Bài 3:

Những quy định lao động đánh đố chị em

Thứ Năm, 01/10/2015, 09:43
Chủ DN tự ý sa thải công nhân, nợ tiền lương kéo dài nhiều tháng, cắt xén bảo hiểm, tùy tiện điều chuyển vị trí lao động, lập các rào cản kinh tế bằng các quy định ngặt nghèo từ giờ giấc lao động, cấm cửa đi vệ sinh, cấm không sinh con trong thời hạn hợp đồng, xâm hại đến quyền lợi người lao động… những quy định nằm ngoài pháp luật như thế đã đẩy một số công nhân ra đường.


Đòi quyền được đi… vệ sinh

Trong quan hệ lao động, ai cũng biết là, người sử dụng lao động luôn có nhiều quyền lực hơn, do đó việc tùy tiện sử dụng quyền lực đó đã dẫn đến quyền lợi người lao động bị chèn ép, thiệt thòi rất lớn. Việc không tuân thủ theo các quy định của pháp luật đã dẫn đến bức xúc, mâu thuẫn giữa doanh nghiệp, người sử dụng lao động với bộ phận công nhân, người lao động.

Chị Lưu Thị Thanh Th., công nhân Công ty S.B (quận 12, TP HCM) kể chuyện: Có lần, tôi nhìn thấy một nữ công nhân cùng ca khóc lóc, năn nỉ xin tổ trưởng đi “vệ sinh” nhưng không được chấp nhận. Chị em chúng tôi đồng loạt phản ứng, lan ra cả xưởng, cả công ty suốt 5 ngày liền để phản đối việc hạn chế đi vệ sinh, đòi quyền được đi vệ sinh. 

Chủ doanh nghiệp muốn hạn chế 900 công nhân đi vệ sinh, mà họ cho rằng công nhân “lười biếng lao động” kiếm chuyện. Công ty đề ra quy định, hàng ngày 10 nhà vệ sinh của công ty chỉ mở cửa từ 9h30 đến 10h30 và buổi chiều từ 14h đến 15h. Thời gian còn lại đóng khóa cửa, có người canh gác nghiêm ngặt.

Công ty này còn phát thẻ đi vệ sinh bình quân 80 công nhân/3 thẻ, do tổ trưởng quản lý. Muốn đi vệ sinh, công nhân phải có thẻ vệ sinh, xuất trình thẻ nhân viên có ghi rõ họ tên, thời gian, thời điểm đi vệ sinh… Nếu công nhân nào “lợi dụng” đi nhiều lần trong ngày sẽ bị quản lý gọi lên nhắc nhở, nếu 2 lần nhắc nhở vi phạm bị phạt một thẻ vàng, giá trị thẻ vàng trừ 50.000 đồng tiền lương và vi phạm 2 thẻ vàng sẽ quy ra một thẻ đỏ… đuổi việc.

Lao động nữ mang thai bị buộc nghỉ việc là quy định bất hợp lý.

Cũng những quy định “khắc nghiệt” liên quan đến vệ sinh, nữ công nhân D., làm việc tại Công ty D.P Việt Nam (KCX Tân Thuận, quận 7) cho biết: Công nhân đi làm đội nón màu xanh, khi đi vệ sinh phải báo cho giám sát ghi rõ giờ ra vào nhà vệ sinh và phát nón màu cam để đội (thay thẻ vệ sinh), bình quân khoảng 20 công nhân/nón. Nhiều công nhân “xấu hổ” khi kể lại quy định “trời ơi” này rơi vào hàng ngàn nữ công nhân trong chu kỳ kinh nguyệt, bệnh về thận và lúc bị “tào tháo” rượt… lập tức bị vi phạm, cảnh cáo và phạt.

Quyền làm mẹ bị xâm phạm

Bức xúc hơn, Thủy - công nhân khu chế xuất Linh Trung –Thủ Đức ấm ức kể lại chuyện buồn: Từ Nghệ An vào làm công nhân, xa quê thiếu thốn tình cảm, em đã “lỡ dại” có bầu với anh ấy. Công ty đã sa thải vì vi phạm “thỏa thuận hợp đồng” không được mang thai… Hợp đồng ký từng năm, nên phát hiện em mang bụng lớn… họ chấm dứt hợp đồng. Anh chàng họ Sở “quất ngựa truy phong”, Thủy về quê sinh con, sau đó gửi cho bà nuôi, vào Nam tìm việc làm… 

Giống như trường hợp chị Phạm Thụy A., nhân viên Công ty Z.P VN có thời gian lao động trên 6 năm cho biết: Chị đang mang thai 4 tháng, và khi phát hiện, công ty chấm dứt hợp đồng lao động. Không ai dám thừa nhận việc chấm dứt lao động là do nữ công nhân mang thai, nhưng cam kết thỏa thuận chấm dứt hợp đồng bao giờ cũng kèm theo điều kiện, không khiếu nại… 

Thẻ đi vệ sinh của một công nhân.

Theo quy định, lao động nữ mang thai và sinh con sẽ được hưởng chế độ thai sản nếu có tham gia bảo hiểm xã hội BHXH đủ 6 tháng trong vòng 12 tháng trước khi sinh. Nhiều công ty, đặc biệt là công ty may mặc, số lao động nữ làm việc tại đây chiếm đa số. Trong quy trình tuyển dụng, lao động nữ sẽ được khám sức khỏe ngay tại phòng y tế của công ty và được phát que thử thai để kiểm tra. Nếu phát hiện là có thai, nhân viên đó sẽ không được ký hợp đồng chính thức, kể cả đang thử việc.

Theo Ban Nữ công Liên đoàn lao động TP Hồ Chí Minh, việc vi phạm chính sách lao động nữ xảy ra phổ biến nhất là ở doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Nhiều doanh nghiệp không ký hợp đồng lao động (HĐLĐ), không đóng BHXH nên lao động nữ không được hưởng chế độ thai sản và các quyền lợi khác khi nuôi con nhỏ. Nhiều doanh nghiệp “lách” luật bằng cách ký HĐLĐ thời vụ, chỉ đóng BHXH vài tháng trong năm mang tính tượng trưng để không bị xử phạt.

Vai trò của tổ chức công đoàn trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của công nhân rất quan trọng. Nếu các tổ chức công đoàn phát huy được vai trò của mình để đồng hành cùng công nhân trong giải quyết những bất đồng với chủ sử dụng lao động sẽ hạn chế được những hệ lụy và mang lại kết quả. 

Bên cạnh tổ chức công đoàn, lao động nữ còn có Hội phụ nữ. Nếu tổ chức hội tại các doanh nghiệp sát cánh cùng nữ công nhân, công đoàn để kịp thời phản ánh, đưa ra các kiến nghị đến chủ doanh nghiệp, cơ quan chức năng thì những quy định cấm ngặt nghèo liên quan đến quyền con người sẽ được ngăn chặn và xử lý kịp thời.

Ông Nguyễn Thiện Phước, Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Bình Dương: Cấm hoặc hạn chế công nhân đi vệ sinh là nội quy trái với sinh lý của con người

Các vi phạm phổ biến của doanh nghiệp dẫn đến tranh chấp giữa công nhân với chủ doanh nghiệp trên địa bàn thời gian qua gồm: Cấm công nhân đi vệ sinh hoặc phải xếp hàng chờ đợi đến lượt đã tồn tại ở một số doanh nghiệp. Không có luật nào quy định, cũng chẳng ai công nhận nội quy trái với sinh lý của con người này. Đây hoàn toàn không phải là nguyên tắc riêng mà vi phạm thô bạo đối với người lao động và vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Tuy nhiên, các tổ chức công đoàn cơ sở không phản ảnh vi phạm này thì khiến liên đoàn lao động tỉnh không thể nắm được. Ở những doanh nghiệp chuyên sản xuất giày da, may mặc vẫn tồn tại vấn nạn tăng ca trái quy định.

Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn bắt công nhân phải tăng ca dư giờ và “đổ lỗi” do người lao động yêu cầu. Trong cuộc họp tiếp xúc giữa công nhân với Liên đoàn Lao động thị xã Thuận An để tiếp nhận phản ánh, tâm tư của công nhân nhưng một phó giám đốc doanh nghiệp đã trà trộn vào với tư cách công nhân. Khi đó, “công nhân” này đã khiếu nại với tỉnh, tuyên bố rằng những người ở đây cùng xuất thân từ công nhân nên thấm đẫm nỗi khổ của người lao động và doanh nghiệp. Anh này lập luận, doanh nghiệp gặp phải khó khăn khi quy định cho không quá 300 giờ/năm mà công nhân lại muốn tăng giờ do hoàn cảnh khó khăn để tăng thu nhập. Chủ doanh nghiệp cố tình vi phạm luật thực chất bên trong là để trốn bảo hiểm. Doanh nghiệp chỉ cần có 1.000 công nhân đã có thể làm ra đủ khối lượng sản phẩm theo đơn hàng mà lẽ ra phải có 1.300 công nhân. Số công nhân này phải làm tăng giờ, người lao động chỉ được hưởng lương nhưng chưa chắc họ đã nhận đủ lương theo quy định.

Nhóm PVĐT
.
.
.