Siêu tên lửa liên lục địa Sarmat của Nga sắp đi vào hoạt động
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới nhất Sarmat (RS-28) sẽ đi vào hoạt động tại Trung đoàn tên lửa chiến lược vào năm 2021, một nguồn tin trong ngành công nghiệp quốc phòng Nga cho Thông tấn TASS biết vào chiều 29-3.
- Nga phát triển tên lửa mới “khủng” hơn Sarmat có thể phóng từ tàu ngầm
- Sarmat- tên lửa mới của Nga phá nát mọi hệ thống phòng thủ
“Theo chương trình cấp nhà nước về vũ khí quốc phòng mở rộng đến năm 2027, Sarmat sẽ được sản xuất hàng loạt từ năm 2020. Trung đoàn đầu tiên được trang bị loại tên lửa này sẽ đi vào làm nhiệm vụ tại Sư đoàn Uzhur”, nguồn tin cho biết.
Ban đầu trung đoàn sẽ gồm một trung tâm chỉ huy và 2 hầm phóng ngầm dưới lòng đất (silo). Cuối cùng, sức mạnh của trung đoàn sẽ tăng lên 6 silo.
Trung đoàn tên lửa RS-28 đầu tiên của Nga sẽ đi vào phục vụ từ năm 2021. Ảnh: TASS |
Trước đó, nhiều phương tiện truyền thông dẫn lời các quan chức Nga thông báo việc triển khai tên lửa hạng nặng mới sẽ bắt đầu sau năm 2018, mặc dù các cuộc thử nghiệm bay của RS-28 chưa diễn ra.
Thứ trưởng Bộ quốc phòng Nga Yuri Borisov cho biết Quân đội Nga sẽ tiếp nhận tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới Sarmat vào thời điểm hết hạn phục vụ của tên lửa hạng nặng R-36M2 Voyevoda. Trong thời Xô Viết, những tên lửa này được sản xuất tại Drepropetrovsk, Ukraina và đi vào phục vụ từ năm 1988-1992.
Tư lệnh Lực lượng Tên lửa Chiến lược Nga, Sergey Karayev cho biết Voyevodas sẽ tiếp tục phục vụ cho đến năm 2024, nhưng thời gian phục vụ có thể lên đến năm 2027.
RS-28 là tên lửa đạn đạo xuyên lục hạng nặng thế hệ mới phóng từ silo của Nga.