Tổng thống Obama thăm Việt Nam: Hướng tới tương lai hơn là nhìn về quá khứ

Thứ Hai, 16/05/2016, 20:37
Chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Tổng thống Obama đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận hai nước.

Khi Tổng thống Mỹ Barack Obama đặt chân tới Hà Nội vào ngày 22/5, nhất cử nhất động của người đứng đầu Nhà Trắng ở Việt Nam sẽ được giới truyền thông theo sát. Mọi hoạt động của ông Obama sẽ xuất hiện tràn ngập trên các mặt báo, trong các bản tin bởi ông mới chỉ là Tổng thống Mỹ thứ ba tới Việt Nam kể từ sau khi chiến tranh kết thúc.

Chuyến đi mang nhiều cảm xúc

New York Times dẫn lời cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cho biết, ông đã sẵn sàng cho những cảm xúc giằng xé ùa về khi chứng kiến hình ảnh nhà lãnh đạo của nước Mỹ xuất hiện ở Việt Nam.

Ông Hagel, một cựu binh Mỹ từng có 12 tháng tham chiến ở Việt Nam: “Tôi biết những tấm ảnh đó sẽ lay động tôi. Mọi thứ trong quá khứ sẽ lại ùa về”.

Tổng thống Mỹ Barack Obama. (Ảnh: AP).

Đối với Tổng thống Obama, chuyến thăm chính thức Việt Nam không chỉ mang đến cho ông cơ hội để củng cố cam kết về chính sách xoay trục sang châu Á mà còn là cơ hội để ông làm sâu sắc hơn mối quan hệ về an ninh, kinh tế với một đối tác đang ngày càng có vai trò quan trọng trong khu vực.

Tuy nhiên, đối với một số cựu binh Mỹ - những người từng chôn vùi tuổi thanh xuân trong cuộc chiến tranh Việt Nam, chuyến thăm của ông Obama một lần nữa làm trào dâng trong họ những xúc cảm mạnh mẽ và những cuộc tranh luận dường như không có hồi kết về hậu quả của cuộc chiến năm xưa.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn: “Những bóng ma vẫn quanh quẩn đâu đây. Vẫn còn những tranh cãi về Việt Nam và ý nghĩa của cuộc chiến mà Mỹ phát động ở đất nước này”.

“Đó vẫn là nỗi ám ảnh với chúng ta. Đó là một sự lãng phí sinh mạng con người khủng khiếp và bài học từ cuộc chiến này vẫn còn nguyên giá trị”, ông Hagel nói thêm.

Ông Hagel cho biết  thêm rằng, mỗi quyết định mà ông đưa ra khi còn là lãnh đạo Lầu Năm Góc hay mỗi lời khuyên mà ông dành cho Tổng thống Obama đều bắt nguồn từ kinh nghiệm ông có được khi tham chiến ở Việt Nam.

Theo ông Hagel, khi chuẩn bị bước sang độ tuổi “xưa nay hiếm”, ông càng suy nghĩ nhiều hơn về những năm tháng tuổi trẻ; đồng thời khẳng định sẽ xem thật kỹ những bức ảnh của chuyến thămViệt Nam  lần này của ông Obama: những cánh đồng xanh mướt, con người thân thiện và chiếc nón truyền thống Việt Nam.

Một trong những trở ngại lớn nhất giữa hai quốc gia là việc có một bộ phận nhỏ người Mỹ vì lý do này hay lý do khác bị tiêm nhiễm tư tưởng cho rằng, vẫn còn lính Mỹ sống sót trong chiến tranh bị giam giữ ở Việt Nam.

Trong một phiên họp các tổ chức cựu chiến binh Mỹ diễn ra hôm 13/5 tại Nhà Trắng, một số người cho rằng, Mỹ chỉ nên tập trung vào công tác đưa hài cốt các binh sĩ hy sinh ở Việt Nam trở về quê hương. Song vẫn còn ý kiến mong muốn ông Obama hỏi nhà chức trách Việt Nam về việc có hay không tù nhân Mỹ còn sống.

Với nhiều cựu chiến binh khác, chuyến thăm của ông Obama là lời nhắc nhở tới hai thế hệ người Mỹ sinh ra sau cuộc chiến, nhấn mạnh tầm quan trọng của bài học chiến tranh đối với nước Mỹ.

Mỹ - Việt Nam khép lại quá khứ, hướng tới tương lai

Theo New York Times, Tổng thống Obama có vẻ sẽ không tập trung nhiều vào vấn đề tìm kiếm tù binh chiến tranh (POW) và lính Mỹ mất tích trong chiến tranh (MIA) như chuyến thăm của Tổng thống Bill Clinton tới Việt Nam hồi năm 2000.

Còn nhớ, trong chuyến thăm Việt Nam hồi năm 2000, ông Bill Clinton đã cùng 2 con trai của một viên phi công mất tích trong chiến tranh Việt Nam, Thượng tá Lawrence G. Evert trực tiếp dự buổi khai quật hài cốt của ông Evert ở một cánh đồng lúa cách Hà Nội khoảng gần 30km, nơi chiếc máy bay chiến đấu F-105D của Mỹ bị bắn hạ.

Trong chuyến thăm Việt Nam hồi năm 2000 trên cương vị Tổng thống Mỹ, ông Bill Clinton tập trung nhiều vào vấn đề tìm kiếm tù binh chiến tranh (POW) và lính Mỹ mất tích trong chiến tranh (MIA). (Ảnh: Getty)

Trong chuyến thăm Việt Nam lần này, Tổng thống Obama nhiều khả năng sẽ đề cao những thành tựu mà hai nước đạt được trong việc giải quyết hậu quả chất độc màu da cam. Với tư cách một Tổng thống Mỹ đến Việt Nam nhiều năm sau khi chiến tranh kết thúc, ông Obama có lẽ sẽ không thể trở thành biểu tượng giúp hàn gắn vết thương tinh thần mà vô số cựu binh Mỹ từng phải trải qua khi trở về nước từ cuộc chiến. Trong quá khứ, rất nhiều lính Mỹ đã bị coi thường trên chính mảnh đất quê nhà vì tham chiến ở Việt Nam.

“Việc không được chào đón trên mảnh đất quê hương vẫn là một nỗi sỉ nhục quốc gia”, Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ,  người từng là tù nhân chiến tranh ở Việt Nam chia sẻ.

“Họ đều là những người lính mới 18 đôi mươi đi làm nhiệm vụ vậy mà lúc trở về lại phải nhận sự ghẻ lạnh từ chính đồng bào mình”, ông McCain nói thêm.

Theo ông McCain, dù nước Mỹ giờ đây đã rút ra bài học nhưng chuyến thăm của ông Obama đến Việt Nam vẫn có thể khơi gợi lại những ký ức cay đắng trong họ.

Ông McCain cũng cho biết thêm rằng, một trong những việc khiến ông cảm thấy tự hào nhất trong  cuộc đời mình chính là nỗ lực góp phần bình thường hóa mối quan hệ Việt - Mỹ. Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa bang Arizona cũng tiết lộ ông thường xuyên quay trở lại Việt Nam sau khi chiến tranh kết thúc.

Ông McCain nói: “Người ta còn bắt gặp tôi trên đường phố Hà Nội nhiều hơn ở Phoenix”.

Theo ông McCain, chính những nỗ lực này đã giúp ông bỏ lại sau lưng những ký ức đau buồn của cuộc chiến và rằng, chuyến thăm Việt Nam của ông Obama không khuấy động nỗi đau chiến tranh trong tâm trí ông. Thay vào đó, ông có cách khác để lưu giữ những kỷ niệm dù đau buồn nhưng không được phép lãng quên.

“Đôi khi tôi vẫn thức dậy thật sớm và ghé thăm Đài tưởng niệm Chiến tranh Việt Nam khi bình minh vừa ló rạng. Đó vẫn luôn là một trải nghiệm mà tôi phải suy nghĩ và hồi tưởng về nó”, ông McCain chia sẻ./.

Theo vov.vn
.
.
.