Sau vụ “nhận chìm bùn”, cần “tính sổ” với chất thải xỉ than

Thứ Ba, 22/08/2017, 09:25
Việc Thủ tướng Chính Phủ chấp thuận theo kiến nghị của Bộ TN&MT và UBND tỉnh Bình Thuận là không nhận chìm 1 triệu m3 bùn cát nạo vét của Công ty THHH Điện lực Vĩnh Tân 1 xuống vùng biển Tuy Phong được dư luận đồng tình ủng hộ. 


Đặc biệt là đối với người dân Bình Thuận vì với quyết định của Thủ Tướng, Khu bảo tồn biển (KBTB) Hòn Cau đã được “cứu nguy” và ngư dân không còn phải lo lắng trước sự tác động môi trường làm ảnh hưởng đến cuộc sống mưu sinh của họ. 

KBTB Hòn Cau được thành lập vào cuối năm 2010 thuộc vùng biển Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận với diện tích được xác lập là 12.500ha, trong đó, diện tích biển là 12.360 ha, diện tích đất 140ha. Mục đích thành lập KBTB Hòn Cao nhằm duy trì và bảo vệ tài nguyên biển, bảo vệ sự đa dạng sinh học, bảo vệ nơi quần cư của các loài sinh vật biển. Đồng thời tạo điều kiện để phát triển kinh tế, du lịch sinh thái, quản lý và sử dụng bền vững nguồn lợi thủy sản. Theo các nhà chuyên môn, khu vực biển thuộc xã Vĩnh Tân (Tuy Phong, Bình Thuận) nằm trong vùng nước trồi đặc trưng của khu vực Nam Trung Bộ, có năng suất sinh học cao, thuận lợi cho việc phát triển nguồn lợi hải sản. 

Trữ lượng cá bình quân của khu vực Bình Thuận ước khoảng 240 ngàn tấn thì khu vực Hòn Cau chiếm 25% với các loài cá chính: cơm, trích, nục, ngân, ngừ và mực.
Chính vì vậy mà khi được lấy ý kiến tham vấn trong quá trình lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1, Ban quan ly KBTB Hòn Cau đã đề nghị bổ sung nội dung “các tác động đến hệ sinh thái vem bờ và rạn san hô trong khu vực bảo tồn Hòn Cau” và “việc đánh giá tác động của dự án đối với hệ sinh thái trước và sau khi thi công cần lập 1 báo cáo riêng, có sự tham gia của cơ quan chuyên môn và Ban quản lý KBTB Hòn Cau”. 

Còn theo báo cáo ĐTM dự án đầu tư xây dựng bến chuyên dùng phục vụ nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 (nơi nạo vét bùn) cho biết, khu vực Hòn Cau có 134 loài san hô, trong đó có nhiều loài chỉ có ở vùng biển này. Các rạn san hô ở Hòn Cau hầu như chưa bị tác động và có độ che phủ đến khoảng 43%. Đây là khu vực có tính đa dạng sinh học cao nhất về hệ san hô mềm tại Việt Nam với khoảng hơn 65 chi. Ngoài ra tại đây còn có những diện tích nhỏ các trảng cỏ biển. 

Tại vùng biển này có 324 loài cá, 119 loài thân mềm, 32 loài da gai kích thước lớn và 46 loài giáp xác, bò sát, trong đó có nhiều loại quan trọng và giá trị kinh tế cao như tôm hùm bông, tôm hùm đỏ, rùa xanh, đồi mồi…Hòn cau được các nhà khoa học xếp vào tốp đầu về giá trị sinh thái. Tuy nhiên, do tình trạng khai thác hải sản không hợp lý trong thời gian dài đã làm suy kiệt hệ động thực vật tại đây. 

Khu vực dự án nạo vét ở nhiệt điện Vĩnh Tân 1.

Cũng trong báo cáo, về vị trí đổ bùn cát nạo vét, cân nhắc từ góc độ kinh tế và môi trường có thể thấy 1 điểm đổ phù hợp trên biển cần đáp ứng đủ 5 yêu cầu mà 1 trong số đó là “nơi không có các hệ sinh thái cần bảo vệ”!. Trong khi đó Hòn Cau lại rất cần sự bảo vệ hệ sinh thái tại đây!

Bên cạnh nguồn lợi thủy sản sẵn có, Bình Thuận cũng được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu trong nuôi trồng thủy sản. Toàn tỉnh có 121 hộ nuôi lồng trên biển Tuy Phong và Phú Qúy, sản lượng ước đạt 140 tấn, gồm các loài cá, đặc sản có giá trị kinh tế cáo như cá mú, cá hồng, cá cam, cá bóp, tôm hùm…

Đặc biệt, sản xuất tôm giống được xem là lợi thế nổi trội của tỉnh mà Vĩnh Tân là khu vực tôm giống trọng điểm của cả nước. Nếu như mỗi năm sản lượng tôm giống toàn tỉnh khỏang 17-18 tỷ post thì Vĩnh Tân chiếm khoảng 25%.Từ các số liệu này cho thấy, những người có trách nhiệm liên quan đến dự án nhấn chìm gần 1 triệu m3 bùn cát đều đã biết rất rõ tầm quan trọng của KBTB Hòn Cau cũng như khu vực biển Tuy Phong nhưng vì sao dự án vẫn được cấp phép? 

Song song với việc đổ bùn cát nạo vét ở khu vực nhiệt điện Vĩnh Tân, người dân địa phương đang hết sức lo ngại về vần để xỉ than. Bởi ở Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân có đến 4 nhà máy hoạt động sẽ thải ra một lượng tro xỉ rất lớn. Riêng nhiệt điện Vĩnh Tân 1, theo ước lượng của nhà máy, trong quá trình sản xuất sẽ thải ra khoảng 1,618 triệu tấn/năm. 

Xỉ đáy lò sẽ được vận chuyển từ nhà máy đến bãi xỉ cách đó khoảng 1,5km. Đây là khu vực có diện tích gần 60ha, chiều cao đắp xỉ là 15m, có 3 cạnh tựa vào núi. Để ngăn chặn tro và xỉ chảy ra khỏi đê, một lớp màn chống thấm và lớp đá dăm đệm dày 20mm sẽ được trải ở mặt trong của bãi xỉ. Hệ thống thoát nước trong sân tro bao gồm các hố thu nước, hệ thống kênh dẫn nước và cống hộp ngầm dưới bãi xỉ. Trong mùa mưa, nước mưa trên bề mặt bên trong bãi thải đi theo cống hợp đến các hố thu. Nước thấm qua xỉ được đưa vào hệ thống cống hộp bằng hệ thống kênh dẫn nước ngầm và đưa vào hố thu. Sau khi lắng, nước sạch sẽ dùng để tưới ẩm xỉ…

Về hàm lượng bụi khuếch tán từ khu vực bãi xỉ than ứng với diện tích bãi xỉ qua nghiên cứu cho thấy, lượng bụi có tải lượng là 14,1kg/h, nồng độ bụi trung bình tại bãi xỉ là 2,63mg/m3 lớn hơn giá trị cho phép trong QCVN 05:2013/BTNMT. Vì vậy, nhà máy đã đề ra nhiều biện pháp giảm thiểu tại khu vực bãi xỉ để tránh phát tán bụi gây ô nhiễm môi trường xung quanh khu vực vực án…

Với báo cáo ĐTM như vậy, theo các nhà chuyên môn, nhà quản lý là rất an tâm nếu như thực hiện đúng như những gì thể hiện. Tuy nhiên, người dân vẫn luôn cảm thấy bất an vì báo cáo ĐTM họ không được rõ; việc thiết kế, xây dựng bãi xỉ thế nào họ cũng không chứng kiến tận mắt. Cho nên họ không thể ngăn chặn trước hậu quả xảy ra mà chỉ đến khi nào ô nhiễm môi trường ảnh hưởng  mà họ thấy bằng mắt, sờ bằng tay, ngửi bằng mũi…thì họ mới kêu ca. Mà đến lúc đó có khi là đã muộn vì việc khắc phục ô nhiễm môi trường khó có thể trở lại như lúc ban đầu?    

Không chỉ có người dân mà ngay cả lãnh đạo của tỉnh Bình Thuận cũng lo lắng các chủ đầu tư không thực hiện tốt báo cáo ĐTM. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư tỉnh ủy Bình Thuận đã cho biết như vậy trong lần trao đổi với chúng tôi vào ngày 4-8-2017. 

Theo ông Hùng, bản thân ông cũng đang rất mong muốn có một báo cáo ĐTM chiến lược tổng thể cho tất cả các nhà máy và tất cả các chủ dự án thực hiện đúng như cam kết trong ĐTM. Về vấn đề tro xỉ, ông Hùng nói đã có hướng xử lý là dùng trong việc san lắp mặt bằng nhưng các cơ quan trung ương chưa đồng nhất với nhau. 

“Trong quá trình giám sát, chúng tôi lấy mẫu xỉ đi kiểm nghiệm xem có đúng như báo cáo ĐTM của họ hay không thì kết quả cho thấy, đây là chất thải thông thường chứ không phải chất thải độc hại. Cho nên nếu sử dụng xỉ để làm vật liệu bồi nền thì rất phù hợp vì  giá cả thấp.

Hiện nay nhiều khu công nghiệp ở Bình Dương, Đồng Nai có khu cầu san lấp mặt bằng khá cao, mỗi khu vài triệu m3 là chuyện bình thường. Tuy nhiên, nếu sử dụng xỉ thì phải có tiêu chuẩn, quy chuẩn hẳn hoi, nếu không thì không ai dám sử dụng. Mà việc xây dựng các tiêu chuẩn, quy định sử dụng xỉ thuộc thẩm quyền của các Bộ, ngành trung ương”- Ông Hùng cho biết và đây cũng là vần đề cấp thiết mà tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Thuận đã kiến nghị đến cấp trên. 

Mã Hải
.
.
.