Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh trong phong trào thi đua "Vì an ninh Tổ quốc"
- Biểu dương 162 điển hình tiên tiến phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc” đất Cảng
- Ghi ở đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua Vì An ninh Tổ quốc
- Tôn vinh các điển hình trong phong trào thi đua Vì An ninh Tổ quốc đất Mỏ
Lời kêu gọi của Người như tiếng trống lệnh, khởi đầu một phong trào thi đua yêu nước, có sức lan tỏa rộng rãi trong các ngành, các lực lượng, từng cơ quan, đơn vị và mỗi con người Việt Nam yêu nước, tạo ra động lực tinh thần vô cùng to lớn, góp phần đưa cách mạng nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Trong Lời kêu gọi thi đua ái quốc, Người nhấn mạnh: “Bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh; bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua nhau”. Người chỉ ra những lợi ích thiết thực của thi đua: “Thi đua ái quốc là ích lợi cho mình, ích lợi cho gia đình và ích lợi cho làng, cho nước, cho dân tộc”(1) và “Thi đua là một cách rất tốt, rất thiết thực để mọi người tiến bộ”(2). Người cho rằng, khi mọi người hiểu rõ lợi ích của thi đua sẽ gắn kết với nhau, biến sức mạnh riêng lẻ của từng cá nhân thành sức mạnh dân tộc để hoàn thành nhiệm vụ cách mạng. Về cách thức tổ chức phong trào thi đua, Người luôn căn dặn: “Kế hoạch phải thiết thực. Tổ chức phải hẳn hoi. Lãnh đạo phải chặt chẽ.
Phân công phải rõ ràng. Mọi việc phải dân chủ. Thi đua phải bền bỉ”(3). Theo Người: “Nội dung kế hoạch thi đua phải thiết thực, rõ ràng, đúng mực”(4). Khi nội dung thi đua được xác định, phải đề ra mục tiêu, mức độ phấn đấu phù hợp với tình hình thực tế. Chỉ tiêu thi đua phải cụ thể, không nêu chung chung, không đặt ra mức thi đua quá cao hoặc quá thấp để mọi người đều có thể phấn đấu thực hiện. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Mức thi đua phải tiến dần dần và tiến mãi mãi”(5), có nghĩa là chỉ tiêu thi đua của mỗi cơ quan, đơn vị, cá nhân được xây dựng từ thấp đến cao, thành tích năm sau cao hơn năm trước và cố gắng duy trì ở mức cao. Với lực lượng CAND, Người căn dặn: “Thi đua phải có điều kiện, điều kiện thế nào các chú thảo luận với nhau”(6). Điều kiện ở đây theo quan niệm của Người chính là các chỉ tiêu thi đua, chỉ tiêu ấy phải phù hợp với tính chất, đặc điểm, yêu cầu, nhiệm vụ, tình hình thực tiễn và có thể áp dụng đối với mọi đơn vị.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, thi đua là động lực thúc đẩy phong trào cách mạng đi lên, cần được tổ chức một cách thường xuyên, liên tục, nếu không thì động lực ấy sẽ không còn được duy trì, phong trào thi đua gián đoạn sẽ làm cho tinh thần hăng hái của mọi người bị giảm sút. Cho nên, với lực lượng CAND, Người căn dặn: “Phong trào thi đua phải làm bền bỉ, liên tục”(7). Người nêu rõ, để phong trào thi đua đạt hiệu quả cao thì phải có sự đánh giá, tổng kết thực tiễn, trên cơ sở đó rút ra những bài học kinh nghiệm và đề ra những nội dung phù hợp, sát với thực tiễn của phong trào.
Tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 14 (tháng 1/1960), Người căn dặn: “Bộ Công an phải tổ chức, theo dõi và tổng kết thi đua cho tốt”. Theo Người, việc khen thưởng phải công bằng, chính xác, thành tích đến đâu, khen thưởng tới đó, lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị làm căn cứ bình xét thi đua, khen thưởng. Khen thưởng đúng người, đúng việc sẽ có tác dụng động viên và thúc đẩy phong trào thi đua phát triển mạnh mẽ, liên tục.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước là định hướng cơ bản cho phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc” của lực lượng CAND gần 75 năm qua. Thấm nhuần tư tưởng về thi đua yêu nước của Người, cấp ủy và thủ trưởng Công an các cấp trong CAND thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức có hiệu quả phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc”, tạo ra khí thế thi đua sôi nổi, có tác dụng thúc đẩy mọi mặt công tác của lực lượng CAND.
Thông qua phong trào thi đua, giữa Công an các đơn vị, địa phương đã có sự gắn kết, hiệp đồng chặt chẽ; sự cạnh tranh lành mạnh trong thi đua giữa cán bộ, chiến sĩ đã thúc đẩy tính tích cực, sự tự giác rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức, say mê học tập, trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao. Đó là yếu tố thúc đẩy phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc” ngày càng phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu, thực sự trở thành động lực tinh thần to lớn, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị và xây dựng lực lượng CAND ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc” luôn được gắn với việc thực hiện chương trình, kế hoạch công tác hằng năm của toàn lực lượng CAND và công an các đơn vị, địa phương. Ngay từ đầu năm, các cụm thi đua đều tiến hành rà soát, xây dựng tiêu chí, thang bảng điểm thi đua và tổ chức ký kết giao ước thi đua giữa các đơn vị; từng đơn vị và cán bộ, chiến sĩ đăng ký danh hiệu thi đua.
Định kỳ hằng quý và sơ kết 6 tháng đầu năm, các cụm thi đua đều tổ chức kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các tiêu chí và tiến hành chấm điểm thi đua, làm căn cứ cho việc bình xét, suy tôn các danh hiệu thi đua cuối năm. Công an các đơn vị, địa phương đã xây dựng kế hoạch, phát động phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc” với mục tiêu, yêu cầu, nội dung, biện pháp thực hiện cụ thể phù hợp với tình hình, đặc điểm, nhiệm vụ chính trị của đơn vị mình.
Phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc” được lồng ghép với các phong trào thi đua khác và gắn với các cuộc vận động, các đợt sinh hoạt chính trị nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện chính trị quan trọng của đất nước và của lực lượng CAND.
Tùy theo tình hình, đặc điểm, yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể, phong trào thi đua của Công an các đơn vị, địa phương được tổ chức theo nhiều mô hình, tên gọi khác nhau và với những khẩu hiệu hành động khác nhau… Tất cả đều hướng tới mục tiêu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và xây dựng lực lượng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
Trong phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc” đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, lập nhiều thành tích xuất sắc trong công tác và đấu tranh phòng, chống tội phạm, được Đảng và Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý.
Đến nay, trong toàn lực lượng CAND đã có: 13 tập thể, 4 cá nhân được tặng Huân chương Sao vàng; 89 tập thể, 11 cá nhân được tặng Huân chương Hồ Chí Minh; 693 lượt tập thể, 408 cán bộ, chiến sĩ được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; 1 tập thể và 1 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới; hàng nghìn tập thể, cá nhân được tặng thưởng Huân chương Độc lập, Huân chương Quân công, Huân chương Chiến công, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc, Huân chương Lao động; hàng vạn tập thể và cán bộ, chiến sĩ được tặng Kỷ niệm chương Bảo vệ an ninh Tổ quốc, Huy chương các loại và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Hằng năm, có hàng chục “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”, hàng trăm “Chiến sĩ thi đua toàn lực lượng CAND” và hàng nghìn “Chiến sĩ thi đua cơ sở” được tôn vinh.
Song, kết quả lớn nhất của phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc”, đó chính là bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Muốn tàu chạy, phải có đầu tàu kéo. Muốn thi đua mạnh, phải có động lực”(8). Động lực đó, chính là vai trò tiên phong, là trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy và thủ trưởng đơn vị. Vì vậy, để phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc” phát triển sâu rộng, có sức lan tỏa mạnh mẽ, người đứng đầu cấp ủy, lãnh đạo, chỉ huy đơn vị và mỗi đảng viên CAND cần phát huy tốt vai trò tiên phong, gương mẫu đi đầu, thực sự là hạt nhân, là “đầu tàu kéo” của phong trào.
-----------------------------
(1) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb.CTQG, H.2011, t6, tr.170;
(2), (4), (5) Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, t.7, tr.146, 146, 405;
(3) Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, t.8, tr.525;
(6), (7) Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, t.13, tr.353, 351;
(8) Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, t.10, tr.281.