Minh bạch trong quản lý, sử dụng vốn hiệu quả
- Sẽ có kết quả giám sát việc sử dụng vốn nước ngoài trong tháng 8-2018
- Làm rõ trách nhiệm của cơ quan, cá nhân sử dụng vốn vay gây thất thoát, lãng phí
- Cải cách hành chính để thu hút và sử dụng vốn FDI
Phóng viên Chuyên mục Trò chuyện Chủ nhật của Báo CAND đã có cuộc trao đổi với ông Trần Quang Chiểu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội về vấn đề này. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
PV: Thưa ông, vì sao trong thời điểm này lại thành lập Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp?
Ông Trần Quang Chiểu: Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII (2016) đã thống nhất chủ trương thành lập một cơ quan chuyên trách làm đại điện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp. Thực hiện tinh thần đó, Bộ Kế hoạch & Đầu tư trình Chính phủ dự thảo thành lập và đi vào hoạt động trong năm 2018 một Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Tôi cho rằng, quan điểm của Bộ chủ quản soạn thảo thì phải thành lập Ủy ban quản lý vốn bởi khối lượng tài sản của Nhà nước lớn song đang bị phân tán, quá nhiều đầu mối quản lý. Việc sử dụng nguồn lực này hiện nay chưa thực sự hiệu quả, không những thế còn để xảy ra những tiêu cực, thất thoát, lãng phí lên tới hàng ngàn tỷ đồng...
PV: Vậy chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban là gì?
Ông Trần Quang Chiểu: Theo dự thảo của Nghị định Chính phủ thì Ủy ban có vai trò giúp Chính phủ quản lý, giám sát có hiệu quả vốn và tài sản Nhà nước tại các doanh nghiệp; thực hiện các chủ trương về tái cơ cấu, thoái vốn, sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) và khi Ủy ban được thành lập, sẽ tách chức năng quản lý kinh tế của các DNNN ra khỏi Bộ chủ quản và chuyển sang cơ quan chuyên trách này.
Sẽ xóa bỏ tình trạng DNNN bị quản lý phân tán ở các bộ, địa phương như hiện nay, các cơ quan quản lý nhà nước có thể làm tốt hơn trong công tác xây dựng chính sách.
Dự thảo đã công bố danh sách dự kiến 30 DNNN và phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cổ phần sẽ chuyển giao cho Ủy ban này quản lý, trong đó có 9/10 tập đoàn kinh tế (ngoại trừ Tập đoàn Viettel là doanh nghiệp quốc phòng) và 21 tổng công ty đang thuộc sự quản lý của 7 bộ, gồm Công Thương, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp, Tài chính, Thông tin Truyền thông, Xây dựng và Y tế.
Đáng chú ý là Ủy ban mới này cũng sẽ quản lý cả Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) – doanh nghiệp được thành lập từ khá lâu và hoạt động với chức năng tương tự như Ủy ban.
PV: Theo tính toán, dự kiến vốn mà Ủy ban quản lý tới 5 triệu tỷ đồng. Với số tiền khổng lồ này, nhiều người đặt cho Ủy ban này là “siêu Ủy ban”. Vậy theo ông, làm thế nào để có thể quản lý được số vốn “khủng” như vậy?
Ông Trần Quang Chiểu: Mọi người gọi là “siêu Ủy ban”, nhưng tôi cho rằng số tiền quản lý có thể không lớn như thế. Đơn giản là vì chủ trương cổ phần hóa, thoái vốn DNNN đang được thực hiện một cách tích cực, rốt ráo, nên khi vốn đã thoái xong, thì phần vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp, tổng công ty còn lại bao nhiêu?
Đấy là chưa kể hiện TP Hồ Chí Minh và Hà Nội đang xin cơ chế đặc thù riêng để quản lý phần vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp trên địa bàn do thành phố quản lý, mà quy mô và số lượng các doanh nghiệp cũng như vốn Nhà nước phần nhiều tập trung vào 2 thành phố lớn này. Khi 2 thành phố này xin được cơ chế đặc thù thì số vốn còn lại để quản lý sẽ còn bao nhiêu? Ngoài ra, giá trị các tập đoàn, tổng công ty phần lớn nằm ở giá trị tài sản còn tiền vốn cũng sẽ không nhiều như thế.
PV: Nguồn vốn cần quản lý là một con số rất lớn, và việc quản lý sẽ vẫn không hề dễ dàng, vì sẽ có một số bộ, ngành, DNNN “không vui vẻ” gì khi bỗng dưng bị quản lý?
Ông Trần Quang Chiểu: Thực ra, việc quản lý theo tôi chỉ là phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp mà thôi, còn chiến lược, phương án sản xuất, kinh doanh… vẫn là các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp quyết định. Ủy ban thay mặt Chính phủ kiểm soát các hoạt động của các doanh nghiệp này xem có tuân thủ các quy định pháp luật hay không.
Quan trọng hơn là có đảm bảo bảo toàn, phát triển được vốn và tài sản Nhà nước hay không, có đầu tư vào các dự án có nguy cơ xảy ra thất thoát, hoặc thậm chí để xảy ra tiêu cực hay không?
Như vậy, Ủy ban tuy không quyết định các hoạt động kinh doanh, nhưng tất cả các hoạt động kinh doanh đều phải được công khai, minh bạch để Ủy ban theo dõi, giám sát. Nếu các doanh nghiệp có một hoạt động có nguy cơ làm thất thoát, tổn hại tài sản Nhà nước thì Ủy ban phải ngay lập tức can thiệp. Nếu làm được như vậy thì vai trò kinh doanh của các tập đoàn, doanh nghiệp vẫn có mà vẫn được kiểm soát chặt chẽ.
PV: Liệu như thế có sâu sát không, thưa ông, vì vốn thì bị quản lý, nhưng trách nhiệm về sản xuất kinh doanh vẫn thuộc về các tập đoàn, tổng công ty, các bộ, ngành? Có xảy ra tình trạng “Con chung không ai khóc”?
Ông Trần Quang Chiểu: Tôi nghĩ là không vì thực tế hoạt động của SCIC từ khi thành lập đến nay cũng không có vướng mắc gì lớn. Hơn nữa, thực tế thì các DNNN đang ráo riết cổ phần hóa, thoái vốn theo chủ trương của Chính phủ, chỉ còn lại một số lĩnh vực như quốc phòng an ninh, lĩnh vực nhạy cảm, có tác động lớn đến nền kinh tế cần có sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước.
Vậy câu chuyện đặt ra là ở những doanh nghiệp không nằm trong danh mục Nhà nước bắt buộc phải nắm cổ phần chi phối, thì khi thoái vốn xong, không đủ 51%, Ủy ban sẽ điều hành như thế nào, chi phối như thế nào để quản lý dòng vốn Nhà nước hiệu quả hay chỉ thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu phần vốn Nhà nước thôi?
P.V: Đây là vấn đề mà Chính phủ cần tính đến khi thành lập Ủy ban, vì xét cho cùng, với mục đích quản lý vốn, mà không đủ cổ phần chi phối thì việc quản lý sẽ kém hiệu quả?
Ông Trần Quang Chiểu: Theo tôi, đây là vấn đề cần cân nhắc. Có lẽ cứ nên cổ phần hóa, thoái vốn cho xong xuôi theo lộ trình và chiến lược xong đi đã, xác định rõ được số vốn còn lại trong các doanh nghiệp là bao nhiêu, lúc đó Ủy ban ra đời sẽ xác định được nhiệm vụ của mình đến đâu để đặt ra mục đích và cách thức tiến hành thích hợp.
Bởi vì, khi thoái vốn, cổ phần hóa được thực hiện xong, chắc chắn vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp sẽ giảm rất nhiều. Thành lập lúc này, thì các chức năng nhiêm vụ sẽ khó “tương thích” với thực tế vốn cần quản lý.
P.V: Vấn đề là, liệu việc thành lập Ủy ban có ảnh hưởng đến tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn tại các doanh nghiệp không, thưa ông?
Ông Trần Quang Chiểu: Không, dứt khoát là không, việc thành lập không ảnh hưởng gì hết. Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã nêu rõ không để xảy ra tình huống Ủy ban mới được thành lập tiếp quản các doanh nghiệp mà các bộ "buông tay" luôn sẽ dẫn tới chậm trễ trong cổ phần hoá, bán, thoái vốn.
Vẫn còn đó các dự án yếu kém ngành Công Thương hay các ngành khác thì chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về trách nhiệm của các ngành này vẫn còn nguyên giá trị. Phó Thủ tướng cũng đồng thời yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục đốc thúc tiến độ cổ phần hoá, bán vốn tại DNNN trong năm 2018 và các năm tiếp theo theo đúng kế hoạch, tiến độ đề ra.
P.V: Theo ông, những khó khăn nào chờ đợi Ủy ban?
Ông Trần Quang Chiểu: Theo tôi, Ủy ban chỉ đại diện chủ sở hữu và quản lý vốn Nhà nước, còn lại vẫn giao cho các tập đoàn, tổng công ty, bộ, ngành, địa phương. Khó khăn trước mắt là nhân lực để thực hiện nhiệm vụ đại diện chủ sở hữu. Tôi nói đơn giản như SCIC hiện giờ con người thực tế của họ cử xuống làm đại diện chủ sở hữu số lượng nhiều, mà phần lớn là nhờ địa phương, bộ, ngành mà thôi.
Một vấn đề cũng phải tính đó là: Chức năng đại diện chủ sở hữu thì tương đối rõ nhưng chức năng quản lý thì cụ thể như thế nào về nội hàm cũng cần phải tính toán tiếp trong quá trình thực hiện.
P.V: Ông có nhận định về tính khả thi của mô hình Ủy ban trong thực tiễn?
Ông Trần Quang Chiểu: Nhiều nước trên thế giới đang quản lý theo mô hình này, Trung Quốc thời gian trước cũng áp dụng. Tôi cho rằng điều cần làm là phải có cơ chế minh bạch, chính sách phù hợp, có sự giám sát, phản biện của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc và người dân, chiêu mộ được người giỏi với cái tâm trong sáng và thời điểm thành lập cũng cần cân nhắc cho phù hợp.
P.V: Xin cảm ơn ông!