Nghị lực của vợ chồng người thương binh nặng

Thứ Bảy, 17/07/2010, 12:40
Vợ chồng anh Ngô Văn Đi và chị Nguyễn Thị Xê ở tổ 16, phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng), đều là thương binh nặng. Anh chị đã kiên trì phấn đấu chiến thắng thương tật, bền bỉ vượt khó vươn lên. Cả hai anh chị đều bị mất một chân, nhưng vẫn chọn lấy nghề may để có thêm thu nhập. Chị Xê đã bền bỉ đi học nghề gần 2 năm, rồi dạy nghề cho chồng để anh phụ chị những việc vắt sổ, thùa khuy...

Từ năm 15-16 tuổi, anh Đi và chị Xê đã tham gia kháng chiến chống Mỹ. Anh Đi là du kích. Chị Xê là giao liên. Chị Xê bị thương năm 1973 trong lúc đưa cán bộ đi qua vùng tranh chấp, còn anh Đi bị thương khi làm nhiệm vụ dò gỡ mìn trên quê hương vừa mới giải phóng. Cùng cảnh ngộ, anh chị đã tìm đến nhau và nên nghĩa vợ chồng vào năm 1982.

Cả hai anh chị đều bị mất một chân, được hưởng chế độ phụ cấp thương tật của Nhà nước, nhưng vẫn chọn lấy nghề may để có thêm thu nhập. Để trở thành thợ may, chị Xê đã bền bỉ đi học nghề gần 2 năm. Biết bao khó khăn đối với chị trong việc luyện tập điều khiển bàn đạp máy may, phối hợp động tác giữa tay và chân, bởi chiếc chân gỗ cứ ngay đơ, không chịu tuân theo ý chị. Nhưng cuối cùng, chị đã học thành nghề. Rồi dạy nghề cho chồng.

Hai người bắt tay vào may quần áo phục vụ khách. Chị làm thợ chính, còn anh đảm đương các công việc vắt sổ, làm khuy, kết nút. Anh chị may kỹ và khéo, giá cũng có phần rẻ hơn so với thị trường nên ngày càng có nhiều khách hàng. Bà con trong xóm ai có may vá gì cũng đem đến anh chị. Bà cụ Sáu ở cùng xóm nói rằng: Vợ chồng cô Xê làm ăn đàng hoàng, tôi thích lắm! Tôi thường khuyên con cháu có may cái gì hãy mang đến cô.

Vợ chồng anh Đi, chị Xê.

Kiên trì chắt chiu dành dụm, cùng với sự giúp đỡ của chính quyền, đoàn thể, anh chị đã làm được một căn nhà nhỏ và những đứa con yêu lần lượt ra đời. Được làm cha làm mẹ đối với đôi vợ chồng thương binh này là một hạnh phúc quá lớn mà hồi mới bị thương họ tưởng không bao giờ có được! Niềm vui vô tận ấy thôi thúc cả hai người cố gắng lao động nhiều hơn để có tiền nuôi con ăn học. Ngoài công việc may vá, anh chị còn tranh thủ nuôi heo, nuôi gà để tăng thêm thu nhập, trang trải chi phí học thêm cho các con. Đêm đêm, anh chị còn thức khuya miệt mài bên chiếc bàn may để động viên các con học tập.

Mỗi khi trái gió trở trời, các vết thương lên cơn đau nhức, anh chị tận tình chăm sóc nhau và động viên nhau cố gắng chịu đựng, không kêu rên làm các con lo buồn, ảnh hưởng đến việc học hành. Vết thương anh Đi nặng hơn, những khi anh đau quá, chị Xê lấy dây thun buộc lên phía trên mõm cụt, rồi lấy đá lạnh chườm vào chung quanh để anh dịu bớt cơn đau.

Như thấu hiểu nỗi lòng bố mẹ, các con của anh chị đều chăm học, chăm làm. Hiện nay, người con trai của anh chị đã học năm cuối tại Trường Đại học Cảnh sát nhân dân, còn cô con út chuẩn bị bước vào lớp 12. Hai cháu đều là những sinh viên, học sinh tiên tiến, thường xuyên nêu cao ý chí phấn đấu, không hề có biểu hiện ỷ lại, dựa dẫm vào tiêu chuẩn con đối tượng chính sách.

Mới đây, được hỗ trợ kinh phí và với khoản tiền dành dụm, vợ chồng anh Đi đã làm lại nhà khang trang, kiên cố. Trong niềm vui ấy, chị Xê xởi lởi bộc bạch: Vợ chồng tôi không đi xa được, sớm chiều chăm chỉ may vá, nuôi con.

Nhưng qua tivi, sách báo, chúng tôi biết Đảng ta đang thực hiện cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tôi nghĩ rằng, mình là thương binh phải cố gắng vượt qua thương tật và phấn dấu nuôi dạy con tốt thì cũng là một cách làm theo đạo đức Bác Hồ. Tôi chỉ mong sao con tôi sau khi tốt nghiệp đại học được bố trí công tác gần nhà để có điều kiện chăm sóc chúng tôi lúc tuổi già

Lê Văn Thơm
.
.
.