Qui định cấm bán bia rượu sau 22 h: Vì một định hướng an toàn xã hội, sức khỏe người dân

Thứ Sáu, 25/07/2014, 13:22
Dự thảo Luật phòng chống tác hại (PCTH) của lạm dụng rượu bia do Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) soạn thảo, trong đó có quy định cấm bán rượu bia sau 22h tiếp tục gây tranh cãi trong dư luận. Quan tâm nhất là liệu Luật đưa ra có tính khả thi, khi mà nhiều ý kiến cho rằng, đơn vị soạn thảo mới chỉ quan tâm tới một vài khía cạnh rất hẹp từ việc học các nước trong khu vực trong việc áp dụng như : hạn chế độ tuổi, hạn chế giờ bán, và hạn chế điểm bán rượu bia. Nhưng nếu áp dụng tại VN mức độ hiệu quả khó hơn vì liên quan tới cả một thói quen văn hóa ẩm thực từ lâu đời.

Về “gốc” của đề xuất đưa ra, cơ bản nhận được sự đồng tình của người dân, nhưng ý kiến trái chiều cũng không ít, nhất là từ phía một lượng không nhỏ giới văn nghệ sĩ, giới doanh nghiệp kinh doanh nhà hàng, quán ăn thường có nhịp sống hoạt động về đêm.

Tại Hội nghị sơ kết quý 1/2014 về tình hình thực hiện công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn TP HCM, thượng tá Trần Thanh Trà, trưởng Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (CSGT ĐB-ĐS) Công an TP HCM), từng đề xuất UBND TP cấm kinh doanh rượu bia sau 22h, chỉ cho phép kinh doanh buôn bán rượu bia tại một số khu vực nhất định nhằm hạn chế tai nạn giao thông(TNGT) trên địa bàn. Tuy nhiên, đề xuất trên không được UBND TP chấp thuận vì cho rằng đó chưa phải là một giải pháp hay do còn liên quan đến nhiều vấn đề khác.

Ngày 22/7, trao đổi với PV báo CAND nhằm làm rõ hơn ý kiến đề xuất trên, Thượng tá Trần Thanh trà phân tích: “Tìm tới bia rượu từ sau 22 h trở đi đa số là những đối tượng lợi dụng bia rượu, tụ tập quậy phá, đua xe, phá giấc ngủ yên tĩnh của người dân. Ngoài nguy cơ TNGT còn là vấn đề ANTT. Kiến nghị trên trước hết để đảm bảo ANTT cho người dân tại khu vực nơi có hoạt động các quán này”.

Cũng theo thống kê của Phòng CSGT ĐB-ĐS Công an TP HCM, trong 6 tháng đầu năm 2014, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 402 vụ TNGT ( được xác định từ ít nghiêm trọng trở lên). Làm chết 341 người, bị thương 142 người. Đặc biệt có 25 vụ TNGT liên quan tới việc sử dụng bia rượu qua việc đo nồng độ cồn vượt mức cho phép. Riêng số vụ việc này đã chiếm 6% trong tổng số các vụ việc TNGT trên địa bàn thành phố, và làm chết 21 người, bị thương 06 người. Từ đầu năm tới nay cũng ghi nhận có nhiều vụ việc TNGT nghiêm trọng do nguyên nhân lái xe say bia rượu, không làm chủ được tốc độ.

Từ quán nhậu tới khoa Cấp cứu chấn thương sọ não vì tai nạn giao thông là …rất gần.

Cũng theo thượng tá Trần Thanh trà: Cái khổ nhất của lực lượng CSGT khi xử lý những đối tượng này là không thể giữ người, mà  chỉ được giữ phương tiện. Không có bằng chứng vi phạm pháp luật thì không thể thực hiện lệnh tạm giữ người. Do đó trong rất nhiều vụ việc chúng tôi khó thực thi nhiệm vụ dù nhận thấy đối tượng trong tình trạng say “quắc cần câu” có thể gây TNGT cho bản thân và người khác”.

Thực hiện kế hoạch của Phòng CSGT ĐB-ĐS về việc mở đợt cao điểm kiểm tra hành chính đảm bảo TTATGT và TTXH trên địa bàn Thành phố, Phòng CSGT ĐB-ĐS thời gian qua cũng đã phát hiện và xử lý 3.406 trường hợp vi phạm, tạm giữ 2.091 xe, trong đó có 1.636 trường hợp vi phạm do nồng độ cồn. Và số vụ việc  vi phạm qui định về nồng độ cồn 6 tháng đầu năm lên tới 15.879 trường hợp .

TNGT từ việc lạm dụng bia rượu qua góc nhìn lực lượng thực thi pháp luật như trên, cho thấy là rất nghiêm trọng. Thế nhưng khảo sát từ Hiệp hội bia rượu nước giải khát Việt Nam cho thấy, mức tiêu thụ bia tại Việt Nam không vì thế mà giảm đi mỗi ngày mà ngày càng tăng với tốc độ “phi mã”. Trong năm 2013, sản lượng tiêu thụ bia của Việt Nam đạt 2,9 tỉ lít, tăng hơn 2% so với năm 2012.

Ghi nhận trên góc độ của giới bác sĩ chuyên khoa, việc lạm dụng bia rượu gây nên hậu quả thấy rõ hơn qua công tác điều trị mỗi ngày cho bệnh nhân (BN) liên quan tới rượu. Theo như ý kiến của giới bác sĩ, thì tác hại của rượu bia với sức khỏe con người thì không cần phải nghiên cứu nữa. Có điều là ý thức con người, sự tự giác với hành vi sử dụng bia rượu hàng ngày mà thôi.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Huân làm việc tại Khoa Hồi sức Ngoại- Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ: Cấm, hạn chế sự lạm dụng bia rượu là đúng nhưng có điều là làm cách nào cho phù hợp mà thôi! Khoa Hồi sức Ngoại chuyên điều trị cho những bệnh nhân(BN) bị đa chấn thương nặng do TNGT, đặc biệt là có nhiều trường hợp liên quan tới rượu. Cùng với những tổn thương do đa chấn thương, rất nặng do chấn thương sọ não, và nếu BN có thêm nồng độ cồn trong máu cao thì bệnh nặng, nguy cơ tử vong  gấp nhiều lần những BN khác. BN rơi vào hôn mê sâu nên việc điều trị lâu dài, khó khăn. Một BN có số ngày nằm nội trú “kỷ lục” nhất mà Khoa vừa mới cho xuất viện là một nam BN, trên 20 tuổi, được chuyển từ Nha Trang - Khánh Hòa tới. BN nhập viện sau TNGT do uống rượu với đa chấn thương, được phẫu thuật sọ não tại bệnh viện địa phương, nằm viện 7 ngày, vẫn hôn mê, tiếp tục được chuyển tới Chợ Rẫy. Do có nồng độ cồn trong máu cao, BN này đã “chiếm dụng “ máy thở của BN khác vốn đã khan hiếm tại khoa với số ngày thở máy tới 63 ngày. Như vậy theo Bác sĩ Huân, cái “gốc” của Luật cấm bán bia rượu sau 22 h cơ bản là tốt, vừa có tính chất hướng tới một xã hội văn minh, an toàn mà còn có phần nào chống quá tải cho bệnh viện.

Bác sĩ Nguyễn Duy Thế- Khoa Nội tổng quát Bệnh viện 175 cho rằng: Lệnh cấm bán bia rượu sau 22 h nhìn chung là tốt cho cộng đồng. Nhưng tính khả thi thì thấp. Người sản xuất rượu có thể có nhiều cách “né” bằng cách đưa mặt hàng vào diện như nước uống có ga, mà nước có ga không bị cấm!. Theo tôi, khả thi nhất là đánh thuế thật nặng, bán giá thật cao với mặt hàng bia, rượu. Từ đó mặc nhiên không cấm nhưng sẽ dần xây dựng tính tự giác của chính người tiêu dùng trong việc dùng bia rượu. Ngoài ra, khi đã đề ra Luật PCTH lạm dụng bia rượu thì lực lượng thi hành Luật và cả người vi phạm đều phải thực hiện điều Luật thật nghiêm minh.

Chia sẻ thêm về tính thực thi của dự thảo, ông Vũ Văn Tiêm, Phó Ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐ VN), thành viên trong Ban chỉ đạo công tác PCTH thuốc lá thuộc Tổng LĐLĐVN, cho rằng, với công tác PCTH thuốc lá đã có gần 10 năm nghiên cứu, đầu tư nhiều công sức kết hợp với sự hỗ trợ của các tổ chức Quốc tế để có đủ cơ sở đưa ra các bằng chứng tác hại của thuốc lá. Sau đó Luật mới ra đời, mà trong thực tế còn muôn vàn khó khăn về thực thi. Theo tôi, để Luật PCTH lạm dụng bia rượu có hiệu quả, thì Nhà nước, Bộ y tế phải dành kinh phí cùng các nhà khoa học nghiên cứu chứng minh cho được tác hại của việc sử dụng rượu bia gây ảnh hưởng sức khỏe, nhất là bệnh tật, tập trung ở những người đang độ tuổi lao động; tác hại khôn lường của việc rượu, bia liên quan với tai nạn giao thông, nạn bạo lực gia đình, bệnh tật.

Thực tế thời gian qua đã có một số biện pháp khá khả thi được áp dụng như: Việc kiểm tra nồng độ cồn của lái xe; cấm uống bia, rượu buổi trưa tại các công sở, tiếp khách, hội nghị không có bia rượu... đang được nhiều người đồng tình. Như vậy ngành Y tế và toàn xã hội phải đẩy mạnh công tác truyền thông của việc sử dụng bia rượu vô tội vạ hiện nay, việc sử dụng bia rượu đã thành nét văn hóa truyền thống lâu đời của VN trong ngày vui, tết, lễ hội. Tuy nhiên dùng bia rượu vô độ thì sẽ có hại vô cùng tới sức khỏe, làm tổn hại kinh tế, gây bệnh tật ... 

Huyền Nga
.
.
.