Sarmat- tên lửa mới của Nga phá nát mọi hệ thống phòng thủ

Chủ Nhật, 08/05/2016, 17:09

Hệ thống phòng thủ tên lửa tốt nhất hiện nay của phương Tây sẽ trở nên “yếu đuối” trước Sarmat, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới của Nga, sẽ được thử nghiệm thực tế trong mùa hè này, báo Zvezda đưa tin chiều 8-5.

Tên lửa xuyên lục địa mới nhất của Nga, Sarmat, làm cho tất cả các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện nay trở nên bất lực, báo Zvezda đưa tin.

Hiện thông tin chi tiết về tên lửa RS-28 sarmat vẫn đang được giữ bí mật.

RS-28 Sarmat là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hiện đại hoạt động bằng nhiên liệu rắn hiện đang được phát triển dành riêng cho quân đội Nga.

Nó được thiết kế để thay thế tên lửa R-36M Voevoda có từ thời Xô viết, được NATO đặt biệt danh “Qủy Satan”, được phóng từ hầm phóng ngầm dưới đất thuộc lực lượng răn đe hạt nhân của Nga.

RS-28 được phát triển từ năm 2009 và được lên kế hoạch thay thế tên lửa xuyên lục địa đã cũ vào năm 2018.

Theo Zvezda, tên lửa Sarmat sẽ không chỉ trở thành hậu duệ của R-36M mà xét ở mức độ nào đó nó sẽ quyết định sức mạnh răn đe hạt nhân của Nga.

Đài truyền hình Nga cho biết thêm, RS-28 có khả năng tấn công một phần lãnh thổ rộng lớn có diện tich bằng bang Texas hoặc nước Pháp và tốc độ siêu nhanh của nó sẽ xuyên thủng mọi hệ thống phòng thủ tên lửa hiện nay.

Mặc dù hiện nay có rất ít thông tin về chi tiết kỹ thuật của tên lửa mới, một số nguồn tin cho biết, Sarmat là tên lửa có tầm bắn lên đến 10.000km và trọng lượng lên đến 100 tấn, bao gồm tải trọng từ 4 đến 10 tấn.

RS-28 sarmat là một loại tên lửa được phóng từ hầm phóng trên mặt đất.

Tên lửa sẽ được trang bị một loại vỏ đạn tái nhập phức tạp chứa hàng chục đầu đạn hạng nặng (MIRVed), mỗi đầu đạn đều có khả năng cơ động cao.

Đầu đạn Sarmat có hệ thống chống tên lửa đánh chặn hiện đại, có thể xuyên thủng “mái vòm thép” ABM của Mỹ.

Bộ Quốc phòng Nga có kế hoạch cuối năm 2018 đưa RS-28 vào phục vụ và sẽ thay thế cho dòng hỏa tiễn Voevoda vào năm 2020.

Phạm Trúc
.
.
.