Phải bằng mọi cách để rừng không “chảy máu”

Thứ Bảy, 17/11/2012, 22:35
Sự việc kiểm lâm viên Hồ Văn Huy bị kỷ luật, cho thôi việc vì bắt tay với lâm tặc phá rừng tại Vườn quốc gia (VQG) Yok Đôn còn nóng hôi hổi thì mới đây, trong một báo cáo của ông Giám đốc VQG Yok Đôn lại đề cập đến việc, một Phó Giám đốc của VQG quan hệ với lâm tặc đã khiến dư luận bùng nổ... và việc giữ rừng càng trở nên rất khó khăn hơn bao giờ hết.
>> Vườn quốc gia Yok Đôn (Đắk Lắk) bị tàn phá nghiêm trọng

“Chảy máu”… kiểm lâm

Tình trạng phá rừng đang nóng rẫy, lại cộng với việc hai con voi rừng bị sát hại để lấy ngà tại tiểu khu 257, VQG Yok Đôn là những sự kiện khiến người ta đều hướng cái nhìn về khu Bảo tồn thiên nhiên lớn nhất Việt Nam. Xác hai con voi rừng - tài sản vô giá của VQG Yok Đôn hiện đã được “di lý” về Hà Nội để bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam… nhồi bông. Còn các đối tượng chém giết dã man báu vật của rừng Tây Nguyên thì vẫn… đang ở đâu đó.

Trách nhiệm đối với việc để hai con voi rừng bị giết hại đến nay vẫn treo lơ lửng. Liên quan đến việc chặt phá mấy chục cây giáng hương, căm xe ở tiểu khu 477 và 484 ngoài 4 đối tượng là con em cán bộ địa phương còn có kiểm lâm viên Hồ Văn Huy, con trai của ông Hồ Văn Cầu, Phó Giám đốc VQG Yok Đôn. Hiện tại, kiểm lâm viên Huy đã bị kỷ luật, cho thôi việc.

Con làm con chịu, bố làm bố chịu là cái lẽ ở đời. Thế nhưng, việc kiểm lâm viên được xác định đã bắt tay với lâm tặc, làm chân trong cho lâm tặc phá rừng là điều không thể chấp nhận nổi. Là người dân bình thường cũng phải bảo vệ rừng, huống hồ người đó lại còn khoác trên mình bộ quần áo kiểm lâm, công tác tại một khu bảo tồn thiên nhiên nhiên. Mỗi tháng, ngoài lương cơ bản, kiểm lâm còn được hưởng thêm 107% lương cơ bản (kiểm lâm 30%; vùng miền 75%; khí hậu, thời tiết 0,7%)…

Xe đạp ngựa bị thu giữ của lâm tặc.

Rõ ràng, Nhà nước không hề phụ công, ăn trong rừng, ngủ trong rừng, thức cùng rừng của những người làm kiểm lâm. Thế mà hà cớ gì, kiểm lâm viên lại làm tay trong cho lâm tặc, để lâm tặc vào phá rừng. Việc chia chác giữa kiểm lâm và lâm tặc trong vụ việc này không lớn. Nhưng cái mất lại rất lớn - Đó là sự biểu hiện rõ sự suy thoái trong lực lượng bảo vệ rừng ở VQG Yok Đôn.

Ông Hoàng Văn Xuân, Phó Giám đốc VQG Yok Đôn cho biết, hiện có hơn 200 kiểm lâm viên thuộc biên chế của VQG được giao làm nhiệm vụ bảo vệ rừng. Vườn cũng bố trí 14 trạm kiểm lâm, trong đó có 2 trạm kiểm lâm cơ động nằm rải rác trong rừng, các vị trí xung yếu nhằm làm tốt nhất công tác bảo vệ rừng. Càng đi sâu vào trong rừng, tôi càng thấy rõ việc đi lại của kiểm lâm trong rừng khá thuận lợi. Do địa hình bằng phẳng, lại có hệ thống giao thông nội rừng khá tốt nên có thể sử dụng phương tiện giao thông như ôtô, xe máy, xe đạp đi lại. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho kiểm lâm khi tuần tra, kiểm soát.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau khi để xảy ra tình trạng phá rừng nghiêm trọng, đã có 1 trạm trưởng trạm kiểm lâm bị hạ xuống làm trạm phó và 3 trạm phó bị điều xuống làm nhân viên. Đây là việc làm cho thấy sự quyết liệt trong việc làm trong sạch nội bộ và cũng thể hiện tình trạng “chảy máu” kiểm lâm.

Điều bất ngờ là đầu tháng 11 này, các báo đồng loạt đăng tải thông tin, trong báo cáo gửi Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn, ông Trần Văn Thành, Giám đốc VQG Yok Đôn nêu rõ, hai phó giám đốc năng lực điều hành kém, nặng về quyền lợi cá nhân, có quan hệ với lâm tặc… Thông tin trên khiến dư luận thực sự sửng sốt. Và dư luận đòi hỏi ông Giám đốc VQG cũng như Tổng cục Lâm nghiệp làm rõ vấn đề này. 

Phải chấn chỉnh để không mất rừng

Trong khi dư luận đang có nhiều đồn thổi không hay về một số kiểm lâm của VQG Yok Đôn thì ngày 28/10, 3 kiểm lâm viên đang làm nhiệm vụ tại bờ sông Sê rê pôk thuộc địa bàn buôn Trí A, xã Krôngna, huyện Buôn Đôn thì bị 5 thanh niên hành hung.

Kiểm lâm viên Lưu Hải Bắc bị một đối tượng đánh chảy máu đầu phải đưa vào bệnh viện cấp cứu. Không phải vô cớ mà những thanh niên trên thấy kiểm lâm là… đánh. Có thể, trong khi thi hành công vụ họ đã bắt gỗ của những đối tượng này. Điều này cho thấy, nguy cơ bị xâm hại thân thể, tính mạng của kiểm lâm rất lớn.

Khi vào Trạm kiểm lâm số 1, tôi ngạc nhiên vô cùng khi đứng trước bãi xe thu được của lâm tặc. Đó là những chiếc xe đạp được chế với bánh của xe ngựa nên anh em kiểm lâm quen gọi là xe đạp ngựa. Gọi là xe đạp nhưng không thể đạp. Gọi là xe đạp nhưng tải trọng của nó bằng xe cơ giới.

Bởi tính năng đặc biệt có thể xuyên rừng, vượt suối với những khúc gỗ nặng trình chịch nên bánh xe, vành xe đều rất khủng. Khi điều khiển nó, không chỉ có một người mà cần ít nhất 3 người. Khúc gỗ tròn đường kính gần 1m, dài 3m được lâm tặc khiêng lên xe và thồ đi trong rừng ngon lành. Bắt mất xe này, về chế xe khác nên số lượng xe đạp ngựa mà trạm kiểm lâm này thu được rất nhiều.

Ngoài ra, còn phải kể đến các loại xe máy “độ” mà chỉ có những tay lái lụa mới dám ngồi lên. Tại Hạt kiểm lâm VQG Yok Đôn, tôi đếm được cả chục chiếc xe ôtô đã bị cũ nát. Đây là xe tang vật, đối tượng bỏ của chạy lấy người nên kiểm lâm thu về. Đề cập đến việc này để thấy, cuộc chiến giữ rừng không hề dễ dàng.

Không chỉ có lực lượng kiểm lâm của VQG Yok Đôn làm nhiệm vụ bảo vệ rừng mà UBND huyện Buôn Đôn cũng thành lập lực lượng liên ngành, trực tiếp tham gia vào công tác này. Ông Dương Xanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn cho biết, riêng năm 2012 UBND huyện đã ban hành tới 12 văn bản chỉ đạo liên quan đến việc bảo vệ rừng.

Trong đó nêu rõ, các lực lượng Công an, kiểm lâm, UBND các xã, chủ rừng (VQG Yok Đôn và Ban quản lý rừng phòng hộ Buôn Đôn) phải có trách nhiệm bảo vệ hệ sinh thái rừng, nếu để xảy ra xâm phạm phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, ông Xanh cũng cho rằng, cần phải củng cố lại lực lượng kiểm lâm; tại các chốt kiểm lâm phải thường xuyên luân chuyển cán bộ; xử lý nghiêm những kiểm lâm có dấu hiệu tiêu cực.

Trao đổi với một lãnh đạo VQG Yok Đôn, ông này cũng thừa nhận có những kiểm lâm có biểu hiện bắt tay với lâm tặc. Vấn đề là làm thế nào để chấm dứt tình trạng này? Việc hạ cấp, chuyển vị trí công tác có thực sự hiệu quả?

Chúng tôi được biết, liên quan đến vụ lâm tặc phá rừng, vận chuyển gỗ chỉ cách trạm kiểm lâm 200m, trạm trưởng trạm kiểm lâm chỉ bị xử lý hành chính, chuyển vị trí công tác. Thực tế, ai cũng biết rằng việc gỗ lậu để cách trạm kiểm lâm chỉ 200m mà kiểm lâm không biết là quá vô lý. Nhưng đối chiếu với những quy định thì hành vi này chỉ được xem là thiếu tinh thần trách nhiệm khi để xảy ra khai thác gỗ tại vùng đệm.

Tiếp tục đi sâu, tìm hiểu về tình trạng phá rừng ở VQG Yok Đôn, chúng tôi thật sự lo ngại khi thấy, tình hình ngày càng phức tạp. Lâm tặc ngày càng tinh vi, lộng hành. Lực lượng bảo vệ rừng có biểu hiện suy thoái. Rừng sẽ vẫn còn. Nhưng chỉ còn rừng tạp. Còn những cây gỗ quý, những động vật quý nếu không bảo vệ tốt sẽ mất đi. Khi đó, linh hồn của rừng cũng mất theo

Cao Hồng
.
.
.