Cải cách hành chính để thu hút và sử dụng vốn FDI

Thứ Hai, 19/05/2014, 14:01
Việt Nam đang phấn đấu đến năm 2020 cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Để đạt được mục tiêu đó, đòi hỏi vừa phải phát huy nội lực, đồng thời tranh thủ ngoại lực cho đầu tư phát triển, trong đó đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đóng vai trò rất quan trọng.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Đặng Huy Đông đã nhấn mạnh như vậy tại Hội thảo với chủ đề “Định hướng nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài” do Bộ Kế hoạch – Đầu tư phối hợp với Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài tổ chức ngày 16/5 tại Hà Nội.

Tính đến ngày 20/4/2014, cả nước còn 16.323 dự án FDI của 101 quốc gia và vùng lãnh thổ còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 237,6 tỷ USD. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo chiếm 54%; Bất động sản 20,8%; Nông, lâm, thủy sản 1,4%. Các đối tác dẫn đầu: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan… Riêng 10 quốc gia dẫn đầu chiếm 80% tổng vốn đăng ký.

Hoạt động tại một DN có vốn FDI.

Tính đến 20/4, vốn thực hiện hơn 116 tỷ USD. Đến nay, FDI đã có tác động lan tỏa tích cực, thúc đẩy hoàn thiện hành lang pháp lý và cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước, góp phần đưa Việt Nam từng bước tham gia chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thu hút và quản lý hoạt động FDI thời gian qua còn nhiều hạn chế cần sớm khắc phục, trong đó có những hạn chế liên quan đến các thủ tục hành chính về đầu tư - kinh doanh. “Vì vậy, việc rà soát, đánh giá đầy đủ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư, nhất là những vướng mắc, bất cập của các quy định về điều kiện, thủ tục đầu tư quy định tại Luật DN, Luật Đầu tư và các văn bản pháp luật liên quan khác, trên cơ sở đó hoàn thiện hành lang pháp lý về đầu tư – kinh doanh là một nhiệm vụ trọng tâm trong việc thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực quản lý nhà nước về FDI”, Thứ trưởng Đông nhấn mạnh.

Tính đến nay, những dự án FDI đầu tư vào Việt Nam đa phần là nhỏ, những dự án từ 100 triệu đến 500 triệu USD chỉ chiếm 1,51%, từ 500 triệu đến 1 tỷ USD chỉ chiếm 0,19% và trên 1 tỷ USD chiếm 0,2%. Vì vậy, ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài đã chỉ ra nhiều bất cập, hạn chế trong việc thu hút, sử dụng vốn FDI. Đó là: Tiền đề thu hút FDI (hạ tầng, nguồn nhân lực, CN hỗ trợ,…) chưa tốt. Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật, chính sách chồng chéo, mâu thuẫn;  Thiếu các quy định, hướng dẫn cụ thể về việc áp dụng cam kết WTO và các điều kiện đầu tư; Một số quy định hiện hành chưa phù hợp: chính sách ưu đãi đầu tư, vấn đề lao động và quản lý lao động nước ngoài; Quy định về mua bán và sáp nhập DN chưa rõ ràng, khó thực hiện; Chính sách về công nghiệp hỗ trợ chưa đủ hấp dẫn; Cơ chế giải quyết tranh chấp chưa rõ ràng. Ngoài ra là những bất cập về công nghệ và chuyển giao công nghệ: tiêu chí DN công nghệ cao, QLNN về chuyển giao công nghệ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ…

Từ thực tế này, theo ông Hoàng, để nâng cao năng lực cạnh tranh trong việc thu hút FDI, Việt Nam cần phải tiếp tục cải cách mạnh mẽ hơn về thủ tục hành chính. Đi đôi với đó là cải thiện cơ sở hạ tầng; Phát triển ngành Công nghiệp hỗ trợ; Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; Điều chỉnh quy định về công nghệ và chuyển giao công nghệ, cũng như nâng cao hiệu quả công tác thực thi pháp luật.

Phan Đức
.
.
.