Hàn Quốc mua “mắt thần” E-8C JSTARS giám sát mục tiêu chiến lược của Mỹ

Thứ Sáu, 03/11/2017, 20:00

Hàn Quốc đã chính thức đưa ra yêu cầu tại Hội nghị Tham vấn An ninh thường niên với Mỹ vào cuối tháng 10 rằng Washington cần bán máy bay phản lực trang bị hệ thống Radar giám sát mục tiêu tấn công liên hoàn (JSTARS) E-8C cho Hàn Quốc, một nguồn tin chính phủ cho Báo Dong A Ilbo biết hôm 3-11.


Theo nguồn tin, Seoul đã bày tỏ ý muốn mua các hệ thống vũ khí hiện đại của Mỹ, bao gồm JSTARS trong cuộc họp. Các quan chức quốc phòng Hàn Quốc, bao gồm Bộ trưởng Song Young-moo cho biết JSTARS là một hệ thống được ưu tiên hàng đầu vì khả năng theo dõi mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân (CHDCND) Triều Tiên.

JSTARS E-8C là một loại vũ khí chiến lược cao mà Mỹ cấm bán ra nước ngoài. Tuy nhiên, Washington đang cân nhắc bán nó cho đồng minh Seoul.

Máy bay Radar chiến lược JSTARS E-8C của Mỹ. Ảnh: Không quân Mỹ

Khung thân của E-8C được cải tiến dựa trên máy bay Boeing 707-323C với các thông số cơ bản: chiều dài 46,61 m; sải cánh 44,42 m; chiều cao 12,95 m; trọng lượng rỗng 77.564 kg, trọng lượng cất cánh tối đa 152.407 kg; phi hành đoàn gồm 4 người và 18 chuyên gia kỹ thuật.

Máy bay được trang bị 4 động cơ phản lực Pratt & Whitney TF33-102C với tổng công suất 340 kN, cho tốc độ tối đa 1.010 km/h, tốc độ hành trình 722 - 945 km/h, thời gian hoạt động trên không 9 giờ liên tục.

Khi hoạt động, E-8C sẽ bay trên không trung ở tiền duyên của chiến trường nhưng có thể giám sát khu vực có phạm vi 150 x 80 km của bên địch để do thám, định vị, phân loại, theo dõi các mục tiêu của hai bên tác chiến, cung cấp tin tình báo trong thời gian thực cho trung tâm chỉ huy.

Khu vực phủ sóng do thám đối đất tiêu chuẩn của radar cơ tải trên E-8C đạt tới 512 x 512 km, có thể định vị chuẩn xác các mục tiêu như cầu, đường, ô tô, xe tăng, máy bay trực thăng bay thấp trong phạm vi cục bộ 4 x 4 hoặc 8 x 8 km.

Hình ảnh của radar và dữ liệu mục tiêu cùng hiển thị với dữ liệu bản đồ, đặc trưng địa hình và thông tin chiến thuật khác đã được lưu trữ, làm tăng tính trực quan và giá trị chiến thuật của sơ đồ cục diện chiến trường.

Trong một tuyên bố chung sau hội nghị an ninh, 2 đồng minh nhất trí tăng cường hợp tác cho phép Hàn Quốc mua lại hệ thống vũ khí hiện đại của Mỹ.

JSTARS đã đóng vai trò quan trọng trong chiến tranh Vùng vịnh và chiến tranh Iraq, lần đầu tiên được triển khai đến Hàn Quốc vào tháng 11-2010 để theo dõi sát chuyển động của quân đội CHDCND Triều Tiên ngay sau vụ pháo kích lên đảo Yeonpyeong, Hàn Quốc.

Nó cũng được triển khai đến Seoul trong cuộc tập trận hải quân chung cùng với nhóm tàu sân bay hạt nhân của Mỹ.

Trúc Phạm
.
.
.