Nghị lực phi thường của cô gái khuyết tật
- Nghị lực phi thường của cô gái suy thận1
- Nghị lực phi thường của cô gái “hoa hướng dương” 10 năm chống chọi căn bệnh ung thư
- Nghị lực phi thường của “kình ngư” không chân
Một ngày chủ nhật, dưới cái nắng tháng 6 như thiêu đốt, chúng tôi tìm đến nhà chị Vân Anh ở một con hẻm nhỏ trên đường Điện Biên Phủ, phường Vĩnh Ninh, TP Huế. Trong căn nhà nhỏ, khi nói chuyện với chị Vân Anh, chúng tôi chỉ có thể đưa tay ra dấu, hoặc viết lên giấy cho chị hiểu. Nhưng trong đáy mắt của người con gái 27 tuổi nhỏ nhắn, xinh xắn, dường như ánh lên bao niềm khó tả khi nói về cuộc đời mình…
Sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, bố làm nghề xe ôm, mẹ thường xuyên bệnh tật, nhưng chị rất ham học. Thấy vậy, bố chị gửi chị vào học ở Trường Tiểu học Vĩnh Ninh, lớp học dành cho học sinh khuyết tật. Nhận thấy chị có năng khiếu vẽ, cô giáo đã định hướng giúp chị thực hiện mơ ước. Năm 2003, chị được theo học lớp học thêu do thầy giáo, nghệ nhân nhân dân Lê Văn Kinh dạy. Trước khi gặp chị, chúng tôi cũng có dịp trao đổi với thầy Kinh.
Vân Anh với bức tranh thêu “Mong cho mưa thuận gió hoà”. |
“Để dạy cho các em ở lớp học đặc biệt, tôi phải học cách giao lưu, truyền đạt kiến thức cho học sinh câm điếc bằng tay. Lớp học thêu ban đầu là 35 em, sau tuần đầu tuyển chọn những em có đủ tố chất học nghề thêu. Vân Anh là một trong 12 em được chọn. Em có năng khiếu về tạo hình, khéo tay cộng thêm đức tính cần cù, chịu khó, sau lớp học tôi đã nhận em về làm ở cơ sở thêu Đức Thành”, thầy Kinh tâm sự…
Sau một thời gian vừa học, vừa làm, đến nay chị Vân Anh đã nắm bắt tất cả các kỹ thuật của nghề thêu, bao nhiêu công đoạn cầu kỳ, lắt léo, tỷ mẩn để tạo ra những tác phẩm thêu có hồn. Giờ đây, các kỹ năng, như thêu tắckê họa tiết tinh xảo, thêu 2 mặt giống nhau, hay sợi chỉ bọc kim tuyến, rồi kết cườm ngọc... chị có đủ khả năng đảm nhận hầu hết những hợp đồng sản phẩm cao cấp của bạn hàng.
Gương mặt chị rạng rỡ, tươi sáng hơn hẳn khi đem hàng trăm bức ảnh chụp lại những bức tranh thêu do chính mình làm ra cho chúng tôi xem. Đặc biệt là hai bức tranh thêu nghệ thuật “Mong cho gió thuận mưa hòa” và “Điểm tựa” thêu bằng chỉ kim tuyến sợi nhỏ tạo ra ánh sáng đa chiều. Bức tranh thêu “Mong cho gió thuận mưa hòa” từ vàng đậm chuyển sang vàng nhạt. Từ vàng nhạt chuyển sang trắng... với 6 sắc độ khác nhau cứ thế những gam màu đậm nhạt uyển chuyển, tinh tế và mềm mại của chỉ, như tuôn chảy với bao cảm xúc…
Hai bức tranh trên được chọn tham gia triển lãm tại Bảo tàng Văn hóa TP Huế nhân dịp Festival nghề truyền thống Huế 2015. Và, chị là người thợ thêu duy nhất tham gia Festival được Ban tổ chức chương trình tuyên dương nghệ nhân trẻ tiêu biểu thuộc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh TP Huế cấp giấy chứng nhận “Nghệ nhân trẻ tiêu biểu”...
Chia tay chị Vân Anh, chúng tôi bắt chặt tay chị và cảm nhận ở cô gái khuyết tật đầy nghị lực, vượt khó để vươn lên trong cuộc sống này là tấm gương giúp cho những con người trẻ cùng trang lứa học tập, sống và cống hiến cho xã hội.