chính nào cũng bố trí được nơi trông giữ xe và nếu có thì nhiều nơi vẫn phải trả phí trông giữ xe, như tại Chi cục thuế quận Hoàn Kiếm trên đường Hồng Hà hoặc tại Văn phòng đăng ký nhà đất TP Hà Nội Chi nhánh quận Hai Bà Trưng, trên phố Lê Đại Hành…

Một qui định khác cũng được người dân hoan nghênh, đó là nội dung Nghị định số 90/2017/NĐ-CP của Chính phủ. Theo nghị định này, kể từ 15-9-2017, sẽ tăng chế tài xử phạt đối với những hành vi như không tiêm phòng dại cho chó, thả rông chó, không đeo rọ mõm cho chó tại nơi công cộng…

Với những chú chó thả rông không có chủ nhận, cơ quan thú y có thể tiêu hủy sau 48 giờ đồng hồ. Nhưng thực tế, việc thả rông, không đeo rọ mõm cho chó, chó phóng uế bừa bãi tại nơi công cộng, nhất là những vườn hoa, công viên vẫn rất phổ biến mà không bị ai xử phạt.

Những qui định và chế tài xử phạt đối với các hành vi như: Dán quảng cáo sai qui định; văng tục; ăn mặc phản cảm; phóng uế, đổ rác sai qui định… đã có, nhưng những hiện tượng nêu trên vẫn diễn ra mà không thấy cơ quan chức năng xử lý kiên quyết.

Theo chúng tôi, việc hoàn thiện các qui định của pháp luật, ban hành văn bản phục vụ công tác quản lý Nhà nước, tăng cường hiệu lực, hiệu quả là cần thiết. Việc ban hành văn bản cũng cần phải đi trước, đón đầu trước những diễn biến của xã hội.

Song, khi đã ban hành cần cân nhắc đến tính khả thi và vấn đề tổ chức thực hiện. Có sự phân công, chịu trách nhiệm triển khai thực hiện một cách rõ ràng, minh bạch. 

Đồng thời, cũng cần có biện pháp xử lý kỷ luật nghiêm minh với những tập thể, cá nhân tham mưu ban hành những văn bản qui phạm pháp luật không có tính khả thi hoặc không triển khai thực hiện được, nhằm tránh lãng phí nguồn lực và tiền bạc của Nhà nước, đồng thời tạo sự nghiêm minh của pháp luật; tránh tình trạng người dân “nhờn luật” thì hết sức nguy hiểm, tạo tiền lệ xấu với việc hướng tới một Nhà nước pháp quyền.

Đào Minh Khoa
.
.
.