Siết chặt kỷ luật, kỷ cương để “Đảng là đạo đức, là văn minh”(!)

Chủ Nhật, 23/04/2017, 08:53
Nếu mỗi “tế bào” của Đảng, tức những đảng viên, không tiếp tục thấm nhuần, rèn luyện và gìn giữ để “Đảng là đạo đức, là văn minh”, Đảng ta sẽ khó hoàn thành được trọng trách - sứ mệnh: “Lãnh đạo thành công sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế, vì một Tổ quốc Việt Nam XHCN dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.”

Dư luận cả nước những ngày qua đang quan tâm đến những vụ việc có liên quan đến thái độ hành xử của một số cán bộ chủ chốt ở các địa phương. Điều đáng nói là những vụ việc này lại được bắt nguồn từ những nguyên nhân không đáng có.

Gần nhất là chuyện hai cán bộ chủ chốt Sở TN&MT tỉnh Kon Tum xô xát nhau khi trên đường công tác trở về.

Từ một mâu thuẫn nhỏ trên bàn nhậu trước đó, ông Trưởng phòng Tài nguyên nước Cao Minh Phương và ông Chi cục phó Chi cục quản lý đất đai Diệp Xuân Vinh khi rời quán lên xe để cùng 6 thành viên còn lại trong đoàn công tác trở về Kon Tum đã cãi vã, thậm chí ông Phương đã đánh ông Vinh đến chảy máu mũi. Ông Vinh sau khi về nhà, đã  cùng nhiều người khác kéo đến nhà ông Phương để “quậy” trả đũa, thậm chí dọa chém gia đình ông Phương gây náo loạn khu dân cư.

Đọc những dòng thông tin thuật lại việc này trên báo chí, nhiều người không nghĩ rằng đó là lối “hành xử” của cán bộ, chứ đừng nói là cán bộ chủ chốt. Sau sự việc, dù vẫn phải chờ thêm kết luận từ Công an (liên quan đến việc xảy ra tại nhà riêng ông Phương), nhưng lãnh đạo Sở này đã xử trước một bước là phê bình 2 người, trong đó có ông Đạt; cảnh cáo hai ông Phương và Vinh; khiển trách 2 cán bộ còn lại đi cùng; đồng thời cho biết sẽ có hình thức kỷ luật tương xứng về mặt Đảng.            

Cán bộ chủ chốt là đảng viên, là công bộc, đầy tớ trung thành phục vụ nhân dân. Không làm được việc tốt, việc có lợi cho dân đã thuộc diện “phải xem lại”; đằng này họ lại làm việc phản cảm, thiếu chuẩn mực, không chỉ gây tổn hại đến hình ảnh cán bộ, đảng viên, đơn vị mình mà còn gây bất bình trong dư luận.

Điểm thêm một số vụ việc xảy ra tại An Giang (Phó phòng NN&PTNT huyện Tri Tôn dùng súng nhựa dọa dân), tại Đắk Lắk, Phó Ban nội chính tỉnh và con trai xây biệt thự không phép; và một cựu ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy tỉnh có con riêng với một phụ nữ hay như vụ việc đang được bàn tán tại Sóc Trăng (giám đốc một DN nhà nước xây biệt thự “lụi” tiền tỷ trên đất nông nghiệp), khi nhận được thông tin, lãnh đạo và cấp có thẩm quyền các địa phương đều rốt ráo tiếp thu góp ý, đồng thời xử lý khá nghiêm khắc đối với cán bộ sai phạm để kéo giảm bớt sự ảnh hưởng.

Đạo đức cách mạng là nền tảng, là cội nguồn làm cho bản chất Đảng ta luôn được giữ vững, ưu việt. Sức mạnh của Đảng được hội tụ chính từ sức mạnh của từng đảng viên, tất nhiên đấy là đảng viên có nhân cách, đạo đức chuẩn mực.

Ngay từ lúc sáng lập Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Người cho rằng để làm tròn sứ mệnh của mình, không phải chỉ có lý luận Mác – Lê nin tiên phong dẫn đường, mà Đảng còn phải tiêu biểu cho đạo đức và văn hóa.

 Người căn dặn mỗi cán bộ, đảng viên phải xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ tận tụy và trung thành của nhân dân, cũng xuất phát từ ý nghĩa đó.

Tôi rất tâm đắc với quan điểm của GS,TS. Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương khi ông cho rằng, cần phải đặt lên hàng đầu tiêu chuẩn về đạo đức cách mạng, “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư” khi xem xét kết nạp, đánh giá đảng viên và tổ chức Đảng; khi lựa chọn, tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đặc biệt ở cấp chiến lược.

Lẽ dĩ nhiên, đạo đức phải gắn chặt với tài năng, đảm bảo người trong Đảng (đảng viên) và người được Đảng, Nhà nước, Mặt trận, đoàn thể lựa chọn làm cán bộ lãnh đạo, quản lý phải là người thực đức và thực tài.

“Tập trung thực hiện mục tiêu: xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức”, là một trong những điểm mới, rất căn bản và trọng yếu, được Đảng ta đề ra tại Đại hội XII.

Theo GS Hoàng Chí Bảo, đây là lần đầu tiên Đảng ta đưa nội dung xây dựng Đảng về đạo đức- một nội dung quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, vào trong Văn kiện. Nguyên nhân là Đảng đã thấy rõ, nếu thực hiện tốt nội dung này, sẽ góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, đảm bảo cho Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức.

Gắn liền với việc chấn chỉnh đạo đức, theo GS Hoàng Chí Bảo, phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương theo “bộ luật tối cao” của Đảng – tức Điều lệ Đảng; theo Hiến pháp và luật pháp. Xử lý phải nghiêm minh, công khai, tôn trọng và thực hiện đúng quyền bình đẳng của tất cả đảng viên trước Điều lệ Đảng, của tất cả các công dân trước Hiến pháp và luật pháp, không có ngoại lệ, không có vùng cấm. Chỉnh đốn Đảng, trước hết phải chỉnh đốn về đạo đức, tức là phải có những biện pháp mạnh để thanh lọc “những con sâu làm rầu nồi canh” để lấy lại sự trong sạch và sự công bằng chính trực của Đảng.

Đảng ta đã trải qua chặng đường 86 năm vẻ vang, trong đó có 30 năm Đảng lãnh đạo thắng lợi công cuộc đổi mới và hiện đang tiếp tục “xông trận” cho cuộc đổi mới lần hai được xem như là một sứ mệnh không thể khác.

Đảng ta là Đảng cầm quyền, lại duy nhất cầm quyền, thực thi trọng trách nặng nề nhưng hết sức vẻ vang được dân tộc và nhân dân ủy thác: Lãnh đạo thành công sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế, vì một Tổ quốc Việt Nam XHCN dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Nếu mỗi “tế bào” của Đảng, tức những đảng viên, không tiếp tục thấm nhuần, rèn luyện và gìn giữ để “Đảng là đạo đức, là văn minh”, Đảng ta sẽ khó hoàn thành được trọng trách - sứ mệnh vẻ vang đó.

Thái Bình
.
.
.