Tàu điện tự hành của Nga sẽ hoạt động vào năm 2021

Thứ Năm, 14/02/2019, 14:51
Nga đang nỗ lực triển khai dự án tàu điện tự hành để có thể chính thức đi vào hoạt động trong năm 2021-2022. Dự án này được hợp tác đầu tư xây dựng bởi hãng sản xuất xe điện đô thị của Nga PC Transport Systems và nhà phát triển trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực xe tự hành Cognitive Technologies.

Các dự án tàu điện tự hành đang thu hút được sự chú ý, với dự án đầu tiên được triển khai tại Potsdam (Đức) vào tháng 9 năm ngoái. Không giống như xe hơi, các công nghệ tự hành cho hệ thống giao thông đường sắt ít phức tạp hơn, cho phép tàu điện áp dụng công nghệ này sớm hơn nhiều.

Hệ thống tàu điện tự hành của Nga sẽ được đưa vào hoạt động từ năm 2021.

Tính đến thời điểm này, các quốc gia xếp hàng đầu trên thế giới về tàu điện tự hành là Đức, Nga và Trung Quốc. Trong 2 tháng tới, PC Transport Systems - một hãng sản xuất xe điện đô thị của Nga - và Cognitive Technologies - một nhà phát triển trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực xe tự hành, sẽ bắt đầu thử nghiệm tàu điện tự hành của họ với một người điều khiển trong cabin bịt kín.

Ở giai đoạn tiếp theo, các thử nghiệm trên một trong những tuyến tàu điện của Moscow sẽ được thực hiện. Hệ thống tự lái trên tàu điện sẽ có thể phát hiện các phương tiện, tàu điện khác, đèn giao thông, người đi bộ, tín hiệu đường sắt và các chướng ngại vật khác một cách đáng tin cậy, có thể thực hiện dừng khẩn cấp và duy trì khoảng cách an toàn với những chiếc xe phía trước.

Dự án tàu điện tự hành của Nga đang được gấp rút triển khai.

Chắc hẳn, khi được bổ sung công nghệ tự lái trên tàu điện sẽ giúp hệ thống vận tải đường sắt trở nên an toàn hơn.

Tàu điện tự hành của Nga sẽ được trang bị từ 10 đến 20 camera gắn xung quanh thân của nó, có khả năng quét lên đến 10 radar, cảm biến GPS và bản đồ chính xác cao cho tuyến đường được chỉ định. Hệ thống thị giác máy tính dựa trên trí tuệ nhân tạo sẽ kết hợp dữ liệu thô để đưa ra hành động phù hợp trong mọi điều kiện thời tiết.

Tàu điện tự hành có thể tự phát hiện các vật cản.

Giai đoạn đầu tiên của dự án sẽ sử dụng công nghệ tự lái như một trợ lý tích cực trong các tình huống khó khăn, trong khi giai đoạn phát triển tiếp theo sẽ giữ lại một người điều khiển trong cabin như phụ lái. Tuy nhiên, người lái tàu sẽ vẫn được duy trì trong những năm tới bởi lý do tâm lý, khi mà hành khách vẫn chưa sẵn sàng cho sự vắng mặt hoàn toàn của “bác lái tàu”.

V.Cường (theo carscoops)
.
.
.