Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ: Tốc độ, quy mô phát triển phụ thuộc vào cả hai phía

Chủ Nhật, 22/05/2016, 08:20
Tốc độ, quy mô phát triển phụ thuộc vào cả hai phía là khẳng định của Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Bộ Công an trong buổi trao đổi với với phóng viên Báo CAND về chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama.


Phóng viên: Thiếu tướng có đánh giá gì về quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Người mở đầu kỷ nguyên quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ là Tổng thống Bill Clinton khi ông sang thăm Việt Nam năm 2000. Chuyến thăm được coi như là một thông điệp gửi tới 300 triệu người dân Hoa Kỳ rằng, Việt Nam là một đất nước thanh bình, ổn định về chính trị, cởi mở và thân thiện với bạn bè. 6 năm sau, năm 2006, Tổng thống George Bush (con) sang thăm Việt Nam. Nếu như Tổng thống Clinton là người mở đầu thì Tổng thống Bush là người đặt nền móng cho sự phát triển của mối quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ trên tất cả các lĩnh vực, nhưng trọng tâm là kinh tế. Từ đó tới nay, quan hệ thương mại hai chiều Việt Nam – Hoa Kỳ đã đạt 45 tỉ USD, cao gấp 90 lần so với 20 năm trước.

Phóng viên: Tại sao tới 10 năm sau kể từ chuyến thăm của Tổng thống Bush, một Tổng thống Hoa Kỳ mới sang thăm Việt Nam, thay vì 6 năm như trước đó?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Trong 2 nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Obama cũng đã nghĩ tới chuyện sang thăm Việt Nam, muốn thúc đẩy, mở rộng hơn nữa mối quan hệ với Việt Nam. Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng đã phải dành nhiều công sức để “vật lộn” với nền kinh tế trong nước, với cuộc khủng hoảng kinh tế từ tháng 9-2008. Trong gần 100 năm, Hoa Kỳ mới lại rơi vào một cuộc khủng hoảng trầm trọng như vậy. 

Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Bộ Công an.

Cũng trong thời gian đó, Tổng thống Obama cũng phải khắc phục hậu quả từ sự can dự của Hoa Kỳ vào Iraq và Afghanistan. Ngay khi việc này gần kết thúc thì lại xuất hiện cái gọi là Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Có lẽ, Tổng thống Obama đã dành quá nhiều thời gian cho việc nội bộ, Trung Đông và khủng bố nên đã phải mất tới 10 năm ông mới thực hiện được chuyến thăm này.

Phóng viên: Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Russel mới đây cho biết, nguyên tắc tổ chức chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama là “quá khứ, hiện tại và tương lai”. Thiếu tướng có nhận xét gì về điều này?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Theo tôi, yếu tố quá khứ không nhiều. Những vấn đề liên quan tới chiến tranh hiện chỉ còn một chút, cụ thể là việc tìm kiếm thi thể lính Hoa Kỳ mất tích. Về vấn đề này, Việt Nam đã làm hết sức rồi và phía Hoa Kỳ cũng đã xác nhận thái độ của phía Việt Nam là hoàn toàn nghiêm túc, cởi mở, sẵn sàng giúp họ. Yếu tố chính là hiện tại và tương lai. Hoa Kỳ mong muốn Việt Nam thể hiện vai trò quan trọng hơn nữa tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, và đặc biệt là tại ASEAN. 

Cùng với đó là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tuy nhiên, giữa Việt Nam và Hoa Kỳ không còn gì nhiều phải bàn, chỉ còn sót lại vấn đề chính trị của TPP. Đó là việc Hoa Kỳ yêu cầu Việt Nam phải cho người lao động tự tổ chức lấy thiết kế đại diện cho mình, hay nói cách khác là tổ chức công đoàn tự do. Nhưng việc này cũng không phải quan trọng. TPP sẽ được đưa lên bàn thảo luận. 

Bên cạnh đó là vấn đề quân sự, quốc phòng. Chắc là Việt Nam sẽ đề nghị Hoa Kỳ xóa bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương. Dù nội bộ Quốc hội và nghị sĩ 2 đảng của Hoa Kỳ vẫn còn tồn tại nhiều ý kiến mâu thuẫn về vấn đề này, nhưng với những thành quả hợp tác và sự tin cậy lẫn nhau trong 20 năm bình thường hóa quan hệ thì việc dỡ bỏ lệnh cấm vận có thể được diễn ra. Tuy nhiên, đây cũng không phải là vấn đề quan trọng.

Phóng viên: Theo Thiếu tướng, đâu là mục tiêu của chuyến thăm này?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Theo tôi, mục tiêu của chuyến đi này, thứ nhất, là để khẳng định với lãnh đạo Việt Nam rằng, Hoa Kỳ vẫn hiện diện tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Thứ hai, Washington vẫn đang thực hiện chiến lược quay trở lại châu Á – Thái Bình Dương và ngầm đề nghị phía Việt Nam ủng hộ chính sách này cũng như hợp tác chặt chẽ hơn nữa với Hoa Kỳ. Chúng ta phải hiểu rằng, chiến lược này của Hoa Kỳ không phải là tư duy của một nhiệm kỳ, mà kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ, nhiều đời tổng thống. Dù có là ai, ông Donald Trump hay bà Hillary Clinton, khi lên thay Tổng thống Obama vào năm 2017 cũng phải tiếp tục “xoay trục”. Chỉ có tốc độ xoay trục, quy mô xoay trục, tính chất xoay trục là khác Tổng thống Obama, chứ về bản chất thì vẫn không đổi.

Phóng viên: Xin Thiếu tướng cho biết nhận định về quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ sau chuyến thăm này?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Tôi tin rằng chuyến thăm này sẽ thành công tốt đẹp, sẽ là một cột mốc mới, chuyển biến quan trọng trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, chính trị, khoa học công nghệ, ngoại giao, an ninh – quốc phòng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Chuyến thăm cũng sẽ là đòn bẩy đưa mối đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ ngày càng sâu rộng hơn. Quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ trong tương lai chỉ có phát triển. Còn tốc độ, quy mô phát triển phụ thuộc vào cả hai phía. Chuyến thăm đồng thời giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Phóng viên: Xin chân thành cám ơn Thiếu tướng về buổi nói chuyện.

Khổng Hà (thực hiện)
.
.
.