Tìm giải pháp khôi phục bền vững rừng vùng Tây Nguyên

Thứ Hai, 20/06/2016, 13:18
Sáng 20-6, tại TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Bộ NN và PTNT, Ban Kinh tế Trung ương, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã phối hợp tổ chức Hội nghị về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị.


Tham dự Hội nghị còn có Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cùng đại diện lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, Ban chỉ đạo Tây Nguyên, Ban Chỉ đạo Tây Bắc; Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ TN và MT…cùng lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên.

Quang cảnh hội nghị.

Theo thống kê của Bộ NN và PTNT, trong vòng 5 năm (2010-2014), tổng diện tích rừng vùng Tây Nguyên đã giảm tới hơn 300.000ha, độ che phủ của rừng giảm 6,1%. Kết quả tổng điều tra kiểm kê rừng các tỉnh Tây Nguyên cho thấy, diện tích rừng có trữ lượng ở khu vực Tây Nguyên là gần 2 triệu ha (chiếm 77,6% diện tích đất có rừng với tổng trữ lượng gỗ là 302 triệu m3). Rừng tại khu vực Tây Nguyên gắn liền với đời sống đồng bào, có vị trí quan trọng về môi trường sinh thái, đa dạng sinh học và bảo vệ nguồn nước, điều tiết khí hậu.

Trong những năm qua, để phát triển lâm nghiệp các tỉnh Tây Nguyên, Đảng và Nhà nước đã có nhiều cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh khu vực này. Mặc dù vậy, đến nay lâm nghiệp Tây Nguyên tiếp tục gặp phải những khó khăn, thách thức xuất phát từ các nguyên nhân chủ quan và khách quan làm cho diện tích, chất lượng rừng ngày càng suy giảm nghiêm trọng.

Chỉ tính riêng trong vòng 5 năm (từ 2010-2014), tổng diện tích rừng Tây Nguyên đã giảm tới hơn 300.000ha, độ che phủ của rừng giảm 6,1%, xuống còn 48,5%. Không những diện tích mà cả trữ lượng cũng giảm mạnh. Trong vòng 5 năm đó, trữ lượng rừng khu vực Tây Nguyên giảm hơn 57 triệu m3, tương ứng giảm 17,4%. Trong đó, diện tích rừng được đánh giá là khu vực “rừng giàu” đã giảm gần 20 triệu m3, tương ứng 21%.

Trong khi đó, tình hình vi phạm các quy định về quản lý bảo vệ rừng có chiều hướng gia tăng. Cụ thể, trong năm 2015, lực lượng kiểm lâm đã phát hiện và xử lý hơn 6.000 vụ vi phạm các quy định về bảo vệ và phát triển rừng, tăng 463 vụ so với năm 2014.

Hiện các tỉnh Tây Nguyên có 2.062 cơ sở chế biến gỗ và đồ mộc, trong khi có tới 1.377 cơ sở sản xuất đồ mộc, thì chỉ có 685 cơ sở chế biến gỗ. Do phát triển mất cân bằng như vậy nên việc quản lý các cơ sở chế biến gỗ kém hiệu quả.

 Các cơ quan chức năng thiếu kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của các cơ sở chế biến, đặc biệt là những xưởng chế biến gỗ gần rừng, không gắn với nguồn nguyên liệu, làm gia tăng tình trạng phá rừng và mua bán gỗ bất hợp pháp tại đây.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Tại hội nghị, các đại biểu đã nêu ra những mặt tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, đồng thời cũng đã nêu ra những biện pháp, giải pháp đóng góp vào việc thực hiện tốt hơn công tác khôi phục rừng bền vững cho vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu trong thời gian tới.

Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an phát biểu đóng góp ý kiến tại hội nghị. 

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng với tình trạng suy giảm rừng tại Tây Nguyên một cách nghiêm trọng như hiện nay, việc rừng Tây Nguyên sẽ bị biến mất trong nay mai không thể tránh khỏi. 

“Để mất rừng chính là nguyên nhân chính dẫn đến biến đổi khí hậu như hiện nay. Bằng chứng là trong đợt hạn hán lịch sử vừa qua, Tây Nguyên đã phải gánh chịu những thiệt hại nặng nề từ biến đổi khí hậu”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Trước thực trạng trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo chính quyền địa phương các tỉnh Tây nguyên cần rà soát lại toàn bộ việc cấp phép cho các doanh nghiệp thực hiện dự án trên đất rừng, qua đó phát hiện, xử lý nghiêm những đơn vị để xảy ra sai phạm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, không để xảy ra tình trạng các doanh nghiệp lợi dụng việc cấp phép dự án để tàn phá rừng; các cấp, các ngành cần vào cuộc quyết liệt hơn để nhằm ngăn chặn, xử lý kịp thời có hiệu quả nạn phá rừng.

Yêu cầu cấp ủy chính quyền các địa phương phối hợp cùng các lực lượng chức năng như công an, kiểm sát, tòa án, quân đội, kiểm lâm…vào cuộc để đấu tranh có hiệu quả với nạn phá rừng; làm rõ trách nhiệm và đưa ra xử lý nghiêm đối với các cá nhân và tập thể thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng nhưng để xảy ra nhiều sai phạm, để mất rừng.

Rà soát, kiểm tra lại việc cấp phép cho các cơ sở chế biến gỗ rừng tự nhiên, qua đó phát hiện những sai phạm để xử lý nghiêm; sắp xếp lại các nông lâm trường, các cơ ban quản lý để rừng có chủ, đất rừng có chủ, không phát canh thu tô đất rừng và rừng trong khi người dân không có đất trồng rừng; 

Ngừng cấp phép các công trình thủy điện liên quan đến chiếm đất rừng và rừng, yêu cầu các dự án thủy điện thực hiện nghiêm việc trồng rừng thay thế, kiên quyết thu hồi giấy phép, ngừng hoạt động những dự án không chấp hành trồng rừng thay thế và chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Thực hiện nghiêm Nghị định 75 của Chính phủ về việc thực hiện chính sách mà người giữ rừng, người trồng rừng có thể sống được với nghề rừng; chính quyền các tỉnh Tây Nguyên và các bộ, ngành liên quan thực hiện tốt việc tôn vinh những tập thể, cá nhân, những lực lượng nòng cốt có liên quan thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng. 

Bên cạnh đó, cần nghiêm khắc xử lý, điều tra, truy tố, xét xử những tập thể, những cá nhân, những đường dây buôn lậu gỗ, các băng nhóm xã hội có liên quan đến việc phá rừng.

Chủ tịch UBND các tỉnh Tây Nguyên chịu trách nhiệm chính trong việc địa phương để mất rừng; mỗi địa phương cần quán triệt, giao nhiệm vụ công tác bảo vệ rừng từ tỉnh xuống huyện, xã, cấp kinh phí theo và bố trí cán bộ kiểm lâm xuống địa bàn theo quy định để phục vụ tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng…

Văn Thành
.
.
.