Dân hạ du lo ngay ngáy vì những "quả bom" thủy điện

Thứ Bảy, 17/09/2016, 09:01
Đã 3 ngày trôi qua, kể từ khi xảy ra sự cố vỡ hầm dẫn dòng công trình thủy điện Sông Bung 2 (TĐSB2), chúng tôi về xã miền núi Đại Sơn, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam - vùng hạ du sông Vu Gia, những người dân tại đây vẫn chưa hết bàng hoàng. 

Khi nước từ thượng nguồn tràn về như thác, người dân hoảng hốt dắt díu chạy trốn lên núi để thoát thân tạo ra một khung cảnh hỗn loạn chưa từng có…

Ông Ngô Vinh, Chủ tịch UBND xã Đại Sơn cho biết, việc người dân địa phương trốn chạy lên núi vì có thông tin vỡ đập TĐSB 2, xảy ra vào lúc 16h30 ngày 13-9, từ người thân của một số gia đình làm ăn trên khu vực sông Bung thông báo về. Thông tin nhanh chóng được lan truyền khiến người dân trong xã hoang mang, tự động thu gom đồ đạc rủ nhau tìm nơi lánh nạn.

Đến 16h45 cùng ngày, khi chính quyền xã Đại Sơn biết tin về sự cố vỡ hầm dẫn dòng tại TĐSB2 đã lên loa phát thanh để thông báo, tuyên truyền người dân an tâm, song đã muộn, hàng trăm người dân trong xã đã kéo nhau vào núi. “Đúng là chưa bao giờ địa phương chúng tôi lại có trường hợp chạy lánh nạn nhiều như thế.

550 hộ với hơn 2.110 nhân khẩu của 7 thôn trong xã đã di chuyển đến các điểm cao ráo tụ họp trú ẩn. Sau quá trình nỗ lực tuyên truyền, đến 19h ngày 13-9 mới có 150 hộ, với 620 nhân khẩu trở về nhà, đến 22h thì lượng người gần như đã về nhà hết, chỉ còn lại người già, phụ nữ, trẻ em vẫn còn trú ẩn trên rừng đến sáng hôm sau mới chịu về nhà”.

Theo ông Vinh, sở dĩ người dân xã Đại Sơn rất “nhạy cảm” với thông tin liên quan đến thủy điện vì năm 2013, trên địa bàn có mưa lũ lớn cộng với các thủy điện ở thượng nguồn xả lũ đã khiến nước sông Vu Gia dâng cao nhanh và chảy xiết, nhiều khu dân cư bị đe dọa. 32 hộ dân với 115 nhân khẩu đã phải sơ tán khẩn cấp trong đêm; gây thiệt hại lớn về kinh tế cũng như hoa màu, đất sản xuất cho người dân…

Vụ vỡ ống dẫn dòng công trình Thủy điện Sông Bung 2 khiến người dân vùng hạ du lo âu.

Người dân đã từng chứng kiến do thủy điện xả lũ kết hợp mưa lớn đã tạo nên một cột nước cao cả 4-5m từ thượng nguồn tràn về, cuốn trôi nhiều tài sản, vật nuôi, hoa màu và họ cũng phải dắt díu chạy lên núi để lánh nạn. Do đó mà ai cũng lo lắng mỗi khi đến mùa mưa bão. Vào mùa mưa, không ai dám đi làm ăn xa, chỉ quanh quẩn làm thuê, làm mướn gần nhà để khi có nước dâng cao đột ngột thì còn đưa người nhà đi sơ tán...

Qua tìm hiểu được biết, vào năm 2009, khi thủy điện A Vương xả lũ đột ngột khiến nhiều vùng ở hạ du vùng Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn… bị lũ kép gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Tiếp theo đó, từ năm 2012, thủy điện Sông Tranh 2 gây động đất, rò rỉ nước ở thân đập cũng làm người dân quanh vùng dự án và vùng hạ du đã nhiều năm qua “ăn không ngon, ngủ không yên”. TĐSB2 mới được tích nước từ ngày 3-9 thì đến ngày 13-9 xảy ra sự cố.

Hồ chính cũng chỉ mới tích nước được gần 30 triệu mét khối trong số 94 triệu mét khối của dung tích hồ nhưng đã xảy ra sự cố vỡ cống dẫn dòng. Cống dẫn dòng này nằm sâu dưới đáy hồ (có chiều cao 14m, rộng 12m), khi các đơn vị đang thi công để lấp vĩnh viễn cống dẫn dòng này thì nước lũ về gây bục cống dẫn đến sự cố.

Chủ đầu tư giải thích cho rằng, do lũ lớn về đột ngột do ảnh hưởng bão số 4 làm cống dẫn dòng bị bục và một lượng lớn nước tràn về hạ du gây ngập. Đặt tình huống vỡ đập Sông Bung 2 có ảnh hưởng đến hạ du?

Ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam cho rằng, đập TĐSB2 có dung tích gần 100 triệu mét khối; tuy nhiên hồ đang tích nước nên lượng nước cũng không đầy hồ. Khi nước ở TĐSB2 chảy xuống thì hồ thủy điện Sông Bung 4 sẽ “hứng” hết vì lòng hồ Sông Bung 4 có khoảng 550 triệu mét khối.

Kể cả lượng nước trong hồ Sông Bung 2 đầy chảy xuống hết thì cũng không đủ cho Sông Bung 4 chứa. Hơn nữa đã có quy định vận hành liên hồ chứa nên các hồ thủy điện ở thượng nguồn của Quảng Nam đều phải tuân thủ theo quy định… Lý thuyết thì vậy, nhưng qua sự cố đã thấy “nhỡn tiền” ở hạ du.

Hiện trường sau sự cố vỡ ống dẫn dòng công trình Thủy điện?Sông Bung 2.

Về vấn đề trên, GS.TS. Nguyễn Thế Hùng, Trưởng bộ môn cơ sở kỹ thuật thủy lợi, Khoa Xây dựng thủy lợi – thủy điện, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, nêu ý kiến: Đằng sau đập thủy điện mà có vùng dân cư quan trọng thì người ta phải có đập phụ, khi có sự cố thì đập phụ này vỡ để bảo vệ đập chính, sau đó khắc phục lại không tốn kém nhiều.

Vấn đề dân cư vùng hạ du thì nước từ đập phụ chảy ra không nhiều lắm, hơn nữa đập phụ sẽ được xây dựng để chảy ra ở vùng dưới đó không có dân. Quan trọng hơn, các hồ chứa thủy điện phải có phương án vỡ đập thì nước lũ đi đường nào. Đến khi đập vỡ thì thông báo cho người dân di chuyển lên vùng an toàn. Cần phải có kịch bản trước và đặt một bài toán giả định…

Tổng Công ty Phát điện 2 (GENCO2) cho biết, đến sáng 16-9, công trình hồ chứa TĐSB2 đã được tháo cạn nước thông qua hầm dẫn dòng về hạ lưu. Tất cả các hạng mục công trình chính hoạt động bình thường, đảm bảo an toàn. Hiện 5 xã thuộc khu vực hạ du đều đã liên lạc được với toàn bộ các cá nhân mà trước đây chưa liên lạc được. GENCO2 và Ban QLDA đã phối hợp với chính quyền địa phương thăm hỏi và động viên, hỗ trợ ban đầu thực phẩm và tiền cho 3 gia đình chịu ảnh hưởng của sự cố và đang tiếp tục kiểm kê, đánh giá để tiến hành khẩn trương đền bù nhằm sớm ổn định cuộc sống cho người dân bị ảnh hưởng.

Chiều 16-9, ông Ngô Việt Hải, Tổng giám đốc Tổng Công ty Phát điện 2 (GENCO2) cho biết, lúc 13h40 ngày 16-9, lực lượng tìm kiếm đã vớt lên một thi thể nam ở vị trí sau lán thi công của một đơn vị thi công bảo dưỡng đường lên TĐSB2, nghi thi thể của công nhân bị mất tích. Địa điểm phát hiện được thi thể này nằm trên dòng sông Bung đoạn chảy qua địa bàn xã Zuôih, cách nơi xảy ra sự cố khoảng 25km. Tuy nhiên, cơ quan chức năng chưa xác định được thi thể này là của ai và đang chờ giám định của cơ quan chức năng cũng như người nhà của các nạn nhân mất tích đến nhận dạng. Như Báo CAND đã thông tin, sự cố vỡ hầm dẫn dòng tại công trình TĐSB 2 đã khiến cho 2 công nhân đang thi công tại đây bị mất tích gồm Đặng Văn Tuyền (37 tuổi, quê Hải Dương) và Nguyễn Minh Luân (24 tuổi, quê Phú Thọ).

Theo số liệu thống kê, sự cố tại TĐSB2 đã gây thiệt hại hơn 5 tỷ đồng đối với người dân các xã vùng hạ du thân đập thuộc huyện Nam Giang. Để hỗ trợ cho các hộ dân bị thiệt hại, UBND huyện Nam Giang đã quyết định hỗ trợ 3 hộ dân tại thôn Pà Ooi, xã La Êê, có 3 ngôi nhà bị nước cuốn trôi, mỗi hộ 40 triệu đồng; hỗ trợ mỗi hộ 15kg gạo/tháng, duy trì trong 3 tháng để khắc phục sự cố.

N.Thi – H.Thu – T.Công
.
.
.