Nghị lực phi thường của “kình ngư” không chân

Thứ Sáu, 25/12/2015, 09:05
Sinh ra đã dị tật bẩm sinh, khuyết tật 2 chân, duy chỉ còn 1 tay trái lành lặn nhưng Nguyễn Hồng Lợi chưa một lần than trách và khuất phục số phận mà ngược lại, anh nghị lực theo đuổi đam mê của mình. Và kết quả, anh không chỉ trở thành nhà thiết kế thời trang, diễn viên nghiệp dư của một số bộ phim mà còn là vận động viên bơi lội xuất sắc.

1. Sự an bài của số phận không mỉm cười

Cuộc đời con người mỗi chúng ta giống như một dòng nước, có lúc phẳng lặng, có lúc đầy sóng lớn. Và cuộc đời của VĐV Nguyễn Hồng Lợi (1987) được xem như bị bủa vây bởi những sóng gió nhưng anh đã trải qua từng đợt sóng gió mà sống mạnh mẽ, tự do.

Đó là câu chuyện giàu nghị lực, đầy ý nghĩa của thanh niên trẻ 27 tuổi, từ khi chào đời anh đã không may mắn được lành lặn như các anh em của mình, không được chọn cho mình một hình hài hoàn thiện, gia đình đủ đầy. “Ban đầu bệnh viện nói tay không có bắp chuối, nhưng khi lên phòng dưỡng nhi, Bác thực sự đau lòng vì con không có cả 2 chân”, ông Nguyễn Dương Tâm - Bố Lợi chia sẻ.

Cái tên “hàng xóm xung quanh thường gọi tôi là Cụt”, cái tên đã gắn bó với anh từ khi chính anh còn chưa hiểu hết về sự thiệt thòi của bản thân. Chỉ có đáng sinh thành là đau từng khúc ruột. “Sinh nó ra không được đầy đặn như mấy anh chị, cô buồn lắm, cô khóc hoài”, Bà Nguyễn Thị Hưng – Mẹ Lợi nghẹn ngào nói.

 Một đứa trẻ mới 5 tuổi, vừa chập chững mơ hồ nhận biết về nỗi đau số phận thì đã liên tiếp chống chọi với những sóng gió khác. Khốn cùng vì cái nghèo leo lắt đeo đuổi từng người trong gia đình, vì gánh nặng cơm áo đã buộc những người thương yêu phải xa cách nhau. Lợi phải chuyển sang sống với mẹ nuôi và dì trong cái buồn của cha, nỗi tủi thân của mẹ. Anh lớn lên mạnh khỏe trong vòng tay tình yêu của những ông bố, bà mẹ thương con hết mực.

Cuộc sống cứ thế êm ả trôi qua cho đến khi anh đến tuổi tới trường. Mẹ nuôi xin cho anh đi học giống như bao bạn bè cùng trang lứa. Thế nhưng, anh bị nhà trường từ chối. Nỗi buồn tưởng như đã tạm quên bỗng chốc lại ùa về trong đau đớn. Lần đầu tiên trong đời, Lợi ý thức sâu sắc về nỗi khiếm khuyết và sự khác biệt của bản thân so với những người xung quanh.

Thương con, mẹ nuôi đã xoay đủ mọi cách để anh được đi học. Bà đưa anh đến Làng trẻ Hòa Bình – Bệnh viện Từ Dũ, TP Hồ Chí Minh. Tại đây, sự chia sẻ của nhũng người bạn đồng cảnh ngộ, cùng sự dạy dỗ của những tấm lòng thơm thảo của các y bác sĩ đã giúp Lợi từ một cậu bé nhút nhát, sợ sệt ngày nào, chốc đã trở thành một chàng trai hiếu động, thông minh. Và cũng chính từ đây, cuộc đời anh từng bước sang một trang mới, tươi tắn và tràn ngập niềm vui, bởi năng lực được phát huy, đam mê được đánh thức.

2. Kình ngư… một tay

Ngay từ nhỏ, Lợi đã thích tập bơi: “Nhà tôi ngay cạnh sông Sài Gòn, hàng chiều vẫn theo chân các anh hàng xóm ra đó đùa chơi nên rất thích nghịch nước”, Lợi cho biết. 

Với thân hình cá biệt như vậy, anh không thể tìm thấy sách vở nào dạy bơi, cũng chẳng có huấn luyện viên nào kèm cặp từ những ngày non dại ấy, chỉ một mình anh lặng lẽ với làn nước xanh mà vẫy vùng. Sau này tình cờ,  Lợi được gặp HLV Nguyễn Phương Khanh – người thầy, người anh đã dìu dắt anh đến với sự nghiệp thi đấu thể thao. 

“Vì mình cụt một bên tay nên rất khó khăn nên khi bơi thường sẽ bị lệch sang 1 bên, nhưng được sự tận tình hướng dẫn của thầy và nỗ lực tập luyện của bản thân, mình đã học được cách giữ thăng bằng để đi thẳng về phía trước”. Cách Hồng Lợi giữ thăng bằng vươn lên phía trước trên đường đua cũng giống như cách anh mạnh mẽ, bình tâm trước sự mặc cảm của bản thân, sự trớ trêu của số phận để vươn lên trên đường đời.

Việc bơi lội với người bình thường vốn đã khó, với một người cụt tay lại càng khó hơn. Tưởng chừng như không thể nhưng Hồng Lợi đã chinh phục được môn thể thao này và đáng nể hơn là sau những ngày tháng kiên trì luyện tập, anh chính thức trở thành vận động viên tham gia các hội thi thể thao người khuyết tật trong nước và quốc tế. 

Lần “dậy sóng” của VĐV Hồng Lợi bắt đầu từ năm 2009. Tính đến nay, anh đã là chủ nhân của 8 HCV, 9 HCB qua 6 lần hội thi trong nước như Quảng Trị, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh. Mới đây nhất tại Cần Thơ, tháng 7-2014, anh đoạt 3 HVC ở các cự ly 100m,200m, 400m tự do nam và 1 HCĐ tại ASEAN Para Games lần thứ 7, tổ chức tại Myanmar vào tháng 1-2014.

VĐV Hồng Lợi chia sẻ: “Mỗi người sinh ra có rất nhiều lựa chọn cho cách họ lớn lên, cách họ tồn tại giữa cuộc đời này. Còn tôi, chỉ có duy nhất một cách vượt lên số phận để tồn tại. Nếu không thể đứng lên bằng đôi chân của mình thì vẫn còn nghị lực, ý chí và tình yêu mãnh liệt với cuộc sống này”.Và cũng chính bởi đam mê, ý chí đó đã giúp anh chinh phục những đỉnh cao của vinh quang.

3. Một cánh tay trái làm nên nhiều nghề “tay trái”

Đúng vậy, không thể đứng dậy trên đôi chân của mình, anh luôn có gắng nuôi dưỡng cho mình một tinh thần “thép”, tình yêu trọn vẹn với cuộc sống này. Mọi người biết đến Hồng Lợi không chỉ là một “kình ngư không chân” mà còn biết đến anh là một chàng thanh niên “Cụt tay vẽ áo dài cho hoa hậu”.

Hồng Lợi có năng khiếu và ham vẽ tranh từ rất sớm. Ban đầu anh miệt mài cũng chỉ là những đường nét nguệch ngoạc, và rồi nhờ học hỏi và duyên phận đưa đẩy, anh may mắn được gặp thầy Sĩ Hoàng - NTK danh tiếng tại buổi triển lãm tranh. Sau 3 năm rèn rũa, anh trở thành một cây cọ chủ lực của xưởng thiết kế thời trang, đặc biệt trong lĩnh vực làm đẹp thêm cho chiếc áo dài truyền thống Việt Nam. Bằng tài năng và khiếu hội họa, anh được thầy tin tưởng giao cho thiết kế chiếc áo dài đầu tiên. 

Mỗi chiếc áo dài, Hồng Lợi phải mất từ 2-4 ngày để hoàn thành bởi cần phải thật tinh tế trong cách phối màu và kiên trì, chăm chút từng nét vẽ. Một kỉ niệm khó quên trong nghiệp vẽ của Hồng Lợi là vào năm 2008. Khi Cuộc thi Hoa Hậu Hoàn vũ được tổ chức tại Nha Trang. Cơ sở Sĩ Hoàng được mời vẽ áo dài cho hoa hậu các nước và Hồng Lợi được thầy tín nhiệm giao thực hiện chiếc áo dài dành cho Hoa hậu Hàn Quốc. Sau 4 ngày mải miết, tác phẩm tinh xảo của học trò đã làm hài lòng ông thầy chuyên nghiệp khó tính.

Không chỉ vậy, với sự lém lỉnh, lạc quan Hồng Lợi luôn thu hút sự chú ý của người khác, và chính những yếu đố này đã tạo ra bước ngoặt trong cuộc đời anh. Anh vô tình bén duyên với điện ảnh. Diễn viên nghiệp dư – Hồng Lợi đã góp mặt trong một số bộ phim như: “Sáu sầu đời”, “Truy đuổi”… của đạo diễn Lưu Việt Bảo.

Với Hồng Lợi, thiết kế áo dài là để tự nuôi dưỡng tâm hồn còn thể thao là để gìn giữ sức khỏe. Cả hai đam mê này đã giúp cho đời sống của anh thêm phong phú, có nhiều bạn bè cùng sẻ chia, quan tâm đến cuộc sống của nhau, được đi nhiều nơi không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nước ngoài.

4. Kình ngư trong cuộc sống thường ngày

Dù gặp hái được nhiều thành công nhưng khi trở lại với cuộc sống thường ngài, chàng trai ấy vẫn luôn giữ cho mình một nét dung dị đáng quý. Khi đã thành tài, Lợi vẫn tự nguyện xin ở lại Làng Hòa Bình để giúp đỡ những em nhỏ có hoàn cảnh giống mình. Đối với anh, việc làm đó không chỉ nhằm trả ơn những người đã cưu mang mình mà còn là niềm vui tự đáy lòng, bản thân anh luôn mong muốn được duy trì mãi về sau.

Hàng ngày, anh Lợi phụ trách đưa đón các em nhỏ đi học. Với thân hình khiếm khuyết nhưng thanh niên trẻ này lại là một “tài xế” rất an toàn của các em. Nhiều năm qua, chính anh cũng chẳng nhớ nổi mình đã đưa đón bao lượt học sinh nhiễm chất độc da cam đến trường. Những lúc rảnh rỗi, anh lại dạy bơi cho các em, khuyến khích họ đến với thể thao để rèn luyện sức khỏe, sống tươi vui hơn. 

“Các em ở đây đều có chung hoàn cảnh giống tôi nên tôi thương và yêu quý các em rất nhiều”, Hồng Lợi chia sẻ.  Với tình yêu và nghị lực ấy, anh như một ngọn lửa truyền hơi ấm, niềm lạc quan trong cuộc sống này cho những em thiếu may mắn. Em nhỏ  H.T. Hà trong Làng Hữu Nghị chia sẻ: “Anh Lợi là tấm gương đầy nghị lực, anh truyền cho em niềm tin vào cuộc sống, niềm tin làm được những điều như những người bình thường”.

“Cuộc đời không cho mình nhiều thứ nhưng không lấy đi tất cả. Tôi rất có niềm tin, hy vọng vào cuộc sống và tương lai của mình”. Chính vì điều này mà ngay từ khi còn nhỏ, Anh đã luôn tự nhủ bản thân, tự nói với mẹ: “Mẹ yên tâm, con luôn tự hào được mẹ sinh ra với hình hài này”. Và đặc biệt những lúc đứng trên bục cao nhận huy chương, cho dù đó có là huy chương gì  tôi cũng thấy rất vui và luôn thầm cảm ơn bố mẹ ruột, mẹ nuôi và những người đã có ơn sinh thành và nuôi dưỡng tôi”, Lợi tâm sự.

PV
.
.
.