Chậm chân 7 thập kỉ, Mỹ muốn sớm có tàu phá băng hạt nhân giống Nga
- 'Choáng' với cảnh tàu phá băng Nga lao phăng phăng trên băng dày ở Bắc Cực
- Tàu phá băng, Bắc Cực và cuộc đua “độc mã” của người Nga
- Nga hạ thủy siêu tàu phá băng hạt nhân lớn nhất thế giới
Guardian ngày 9/6 cho biết Tổng thống Donald Trump đã ban bố một biên bản ghi nhớ về Bảo vệ Lợi ích Quốc gia của Mỹ tại Bắc Cực và Nam Cực, trong đó ra lệnh xây dựng một đội tàu phá băng và căn cứ để phục vụ lợi ích của Mỹ trong cuộc đua giành ảnh hưởng với Nga và Trung Quốc.
Tài liệu yêu cầu lực lương Tuần duyên Mỹ phối hợp với Lầu Năm Góc để tính toán "trang bị phù hợp để đáp ứng các mục tiêu", bao gồm tiềm năng của tàu phá băng chạy bằng nhiên liệu hạt nhân cũng như đánh giá loại vũ khí phòng thủ có thể trang bị trên tàu.
Tàu phá băng chạy bằng nhiên liệu hạt nhân của Nga. Ảnh: Rosatom |
Trước đó, chỉ huy lực lương Tuần duyên Mỹ từng nói rằng họ có thể cần tên lửa đất đối không để bảo vệ lãnh thổ Mỹ khỏi các nguy cơ đặt ra bởi Trung Quốc và Nga.
Văn bản cũng cho giới chức Mỹ 60 ngày để lập kế hoạch xây dựng ít nhất ba tàu phá băng hạt nhân trước năm 2029 cùng việc xây dựng 4 căn cứ phục vụ chúng, gồm hai ở Mỹ và hai ở nước ngoài.
Tàu phá băng hạt nhân được xem là một trong những phương tiện chiến lược phục vụ nỗ lực tăng cường hiện diện của các nước ở Bắc Cực do khả năng phá băng mạnh mẽ, hoạt động dài ngày và có thể sản xuất nước ngọt tại chỗ.
Trên thế giới hiện chỉ có Nga sở hữu tàu phá băng hạt nhân, gồm hai tàu lớp Taymyr và hai tàu lớp Arktika. Nước này đóng xong tàu phá băng hạt nhân đầu tiên vào năm 1953. Năm 2019, Nga đã hạ thủy thêm tàu phá băng hạt nhân Amur và dự kiến biên chế vào năm nay. Đến 2035, nước này sẽ sở hữu ít nhất 9 tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Tàu phá băng hạt nhân Nga lao phăng phăng trên lớp băng dầy ở Bắc Cực. Video: Timelab |
Trong khi đó, Guardian cho biết Mỹ hiện vận hành một tàu phá băng hạng nặng Polar Star chay bằng dầu diesel, hạ thủy từ năm 1976. Các đồng minh của Mỹ gồm Phần Lan, Canada và Thụy Điển sở hữu gần 20 tàu phá băng nhưng khả năng phá băng hạn chế.
Bước đi của ông Trump được công bố trong bối cảnh cuộc đua giành ảnh hưởng ở Bắc Cực đang ngày càng nóng lên. Nga, với lợi thế về địa lý, đã đầu tư hàng tỷ USD cho tham vọng mở con đường hàng hải mới nối châu Á với châu Âu thông qua Tuyến đường phương Bắc, khai thác tài nguyên dầu mỏ, cũng như xây dựng các đơn vị quân sự mới, tân trang lại các sân bay và cơ sở hạ tầng cũ dọc bờ biển phía Bắc.
Mỹ gần đây cũng cho thấy họ không có ý định từ bỏ Bắc Cực thông qua các hoạt động quân sự chung cùng đồng minh ở khu vực.