Tình người ở miền đất mang nỗi đau chất độc da cam

Thứ Sáu, 19/02/2016, 09:53
Đã hơn 40 năm qua, kể từ ngày đất nước thống nhất nhưng miền đất Tây Nguyên yêu thương vẫn còn đeo bám dai dẳng những nỗi đau về chất độc da cam/dioxin. Vẫn còn đó hàng chục ngàn phận đời phải cam chịu hàng ngày với bệnh tật do bị nhiễm chất độc màu da cam thời chiến tranh quân đội Mỹ đã rải xuống chiến trường Tây Nguyên...


Mỗi ngày bên lớp học đặc biệt ở Trung tâm nuôi dưỡng phục hồi chức năng trẻ em bị nhiễm chất độc da cam/dioxin tỉnh Gia Lai, cô giáo HKhuyn thấm đẫm nỗi đau bệnh tật của các em. Mỗi số phận bệnh tật một hoàn cảnh cay nghiệt đeo bám phận đời trẻ thơ các em. Có em lên 15 tuổi nhưng đi đứng không vững, ngồi không thẳng, nói không thành tiếng... 

Lớp học hơn 30 người nhưng không chung tuổi, dị dạng của tật nguyền cũng khác và mỗi em phải được cô giáo cùng người chăm sóc dạy từng con chữ khác nhau... Tình thương yêu đặc biệt của cô giáo với những trẻ nhiễm chất độc da cam ở đây không sao tả hết.

Cô HKhuyn kể rằng, mình gắn với nghề như một duyên nợ. Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương với chuyên ngành Giáo dục đặc biệt, HKhuyn trở về với mảnh đất Tây Nguyên để “gieo mầm” cho những đứa trẻ khuyết tật bởi chất độc da cam.

Lớp học đặc biệt của những trẻ em bị nhiễm chất độc da cam ở Gia Lai.

Mỗi ngày đến lớp, cô giáo thương các em như cả tấm lòng người mẹ. Chứng kiến những phận đời đau thương như cả gia đình cháu Nguyễn Kim Phụng, Nguyễn Ngọc Yến đều bị dị tật, bố mẹ rất nghèo chỉ đi làm thuê, mướn quanh năm không đủ sức chăm lo các cháu...

“Mỗi ngày đến lớp, nhìn cảnh thương tâm các em mà lòng không sao chịu được”, cô HKhuyn chia sẻ.

Ở gia đình Rmah Blơ ở làng Ser, xã Kông Htok, huyện Chư Sê, Gia Lai, cả hai cậu con trai đều dị tật do nhiễm chất độc da cam. Gia đình ông Phạm Văn Lăng ở làng U, xã Kông Htok, huyện Chư Sê, có 3 người con đều bị di chứng chất độc da cam...

Theo Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Gia Lai, vùng đất Gia Lai là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của chất độc da cam/dioxin do quân đội Mỹ rải xuống trong chiến tranh xâm lược Việt Nam. 

Theo điều tra của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh có khoảng 13.000 người bị nhiễm chất độc da cam, trong đó có trên 6.000 người bị nhiễm trực tiếp và gần 6.000 người bị nhiễm gián tiếp ở thế hệ thứ hai và ba. Hiện có trên 3.500 người đã được hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn vì phần lớn nạn nhân sống ở vùng sâu, vùng xa...

Trong 5 năm qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam Gia Lai phối hợp cùng Hội Chữ thập đỏ tỉnh phát động nhiều phong trào hành động vì nạn nhân da cam; đã vận động được 17,494 tỷ đồng giúp đỡ cho 66.130 hộ gia đình nghèo, nạn nhân chất độc da cam…

Nhiều tấm lòng thiện nguyện đóng góp giúp đỡ cho các nạn nhân da cam bằng cả vật chất và tinh thần. Bác sĩ Đặng Ngọc Thắng, sau 34 năm hy sinh trong quân ngũ, ngày nghỉ hưu theo chế độ ông vẫn tình nguyện vào lo việc chăm sóc sức khỏe cho các nạn nhân da cam ở Gia Lai.

“Cuộc đời quân ngũ mình gắn bó nhiều năm ở chiến trường Tây Nguyên, ở Lào và Campuchia nên thấu hiểu nỗi đau của người lính, xót xa trước nỗi đau của đồng đội, nhân dân có người thân nhiễm chất độc da cam/dioxin nên tôi nguyện đóng góp hết sức mình cho các nạn nhân da cam đến cuối cuộc đời...”, Thượng tá Đặng Ngọc Thắng tâm sự.

Ngọc Như
.
.
.