Di nguyện của một giám đốc và ký túc xá miễn phí cho sinh viên

Thứ Năm, 25/08/2016, 07:52
Không chỉ bố trí chỗ ở miễn phí mà Ký túc xá Cỏ May còn chăm lo đến từng miếng ăn, giấc ngủ cho sinh viên nghèo.


Xa hơn, từ tổ ấm này, các em sẽ có một nghề nghiệp ổn định, một bản lĩnh vững vàng và cái tâm sáng để bước vào đời. Đó là giấc mơ mà sinh thời, ông Phạm Văn Bên, Giám đốc Công ty TNHH Cỏ May, không ngừng đau đáu...

Ông Bên không thể sống được đến ngày nhìn niềm mong mỏi của mình hoàn thành, đầy hiện đại và khang trang giữa không gian xanh mát của khuôn viên trường Đại học Nông Lâm, quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh.

Ông không thể chờ thêm vài tháng để thấy ánh mắt lấp lánh hạnh phúc của những cô cậu sinh viên nghèo hiếu học khi ngắm nhìn nơi sẽ che chở mình trong bốn năm giảng đường. Tuổi 66, ông ra đi vì căn bệnh ung thư quái ác tưởng đã trị dứt cách đây 10 năm. Nhưng trước khi nhắm mắt, người được sinh viên coi là ông Bụt ấy vẫn mỉm cười: “Trời thương cho tôi sống đến bây giờ để tôi làm cho xong ký túc xá này”.

Bao dự định còn lại, ông gửi gắm cho người chị thân thiết: bà Nguyễn Thị Bao, Trưởng BQL Ký túc xá Cỏ May. Mấy chục năm qua, tình bạn bè của bà Bao và ông Bên không khác chị em tri kỷ. Vì giống nhau ở tính khảng khái, lại hết lòng vì người khác nên hai người nhanh chóng chơi thân.

Bà Bao kể: Năm 2011, bà nghỉ hưu nên muốn có cái nhà vườn nho nhỏ để trồng cây, đào ao thả cá vui thú tuổi già ở Đồng Tháp. Ông Bên đề xuất: “Hay em sẽ xây một viện dưỡng lão để bạn bè mình và nhiều người già có chỗ quây quần, sống với nhau cho vui. Chị sẽ làm quản lý, rồi lúc đó chị thích trồng cây hay đào ao gì cũng được”. 

Hai tuần sau, ông quả quyết: “Em không làm viện dưỡng lão nữa mà sẽ xây ký túc xá miễn phí cho sinh viên nghèo, vun đắp cho thế hệ nhân tài”.

Bà hiểu vì sao ông lại đổi ý như vậy. Thời niên thiếu, cậu bé nghèo Phạm Văn Bên ham học nhưng phải sớm vào đời bươn chải mưu sinh. Do vậy, khi làm giám đốc doanh nghiệp, năm nào ông cũng trao học bổng, quà từ thiện để tiếp bước các em học sinh, sinh viên học giỏi vượt khó.

Bà Nguyễn Thị Bao, Trưởng BQL Ký túc xá Cỏ May tiếp tục kiện toàn ký túc xá như di nguyện của ông Phạm Văn Bên.

Lặn lội các nơi, tháng 4-2015, công ty ông Bên liên kết cùng Đại học Nông Lâm triển khai xây dựng ký túc xá. Ngày đặt bút ký hợp đồng liên kết, ông mừng đến rớt nước mắt vì khuôn viên Đại học Nông Lâm là vị trí vô cùng thuận lợi cho sinh viên vì nơi đây gần nhiều trường đại học lớn của thành phố, lại có bến xe buýt, rất tiện cho các em di chuyển. Toàn bộ kinh phí xây dựng đều do ông Bên chi trả. 

Bà Bao cho biết, ký túc xá có một trệt, ba lầu với sức chứa hơn 430 sinh viên. Mỗi dãy lầu đều có một phòng học chung nhìn ra sân vườn tươi xanh. Các sinh viên (cả tân sinh viên lẫn sinh viên năm 2, năm 3) có hoàn cảnh khó khăn nhưng thành tích học tập tốt đang theo học trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và Bình Dương đều được đón nhận. Dự kiến, đến tháng 9 này, ký túc xá sẽ chính thức đón lứa sinh viên đầu tiên vào ở.

Những ngày này, điện thoại bà Bao reo liên tục. Phụ huynh, học sinh liên lạc để đăng ký thủ tục, làm hồ sơ.  Nhiều thầy cô giáo ở các tỉnh thành xa xôi khi biết thông tin về Ký túc xá Cỏ May thậm chí còn gửi thư tay giới thiệu về gia cảnh, tinh thần vượt khó của học trò kèm hồ sơ các em. Đọc những lá thư chân thành, đầy nhiệt huyết vì tương lai của học trò đó, bà Bao xúc động vô cùng.

Công ty của ông Bên bỏ ra 40 tỉ đồng đầu tư cơ sở vật chất ban đầu và chu cấp 15 tỉ mỗi năm để nuôi dưỡng ký túc xá. Dù biết tốn nhiều chi phí nhưng không một ai trong gia đình ông Bên phản đối bởi họ hiểu ý nghĩa cao đẹp của nó. 

Họ chỉ sợ rằng khi ông Bên qua đời và bà Bao già yếu thì ai sẽ có đủ tâm huyết và khả năng để kế tục. Bà Bao quả quyết: “Mọi người đừng lo. Không phải trên đời này chỉ có cậu Bên hay tôi mới có tấm lòng hay sự nhiệt tình với thế hệ trẻ”.

Dù nhiều lần bị ông Bên từ chối nhưng để ghi nhớ nghĩa cử cao đẹp của ông, các thầy cô Trường Đại học Nông Lâm vẫn quyết định lấy tên Cỏ May đặt cho ký túc xá. Cái tên mà ông từng có lần cắt nghĩa: vì yêu đồng cỏ may trắng tím - nơi nương náu bình yên của họ Chuồn Chuồn mỗi khi trời nổi giông gió trong truyện “Dế mèn phiêu lưu ký” - mà đặt tên Cỏ May cho công ty.

Giờ đây, loài hoa đồng nội ấy là tên của ký túc xá lắm ân tình này. Loài hoa mộc mạc, dung dị nhưng có sức lan tỏa rất lớn trong gió, bám dính áo người, gửi cánh hoa đi muôn nơi. Như lan tỏa những tấm lòng chở che, tiếp sức bao mảnh đời hiếu học đến trường...

Quỳnh Nga
.
.
.