Cuộc đời sau những bức vẽ tài hoa

Thứ Bảy, 19/03/2016, 19:59
Bị ảnh hưởng chất độc da cam từ nhỏ, chân tay yếu ớt không làm được gì, 6 tháng tuổi, Lê Minh Châu đã được bố mẹ gửi vào làng Hoà Bình, thành phố Hồ Chí Minh. Một lần tình cờ nhìn hoạ sĩ vẽ tranh trên tường cho các lớp học, tình yêu với hội họa nhen nhóm trong lòng cậu bé khuyết tật.


Từ đó, cậu mải miết ngày đêm học vẽ bằng chính khả năng tưởng tượng của mình. Không vẽ được bằng tay, Châu vẽ tranh bằng miệng. Bằng nỗ lực không mệt mỏi, anh đã tự mở một phòng tranh ở Sài Gòn và trở thành nhân vật chính trong bộ phim tài liệu “Chau, Beyond the Lines”, bộ phim lọt vào danh sách 5 đề cử chính thức giải Oscar 2016 ở hạng mục phim tài liệu ngắn xuất sắc nhất.

Bộ phim “Chau, Beyond the Lines” do nữ đạo diễn Courtney Marsh người Mỹ thực hiện trong vòng 7 năm. Với thời lượng 34 phút nhưng đạo diễn Courtney Marsh đã chắt lọc quay hình suốt một thời gian dài về quãng đời đầy biến động của chàng trai Việt bị di chứng chất độc da cam - thứ vũ khí hóa học mà quân đội Mỹ đã rải xuống Việt Nam cách đây hơn bốn thập niên. 

Lê Minh Châu ngậm cọ vẽ, cúi đầu chấm một ít màu đã pha, rồi quệt những đường nét chuyên nghiệp lên khung tranh. Những bức tranh phong cảnh đẹp như mơ, những bức họa chân dung chân thật và sinh động chẳng khác gì ảnh chụp, những khuôn tranh trừu tượng hút mắt với đường nét và sắc màu… cứ thế hiện dần lên qua từng nét vẽ.

Hành trình vượt lên số phận của Lê Minh Châu đã chinh phục Courtney Marsh ngay từ cái nhìn đầu tiên, khi chị sang Việt Nam thực tập cho dự án phim tài liệu của trường vào năm 2007. 7 năm miệt mài thực hiện, chị đã hoàn thành xuất sắc bộ phim tài liệu này và thực sự khiến người xem phải rơi nước mắt. Bộ phim đã được Viện Hàn lâm khoa học và nghệ thuật Điện ảnh nước Mỹ (AMPAS) trao đề cử Top 5 Phim tài liệu ngắn xuất sắc tại Oscar 2016vào sáng 14-1-2016 vừa qua và sẽ công bố kết quả vào cuối tháng 2-2016.

Lê Minh Châu miệt mài hoàn thành một bức tranh.

Sinh ra trong một gia đình khó khăn ở Đồng Nai, trong khi ba anh chị em đều phát triển bình thường thì Châu kém may mắn khi bị nhiễm chất độc da cam. Ngay từ khi chào đời, anh đã mang trong mình khuyết tật hiếm gặp ở cánh tay và chân, không chỉ việc đi lại trở nên khó khăn mà đôi tay yếu ớt còn khiến anh không thể làm được những việc đơn giản của người bình thường. 6 tháng tuổi, anh đã được đưa vào làng trẻ em Hòa Bình, Bệnh viện Từ Dũ (quận 1, thành phố Hồ Chí Minh).

Năm chín tuổi, trong một lần làng Hòa Bình mời họa sĩ đến vẽ trang trí lên tường lớp học, Châu và các bạn như bị thôi miên bởi những nét vẽ tài hoa của người họa sĩ. Dường như nhận ra khao khát của đám nhỏ, nữ họa sĩ này đã nảy ra ý định xin mở lớp dạy vẽ miễn phí ngay trong làng Hoà Bình. Ông trời không cho ai hết cũng không lấy hết của ai cái gì. Không có được một cơ thể lành lặn nhưng bù lại Châu lại có được khả năng cảm nhận màu sắc, đường nét hội họa khá nhanh. 

Càng học càng thích, càng đam mê, Châu dành mọi thời gian để học vẽ. Có khi đang đêm nằm ngủ, ý tưởng vụt loé lên, anh lại bật dậy hí hoáy vẽ cho đến rạng sáng. Thương cậu bé khuyết tật nhưng có niềm đam mê mãnh liệt, nhiều họa sĩ và nhà thiết kế nổi tiếng đã đồng ý cho Châu theo học. Với người bình thường, học vẽ đã khó, với người khuyết tật thì khó khăn càng nhân lên gấp vạn lần. Mới đầu Châu học vẽ bằng tay, dù khó khăn nhưng nhờ chăm chỉ luyện tập, anh cũng vẽ được thành thạo. 

Lên cấp 2, anh vô tình bị chấn thương cổ tay nên không thể tiếp tục vẽ được nữa, nhưng niềm đam mê với hội họa khiến anh quyết định vẽ tranh bằng miệng. Thời gian đầu tập ngậm cọ bằng miệng vẽ cực lắm, toàn thân Châu đều phải vận động theo khiến cơ thể luôn trong trạng thái đau đớn, mệt mỏi. 

Hai hàm phải dùng hết lực để cố định cây cọ vẽ khiến quai hàm mỏi nhừ, tê cứng, không thể nhai được đồ ăn. Cổ phải vận động xoay đủ hướng, lưng liên tục cúi xuống lấy màu nên vô cùng nhức mỏi và ánh mắt không thể tập trung một điểm cố định nên rất chóng mặt. Mỏi, mệt nhưng Châu cứ âm thầm luyện tập. Có hôm anh miệt mài vẽ suốt đêm. Dần dần, nét vẽ bằng miệng cũng bén như vẽ bằng tay trước đây.

Quyết định rời khỏi làng Hòa Bình để tự bươn chải kiếm sống được coi là bước ngoặt trong cuộc đời Lê Minh Châu. Mới đầu nhiều người nhìn anh với ánh mắt ái ngại, thương cảm, bởi với thân hình nhỏ thó, khuyết tật như thế, liệu anh có thể làm gì để nuôi sống bản thân. Không ít người tỏ thái độ ác cảm, lạnh lùng nhưng Châu đã chứng minh được tất cả. 

Anh vừa đi giúp việc ở các phòng tranh vừa âm thầm vẽ những bức tranh của riêng mình. Cuối cùng, một trong số các bức tranh anh vẽ đã có người mua với giá 3 triệu đồng. Hạnh phúc đến với anh quá bất ngờ bởi đó là số tiền đầu tiên anh kiếm được bằng chính khả năng và đam mê của mình. Bằng những nỗ lực và cố gắng không mệt mỏi của mình, Châu đã giành được nhiều giải thưởng trong các cuộc thi. Anh nằm trong top 3 tại các cuộc thi Bảo tàng chứng tích chiến tranh, Nét vẽ xanh, cùng các cuộc thi khác của trường học và thành phố Hồ Chí Minh. Trong cuộc thi Chiến thắng nỗi đau được tổ chức với quy mô cả nước, anh đã đoạt giải khuyến khích...

Những tác phẩm của Lê Minh Châu.

Hiện tại Châu đang có một phòng tranh nhỏ trên đường Lê Hồng Phong, quận 10. Căn phòng chỉ rộng chừng 20m2 nhưng vừa là nơi anh sinh sống, vừa là nơi anh thể hiện đam mê của mình. Những bức vẽ của Châu đa dạng phong cách, từ tranh phong cảnh, chân dung cho đến trừu tượng. Anh cũng có thể vẽ trên áo, thiết kế thời trang và vẽ “body painting” trên cơ thể người. 

Tranh của Châu không chỉ được khách hàng trong nước ưa chuộng mà nhiều người ở Mỹ, Nhật, Pháp… cũng đặt mua. Nhờ có vốn tiếng Anh và tiếng Nhật khá tốt nên Châu có thể nắm bắt gần như trọn vẹn ý tưởng của khách hàng. Đặc biệt nhờ sự giúp đỡ của nữ đạo diễn Courtney Marsh khi lập nên một website bán tranh cho anh ở nước ngoài mà tranh của anh được nhiều khách hàng trên thế giới biết đến. Dự định trong năm 2016, Châu sẽ gây dựng cho mình một studio để thỏa ước mơ vẽ, thiết kế thời trang và nhiếp ảnh.

Dù bận rộn với công việc vẽ tranh, Lê Minh Châu vẫn dành thời gian mở lớp học vẽ cho trẻ em từ 6-12 tuổi ở quận 7. Anh chia sẻ, đó cũng là cách để anh giúp đỡ những những đứa trẻ không có điều kiện được học vẽ nhưng đam mê hội họa như anh. Có thời gian và sức khoẻ tốt, Châu lại tham gia các chuyến đi từ thiện để chia sẻ một phần nào với những người có hoàn cảnh khó khăn hơn.

Mới đây, Châu đã tham gia Caravan Thư viện do Câu lạc bộ Doanh nhân 2030 tổ chức. Chương trình đã trao tặng một thư viện hiện đại với đầy đủ sách tham khảo, tranh ảnh, sách truyện, máy tính, trang thiết bị học tập hỗ trợ về công nghệ thông tin... tới ba trường học khó khăn ở tỉnh Bạc Liêu. Và anh là người vinh dự được chọn để chia sẻ những gì mình đã trải qua.

Ngọc Mai
.
.
.