Cần chặn đứng sự 'chảy máu' đất và rừng nông lâm trường:

Tàn phá rừng trên đất giao khoán

Thứ Bảy, 10/10/2015, 10:19
Những kẽ hở trong công tác quản lý và hoạt động kém hiệu quả của các nông lâm trường (nay là các Công ty TNHH Một thành viên) dẫn đến rừng xanh ngày càng thu hẹp và cùng với đó là lũ lụt, lở đất kèm theo muôn vàn ẩn họa khi thiên nhiên nổi giận vì những “lỗi lầm” của con người.

Tây Nguyên, Tây Bắc hay Tây Nam Bộ... từng có những vùng trùng điệp rừng xanh, được ví như lá phổi đem lại môi trường sống an lành cho con người. Không chỉ là “vàng”, rừng còn đi vào thi ca như một thực thể xã hội “Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”. Thế nhưng những kẽ hở trong công tác quản lý và hoạt động kém hiệu quả của các nông lâm trường (nay là các Công ty TNHH Một thành viên) dẫn đến rừng xanh ngày càng thu hẹp và cùng với đó là lũ lụt, lở đất kèm theo muôn vàn ẩn họa khi thiên nhiên nổi giận vì những “lỗi lầm” của con người.

Nỗi đau mất rừng

Trong các tác phẩm văn học “Đất nước đứng lên” hay “Rừng xà nu”, Tây Nguyên thật hùng vĩ bởi màu xanh kì bí của núi rừng. Vậy nhưng nhiều khu rừng bát ngát vốn có của đại ngàn Tây Nguyên cơ bản đã bị xóa sổ tính đến thời điểm này. “Nước mắt rừng” Tây Nguyên vẫn chưa thôi rơi khi mà mỗi ngày lại có thêm những cánh rừng tiếp tục bị xâm hại.

Theo chân một cán bộ kiểm lâm địa bàn về vùng Ia Chía, Ia O (Ia Grai, Gia Lai) chúng tôi chứng kiến nỗi đau của rừng (từng thuộc quyền quản lý của các lâm trường), từ những quả đồi xưa ngút ngát rừng đã biến thành nương rẫy… 

Ông Lê Tiến Hiệp, Phó phụ trách Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Grai chia sẻ: “Rừng ở đây mất nhiều trong giai đoạn 2010-2012, khi có chủ trương chuyển đổi rừng sang trồng cao su và giao cho các doanh nghiệp thì người dân địa phương sợ mất hết rừng, hết đất nên ồ ạt vào lấn chiếm làm rẫy... Hiện, Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Grai quản lý hơn 10.648ha rừng, trong đó rừng phòng hộ hơn 5.200ha nhưng không có kinh phí dịch vụ bảo vệ rừng để giao khoán cho dân quản lý”. 

Theo ông Hiệp, nguồn kinh phí từ dịch vụ bảo vệ rừng phải là rừng phòng hộ đầu nguồn của các công trình thủy điện, còn rừng hiện ông đang quản lý nằm phía dưới thủy điện... 

Trước đợt kiểm kê rừng năm 2014, Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Grai đã chuyển trả diện tích hơn 3.160ha về huyện Ia Grai quản lý vì số này đã mất rừng và bị lấn chiếm làm rẫy. Đáng chú ý có những vụ phá rừng ở đây với quy mô lớn nhưng không tìm ra lâm tặc. Cuối năm 2014, vụ phá rừng công khai tại lô 1, khoảnh 9, tiểu khu 365, lâm phần Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Grai với khối lượng gỗ thiệt hại hơn 133m³ trên diện tích rừng phòng hộ trạng thái IIB… 

Lực lượng Công an và Kiểm lâm khám nghiệm hiện trường vụ phá rừng tại Công ty TNHH Một thành viên Gia Nghĩa (Đắk Nông).

Ở xã Ia Kreng, huyện Chư Pah (Gia Lai), có trên 5.700ha đất rừng, trong đó có trên 3.100ha rừng phòng hộ. Nhưng toàn xã có hơn 200 hộ nghèo, chiếm 46,3% và người dân tại chỗ hầu hết sinh sống ở gần rừng. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn xã đã phát hiện 24 vụ phát rừng làm rẫy, lấn chiếm đất lâm nghiệp, 6 vụ khai thác gỗ trái phép trên 87m³ gỗ các loại. Tại khu vực rừng giao khoán cho người dân làng Díp đã xảy ra 3 vụ khai thác gỗ trái phép với hơn 43,7m³ gỗ và 19 vụ phát rẫy. Cùng với làng Díp, tại khu vực giao khoán ở làng Doch 1 và Doch 2, cũng liên tiếp xảy ra nhiều vụ khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép...

Theo báo cáo Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Ly (Chư Pah, Gia Lai) đang hợp đồng giao khoán rừng cho 73 hộ dân của 3 làng trên địa bàn xã Ia Kreng gồm Doch 1, Doch 2 và Díp với diện tích rừng giao khoán 3.000ha, tổng kinh phí chi trả cho hoạt động giao nhận khoán trong năm 2015 là 600 triệu đồng, nhưng rừng ở đây vẫn tiếp tục bị triệt hạ.

Mất rừng rồi… mất luôn cả đất

Tỉnh Đắk Lắk hiện có 35 dự án trồng rừng, cải tạo, quản lý, bảo vệ rừng... với tổng diện tích gần 30.700ha và đã có 24 dự án có quyết định cho thuê hơn 17.500ha đất. Tuy nhiên nhiều dự án không hiệu quả như Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Tân Phú Hưng triển khai dự án ở xã Ea Sol, Ea Hleo từ năm 2011 đến nay mới có 26ha cao su, còn lại phần lớn diện tích bị xâm canh. Công ty TNHH Hoàng Nguyễn thuê 438ha đất ở Ea Hleo để chuyển đổi rừng sang trồng cao su nhưng chỉ trồng được 90ha cao su và phần lớn đã bị chết; hàng chục hécta rừng còn lại bị tàn phá, xâm canh... 

Từ năm 1999-2010, tỉnh Đắk Lắk đã giao khoán cho các hộ gia đình, nhóm hộ, cộng đồng dân cư 27.000ha rừng để chăm sóc, bảo vệ, nhưng sau đó diện tích rừng bị phá, lấn chiếm, xâm canh trái phép lên đến 10.000ha. 

Tại tỉnh Đắk Nông đã giao hơn 30.000ha đất và rừng cho các doanh nghiệp để thực hiện các dự án nông lâm nghiệp theo quy hoạch vẽ ra trên giấy rất hấp dẫn nhưng thực tế chỉ thấy mất rừng và tiềm ẩn bất ổn xã hội. Tại Đắk Ngo có 9 doanh nghiệp vào liên doanh liên kết trên tổng diện tích gần 2.000ha đất và rừng nhưng sau đó đã để mất hơn 1.000ha rừng. 

Phần lớn các dự án được tỉnh Đắk Nông cho thuê rừng, thuê đất, nhưng quá trình triển khai đã không quản lý bảo vệ được mà còn mất rừng rồi mất luôn đất vì người dân lấn chiếm làm rẫy... 

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, tính đến giữa năm 2015, diện tích rừng trên địa bàn Tây nguyên có khoảng 2.567.116ha; trong đó rừng tự nhiên hơn 2.253.000ha, rừng trồng hơn 313.000ha, so với kết quả rà soát 3 loại rừng năm 2008, diện tích rừng tự nhiên giảm hơn 358.700ha... 

Có nhiều nguyên nhân làm giảm diện tích và chất lượng rừng như lợi dụng chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để phá rừng, lấn chiếm đất rừng để sản xuất nông nghiệp, khai thác rừng trái phép… 

Các chính sách quản lý về rừng, đất đai còn bị lợi dụng theo kiểu lách luật khi giao dự án như chia nhỏ dự án dưới 1.000ha trong vùng chuyển đổi để dễ dàng thực hiện các thủ tục pháp lý. Nhiều doanh nghiệp được giao rừng sau khi tự khảo sát, lập dự án chuyển đổi đất rừng, sau đó để mất rừng và gây lãng phí đất đai, hoạt động không hiệu quả… 

Trao đổi với PV Báo CAND, TS Phạm Quang Tú (Tổ chức Oxfam) khẳng định: Các công ty lâm nghiệp (nay  là các Công ty TNHH một thành viên) quản lí rừng rất kém. Nhiều nơi rừng bị chặt phá, đặc biệt tại khu vực Tây Nguyên. Điển hình như ở Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Gia Nghĩa (Đắk Nông), chỉ trong thời gian ngắn, hàng nghìn hécta rừng đã biến mất. Việc giao khoán rừng chưa được thực hiện nghiêm túc, phần lớn giao khoán sai đối tượng. “Các công ty chủ yếu giao đất cho người nhà, người có chung mối quan hệ làm ăn. Trong khi đó, người dân sở tại, đồng bào dân tộc thiểu số lại chẳng có gì” – ông Tú nói.
Những con số “biết nói” nêu trên chưa thể phản ánh thực trạng nhức nhối rừng Tây Nguyên đang hằng ngày bị xâm hại. Song, hậu quả mất rừng đã thấy rõ như nguồn nước ngầm bị cạn kiệt, biến đổi khí hậu bất thường. Khí hậu Tây Nguyên không còn như trước đây (kéo dài 6 tháng nắng và 6 tháng mưa) mà chỉ mưa dầm theo sự ảnh hưởng của các cơn bão, áp thấp nhiệt đới; lượng sương mù cũng giảm hẳn vào buổi ban mai và lúc hoàng hôn buông xuống… Sự ngột ngạt của khí hậu Tây Nguyên ngày càng trầm trọng tiềm ẩn cơn “nóng giận” đang bị ghìm nén của thiên nhiên.
Trao đổi với PV Báo CAND, TS Phạm Quang Tú (Tổ chức Oxfam) khẳng định: Các công ty lâm nghiệp (nay  là các Công ty TNHH một thành viên) quản lí rừng rất kém. Nhiều nơi rừng bị chặt phá, đặc biệt tại khu vực Tây Nguyên. Điển hình như ở Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Gia Nghĩa (Đắk Nông), chỉ trong thời gian ngắn, hàng nghìn hécta rừng đã biến mất. Việc giao khoán rừng chưa được thực hiện nghiêm túc, phần lớn giao khoán sai đối tượng.

“Các công ty chủ yếu giao đất cho người nhà, người có chung mối quan hệ làm ăn. Trong khi đó, người dân sở tại, đồng bào dân tộc thiểu số lại chẳng có gì” – ông Tú nói.

D.Hiển - V.Hân - H.Ly - N.Như
.
.
.