Mỹ “đánh tiếng” nhờ Nga chế tạo giúp phi thuyền lên Mặt trăng

Thứ Sáu, 11/01/2019, 18:23
Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã đề nghị các chuyên gia Nga chế tạo phiên bản mới của tàu Soyuz để phục vụ cho các chuyến bay lên Mặt trăng trong tương lai của Mỹ.

“Họ đã đề nghị chúng ta nghiên cứu và sản xuất những tàu Soyuz mới có  thể bay lên Mặt trăng rồi trở lại, theo đó có thể tạo ra một hệ thống trung chuyển dự phòng trên không gian”, Giám đốc Cơ quan vũ trụ Nga (Roscosmos) Dmitry Rogozin tuyên bố với truyền thông hôm 10-1, theo TASS.

Tàu vũ trụ Nga rời bệ phóng lên trạm ISS. Ảnh: TASS

Theo lời ông Rogozin, NASA cũng đề nghị Nga tiếp tục các chyuến bay đưa phi hành gia Mỹ lên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) trong tương lai bằng tàu Soyuz. Hiện Nga là bên duy nhất đủ năng lực đưa các phi hành gia lên ISS rồi quay lại với độ an toàn cao.

NASA mới đây công bố kế hoạch xây dựng trạm vũ trụ trên quỹ đạo của Mặt trăng có tên Deep Space Gateway (Cánh cổng vào không gian) nhằm tăng cường khả năng thám hiểm không gian của con người. Mỹ muốn người Nga hỗ trợ, song Moscow cho biết chỉ tham gia nếu có vị trí quan trọng trong dự án này.

Trước đó, phía Nga từng tiết lộ đã thảo luận với Mỹ về việc sử dụng các tên lửa Proton-M và Angara thế hệ mới để đưa tàu vũ trụ lên xây dựng cơ sở hạ tầng cho trạm không gian Mặt trăng. Dự án này có thể khởi động vào năm 2020, trong khi các modul đầu tiên của trạm sẽ được phóng lên sau 4-6 năm.

Thám hiểm không gian, bao gồm các sứ mệnh chung trên trạm ISS, dường như là lĩnh vực duy nhất mà Nga và Mỹ có hợp tác hiệu quả từ khi Washington áp đặt hàng chục biện pháp cấm vận lên Moscow.

Tuy nhiên, với việc căng thẳng trong quan hệ hai cường quốc này chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, hợp tác trong lĩnh vực không gian giữa Nga và Mỹ có thể sẽ xấu đi trong tương lai gần, ảnh hưởng đến công cuộc thám hiểm không gian của nhân loại.

Thiện Minh
.
.
.