Uy lực khủng khiếp của ICBM "Quỷ Satan" mà Tổng thống Putin tự hào nhắc tới

Thứ Sáu, 02/03/2018, 22:50
Tổng thống Vladimir Putin đã không giấu nổi niềm tự hào về thành tựu quốc phòng Nga khi nhắc tới tên lửa RS-28 Sarmat, hay còn được gọi là “Quỷ Satan-2”, tên lửa đủ sức xoá sổ một quốc gia và đâm thủng mọi hệ thống lá chắn phòng thủ tiên tiên nhất thế giới.

Trong Thông điệp Liên bang gửi đến cả thế giới hôm 1-3, đương kim Tổng thống Nga Vladimir Putin đã hé lộ một phần năng lực quốc phòng của Nga thông qua tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) "không thể đánh chặn", RT đưa tin.

Tuyên bố của Tổng thống Putin được minh hoạ bằng một đoạn video, ghi lại cảnh một ICBM được bắn ra khỏi giếng phóng, bay lên không gian xung quanh thế giới trước khi tách ra thành các đầu đạn nhỏ hơn.


Tổng thống Putin tuyên bố về loại ICBM "không thể đánh chặn". Video: RT

Giới quan sát cho hay, không khó để khẳng định loại ICBM đó chính là RS-28 Sarmat, được NATO mệnh danh là tên lửa “Quỷ Satan-2”, vốn vừa được Bộ Quốc phòng Nga thử nghiệm thành công cuối năm ngoái.

"Không ai trên thế giới này sở hữu những vũ khí như vậy. Một ngày nào đó họ có thể có, nhưng khi đó chúng ta đã phát triển những vũ khí khác rồi", ông Putin mạnh mẽ tuyên bố, cho thấy khả năng loại ICBM này dường như đã bắt đầu được đưa vào sử dụng.

RS-28 Sarmat là ICBM thế hệ 5, được trang bị những công nghệ hiện đại nhất với tính năng kỹ - chiến thuật ưu việt hơn hẳn so với các tên lửa thế hệ trước. Loại ICBM này được phát triển từ khoảng những năm 2009 và là phiên bản nâng cấp của tên lửa RS-36M, được NATO gọi theo tên quỷ Satan vào những năm 1970.

Hình ảnh, được cho là của RS-28 Sarmat, trong một vụ phóng thử. Ảnh: ITN

Truyền thông Nga dẫn các nguồn tin từng tiết lộ, RS-28 Sarmat sử dụng nhiên liệu lỏng và có 2 tầng, tầm bắn trên 15.000 km, nghĩa là vươn tới mọi đích đến trên thế giới. Loại ICBM này cũng sẽ có trọng lượng hơn 200 tấn, nghĩa là lớn nhất từ trước tới nay.

Về đầu đạn, RS-28 Sarmat được cho là có thể mang đầu đạn thông thường lẫn hạt nhân nặng tổng cộng 10 tấn và sức công phá đến 40 megaton, gấp 2.000 lần các bom nguyên tử Mỹ thả xuống Hiroshima và Nagasaki hồi năm 1945. Nếu thực tế tác chiến có yêu cầu, RS-28 cũng có thể “cõng” 15 đầu đạn nhiệt hạch với sức công phá lớn hơn nhiều lần.

Sở dĩ nói RS-28 Sarmat không thể bị đánh chặn là bởi nó được tích hợp công nghệ dẫn đường tiên tiến và một bộ phận chuyên đánh lừa các hệ thống lá chắn bằng các "mồi như" có kích thước và hình dáng giống đầu đạn thật nhưng khối lượng thì nhẹ hơn nhiều lần.

Thiên Minh
.
.
.