Người thương binh chiến thắng trong cuộc mưu sinh thời bình

Thứ Bảy, 09/07/2016, 19:00
Trở về quê không chỉ với những vết thương, mà ký ức chiến trường thậm chí cả mảnh đạn vẫn còn găm trong người cựu chiến binh Nguyễn Văn Lưu. Sống với biết bao gian khổ tưởng chừng khó vượt qua của cuộc mưu sinh, nhưng bằng nghị lực và lòng yêu đời, ông đã vượt qua mọi trở ngại, để thành một tấm gương sáng giữa quê hương.


Mồ hôi thấm từng gốc cây

Khu trang trại của ông Lưu ở thôn Đạo Sử, huyện Lương Tài (Bắc Ninh) mùa quả chín, giống như những ngày hội của sắc và hương, với sự góp mặt của mít, na, ổi, xoài, nhãn, mướp, bí, bầu… Hơn thế, sự sinh động của trang trại còn là góp mặt của hàng trăm con gà, chim bồ câu cũng như những ao cá mà ông bà hằng ngày dày công chăm sóc. Ông giới thiệu chi tiết cho chúng tôi về các khu vực nuôi trồng. Và rồi, ông dùng thóc gọi bầy bồ câu xuống. Chẳng mấy chốc, chúng bu đầy sân bên ông chủ lành hiền mà lấy mồi, như bên một người cha nhân hậu.

Còn nhớ, năm 2003, cả khu vực heo hút như đồng hoang. Vợ chồng ông Lưu đã đấu thầu, bỏ ra biết bao công sức để cải tạo. Sáng tinh mơ hai vợ chồng đã dậy đào đất, đắp bờ, thu mua trấu (vỏ thóc) để cải tạo đất.

Ông Lưu lạc quan sống và chăm sóc trang trại.

Chiều đến, ông Lưu lại đạp xe đi mua cây giống rồi mang về trồng, tưới tắm, mồ hôi của ông thấm vào từng gốc cây. Chỗ này trồng mít, chỗ kia là chanh, là bưởi. Có hôm, lúc được đứng thẳng lên nhìn thì trời đã tối mịt. Vụ đầu tiên làm ăn, ông Lưu đã thất bại. Mua hai cặp bò thì chết một cặp, mua đôi lợn xề thì dịch chết một. Đàn lợn con hơn 60 chú cũng dính dịch chết gần hết, ngoài ao thì cá nổi lềnh bềnh.

"Tất cả cũng tại tôi chưa có kinh nghiệm. Số tiền vay ngân hàng đầu tư đã mất trắng. Nhìn mặt vợ tôi lo lắng, tôi tự nhủ nếu mình buông xuôi thì hỏng. Tôi thấy mình còn may mắn hơn nhiều đồng đội khác. Vậy là có quyết tâm bắt tay vào làm lại từ đầu, học hỏi kinh nghiệm và đầu tư khoa học hơn. Chúng tôi chăm sóc cho từng gốc cây nhỏ xinh, hy vọng chúng sẽ phát triển tốt", ông Lưu bày tỏ.

Đất đai không phụ lòng người. Thành quả của bao tháng ngày gian lao, đúc rút kinh nghiệm, sửa sai của hai vợ chồng ông là một trang trại xinh xắn nhiều hoa thơm quả ngọt. Cũng giống như nhiều thương binh mà tôi đã gặp, vợ chồng cựu chiến binh Nguyễn Văn Lưu chọn cách làm giàu bằng phát triển trang trại, lấy công làm lãi.

Tìm hiểu thêm ở những người làm trang trại không chỉ cải tạo tốt đất đai, mà còn bố trí hợp lý nuôi những con gì, trồng những cây gì để có thu nhập quanh năm. Cứ cuối giờ chiều, ông bà lại hái để khách buôn đến lấy, hoặc sớm mai mang ra chợ. Bà Nguyễn Thị Lý, vợ ông Lưu chia sẻ: "Tôi quanh năm ở xó làng, nào biết trang trại là cái gì đâu. Cũng may ông nhà tôi mày mò, chịu khó, tìm hiểu. Tôi và các con đã dựa vào vai ông ấy để qua chuỗi ngày đói kém, dẫu ông ấy chỉ còn có một con mắt".

Nghe vợ nói những lời cảm động ấy, ông Lưu trở nên bùi ngùi, trên khóe của con mắt còn sáng, những giọt nước rơi ra. Cố nén lại tiếng ho khan, ông bảo: "Thì bà ấy chịu khó có kém gì tôi. Thuận vợ thuận chồng mà. Chính tôi cũng phải nhìn bà ấy, nhìn con thơ mà cố gắng đấy!".

Nỗi nhức nhối còn đó

Ông Lưu dẫn tôi đi thăm trang trại, dáng ông người đậm, bước đi vững chãi, nhưng quan sát kỹ, tôi hiểu ông có cái bất lợi là chỉ còn mỗi con mắt, nên mỗi bước chân đều phải thận trọng hơn. Dưới tán cây xạc xào gió, ký ức ông nguyên vẹn ùa về.

Là con thứ hai trong gia đình có năm chị em, mẹ mất sớm, năm 1974, khi vừa tròn 19 tuổi, người thanh niên Nguyễn Văn Lưu xung phong lên đường vào chiến trường miền Nam. Độ đó, ông thuộc Sư 304 - Quân đoàn 2, đóng quân ở Quảng Trị, rồi từ đó đơn vị nhận nhiệm vụ đánh vào Bình Định, tiến sâu xuống Đồng Nai.

Dẫu từng bị thương, ông Lưu vẫn dũng cảm cùng đồng đội đánh vào căn cứ Nước Trong. Tại đây, ông và đồng đội bị pháo tăng của địch đánh trả. Nhiều đồng đội đã hy sinh. Ông Lưu bị mù cả hai mắt, còn ông Trần Công Dinh quê ở Hải Dương bị pháo bắn cụt cả hai chân. Để ra được hậu cứ, ông Lưu cõng ông Dinh trên lưng để làm nhiệm vụ chỉ đường.

Sau đó, ông Lưu được đưa về Nha Trang điều trị và tiếp tục được đưa ra Bệnh viện 108 làm phẫu thuật. Sau nhiều lần mổ, gắp các mảnh đạn ra khỏi cơ thể, các bác sĩ đã cứu được một con mắt cho ông. Tháng 1-1976, ông Lưu xuất ngũ về địa phương, là thương binh hạng ¼, mất sức 81%.

Lúc này, bố mẹ mất, ông Lưu phải gánh vác việc chị gái không chồng, quanh năm bệnh tật và chăm sóc cho ba cậu em nhỏ. Đêm nằm vắt tay lên trán, ông nghĩ, cuộc chiến thời bình với khó khăn, cơm áo gạo tiền gian nan chẳng kém thời chiến. Rồi ông tự an ủi: "Mình còn may mắn hơn nhiều đồng đội khác".

Sau tiếng thở phào, ông bảo mình sẽ làm bằng 200% sức lực. Mấy hôm sau, ông làm đơn xin làm bảo vệ ở UBND xã, kiêm luôn Phó ban quản lý chợ Thứa, đồng thời đầu thầu đầm sen ven sông quê để thả cá, trồng sen. Suốt 20 năm đằng đẵng, đánh vật với cuộc sống trầy trật, ông bà đã thay cha mẹ nuôi nấng các em, sinh và nuôi được hai người con ăn học, nay đều đã làm cán bộ nhà nước.

Ông Lưu( bên phải) cùng người em trai.

Ông Lưu tâm sự rằng, hoàn cảnh gia đình nghèo đói cơ cực cộng thêm những vết thương cứ giày vò mỗi đêm nhưng ông luôn tâm niệm lời dạy của Bác Hồ: "Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền". Ông lao vào làm tất cả các công việc có thể kiếm ra tiền từ cày thuê cuốc mướn đến đắp đê, làm bảo vệ chợ… nhưng gia cảnh vẫn không khá hơn. Sau nhiều đêm trăn trở, ông quyết định lặn lội vào miền Nam một thời gian tìm bạn bè học hỏi cách làm kinh tế để về làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

"Hiện nay, tôi vẫn còn ba mảnh đạn trong người, là ở đỉnh đầu, má phải và bên phải của trán. Tôi cũng cố gắng ra Hà Nội tìm cách mổ, nhưng không lấy ra được vì sẽ ảnh hưởng đến thần kinh. Bởi thế tôi cũng thường xuyên bị choáng, ngất. Đó cũng là gánh nặng cho vợ tôi", ông Lưu nói rồi chỉ cho chúng tôi xem những vết sẹo trên đầu mình.

Là một thương binh giàu nghị lực, ông Lưu đã đứng lên làm giàu, nuôi nấng con cái thành đạt, dẫu bệnh tật, những vết thương không thôi nhức nhối. Hằng năm, vào những dịp kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sỹ, ông vẫn tổ chức đi thăm đồng đội, ôn lại quá khứ và động viên nhau vượt lên hoàn cảnh.

Ông Dương Mạnh Hùng, Chi hội trưởng Chi hội CCB thôn Đạo Sử cho biết: "Đồng chí Lưu là một hội viên gương mẫu trong chi hội. Không chỉ làm kinh tế giỏi, làm giàu cho gia đình, ông Lưu thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm làm ăn và giúp đỡ các hội viên trong chi hội cùng phát triển kinh tế".

Cũng cảm phục trước đức hy sinh của anh trai, anh Nguyễn Văn Thành, em ruột ông Lưu bày tỏ: "Ngày bé, anh nuôi nấng, chăm sóc chúng tôi như cha, bảo ban từng đứa một. Nay nghĩ lại mà thấy thương anh quá. Được cái, ngày đó chúng tôi biết vâng lời, nay có điều gì cũng hỏi han, xin ý kiến anh như xin ý kiến người cha".

Hiện nay, thương binh Nguyễn Văn Lưu có thể tạm hài lòng với những gì đã làm được. Hai con trai của ông đều thành đạt, làm việc tại các cơ quan nhà nước và có gia đình hạnh phúc. Tin rằng, với bản lĩnh vững vàng, không ngại khó, ngại khổ của người lính Cụ Hồ, ông Lưu cũng như nhiều thương binh khác còn tiếp tục đóng góp công sức của mình trong việc xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Người thương binh đã chiến thắng trong cuộc mưu sinh thời bình bằng lòng quả cảm. Dẫu biết, những cơn đau vẫn hành hạ, song niềm tin ông luôn hiện hữu, để nụ cười tỏa sáng và xứng đáng là người cựu chiến binh mẫu mực, nêu gương, sống tiếp phần đời của đồng đội.

Ngô Thục Miên
.
.
.