Không có chế tài tương xứng, khó bảo đảm TTATGT và kiềm chế tai nạn

Chủ Nhật, 31/07/2016, 10:02
Từ 1-8 tới đây, Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt sẽ chính thức có hiệu lực. Nghị định này sẽ có nhiều điểm mới, trong đó mở rộng nhiều mức phạt và nâng cao chế tài với các hành vi vi phạm giao thông.

Để giúp người dân hiểu rõ hơn về những quy định này, cũng như các hình thức xử phạt, phóng viên Báo CAND đã có cuộc trao đổi với Thượng tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông.

PV: Nghị định 46 gồm 5 chương, 82 điều, trong đó bổ sung hơn 100 quy định xử phạt mới. Xin ông cho biết, những quy định và mức phạt đáng chú ý mà người dân cần lưu ý?

Thượng tá Đỗ Thanh Bình: Về cơ bản so với các nghị định đã được ban hành trước đây, những quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt của Nghị định 46/2016/NĐ-CP ngày 26-5-2016 của Chính phủ được giữ nguyên; song đã bổ sung, giải thích làm rõ và điều chỉnh mức xử phạt đối với một số hành vi và nhóm hành vi vi phạm có nguy cơ cao, nguyên nhân chính dẫn đến TNGT, ùn tắc giao thông.

Trong đó phải kể đến một số hành vi sau: Đối với người điều khiển ôtô tăng mức phạt từ 10-15 triệu đồng lên 16 - 18 triệu đồng đối với người có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu, hoặc vượt quá 0,4 mg/lít khí thở (mức 3), tước  giấy phép lái xe (GPLX) 4 - 6 tháng. Đối với người điểu khiển mô tô, xe máy vi phạm về nồng độ cồn ở mức 3 sẽ bị phạt 3 - 4 triệu đồng, tước GPLX 3 - 5 tháng.

Cũng theo Nghị định mới, với hành vi đi xe máy vào đường cao tốc, mức xử phạt được tăng cao. Theo đó, người điều khiển mô tô, xe máy đi vào đường cao tốc sẽ bị phạt tiền 500.000 - 1 triệu đồng, thay vì mức 200.000 - 400.000 đồng trước đây, bổ sung tước GPLX 1- 3 tháng. Người điều khiển xe ôtô không tuân thủ các quy định về dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 – 6.000.000 đồng, bị tước GPLX từ 1- 3 tháng.

Nghị định cũng bổ sung quy định, nếu dùng chân để điều khiển vô lăng xe ôtô khi xe đang chạy trên đường bị phạt từ 7 - 8 triệu đồng. Mức phạt này cũng áp dụng đối với hành vi điều khiển xe lạng lách, đánh võng. Trường hợp vi phạm quy định này mà không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của người thi hành công vụ, hoặc gây TNGT sẽ bị phạt tiền từ 18 - 20 triệu đồng, tước GPLX 3 - 5 tháng.

Thượng tá Đỗ Thanh Bình.

Đối với trường hợp lái xe và chủ phương tiện vận chuyển hàng hóa quá trọng tải cho phép chở của phương tiện, Nghị định cũng tăng mức phạt. Đối với lái xe, mức phạt cao nhất khi chở quá tải trên 150% sẽ phạt tiền từ 8 - 12 triệu đồng. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện còn bị tước quyền sử dụng GPLX 3 - 5 tháng, bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả, buộc phải hạ phần hàng quá tải, dỡ phần hàng vượt quá kích thước quy định (theo quy định hiện hành, hành vi này chỉ bị xử phạt 7 - 8 triệu đồng).

Đối với hành vi chở hàng hóa quá tải trọng cho phép của cầu, đường, tăng mức phạt tiền từ 28 - 32 triệu đồng đối với cá nhân; từ 56 - 64 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe ôtô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ôtô khi giao phương tiện, hoặc để cho người làm công, người đại diện điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường trên 150%.

Các quy định xử phạt mới liên quan đến không thắt dây an toàn tại vị trí có trang bị dây an toàn khi xe đang chạy; xử lý vi phạm đối với tổ chức thu phí đường bộ để ùn tắc... tại trạm thu phí (có quy định cụ thể hành vi).

PV: Nghị định mới được sửa đổi, bổ sung mức phạt với nhiều hành vi là nguyên nhân gây TNGT. Theo ông, khi nghị định chính thức có hiệu lực, đi vào cuộc sống, liệu vấn đề an toàn giao thông sẽ được đảm bảo hơn? Tai nạn giao thông sẽ giảm?

Thượng tá Đỗ Thanh Bình: Mục đích của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giao thông đều tập trung vào việc hạn chế tối đa thiệt hại về người, tài sản do TNGT gây ra, xây dựng trật tự giao thông, văn hoá giao thông phục vụ phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của đất nước.

Thực tiễn hoạt động giao thông vận tải đường bộ và đường sắt vài năm trở lại đây luôn biến đổi không ngừng, có nhiều đổi mới, phát sinh những bất cập trong quản lý điều hành bảo đảm TTATGT, do đó việc sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật là yêu cầu tất yếu, phải được thực hiện để đưa hoạt động giao thông được thông suốt, an toàn.

Nghị định được sửa đổi, bổ sung tập trung vào việc hạn chế những vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT như: vi phạm về nồng độ cồn, tốc độ, không chấp hành quy tắc giao thông, chở quá tải… Bởi thực tế cho thấy nếu không có chế tài tương xứng, khó có thể ngăn chặn được những vi phạm này, từ đó khó có cơ sở để kiềm chế, giảm TNGT tối đa, đặc biệt là lỗi chủ quan của người tham gia gây ra.

Theo tôi, để TNGT giảm, không chỉ đơn thuần ở hoạt động kiện toàn hệ thống pháp luật về xử phạt, mà phải đồng bộ giữa ba yếu tố chính cấu thành giao thông: là hạ tầng giao thông, phương tiện giao thông và người tham gia giao thông, trong đó người tham gia giao thông chấp hành quy tắc giao thông, kỹ năng điều khiển phương tiện thuần thục, bình tĩnh, kiên nhẫn có ý nghĩa quyết định. Tuy nhiên, tuỳ từng thời điểm mà chúng ta tập trung giải quyết bài bản các vấn đề liên quan.

PV: Một quy định cũng gây quan ngại cho người dân là việc vượt đèn vàng cũng sẽ bị phạt như đèn đỏ. Xin lãnh đạo Cục cho biết rõ hơn về quy định này? Trong trường hợp nào người dân vượt đèn vàng sẽ bị xử phạt?

Thượng tá Đỗ Thanh Bình: Xin được giải thích cụ thể như sau: Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định người tham gia giao thông phải chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ. Trong đó, hệ thống báo hiệu đường bộ bao gồm: hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, tín hiệu đèn giao thông, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, cọc tiêu hoặc tường bảo vệ, rào chắn. 

Khoản 3, Điều 10 Luật Giao thông đường bộ quy định tín hiệu đèn giao thông có ba mầu, cụ thể như sau: Tín hiệu xanh là được đi; Tín hiệu đỏ là cấm đi; Tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp; trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường.

Như vậy, việc một số người vẫn hiểu “vượt đèn vàng” là được phép hoặc nếu vi phạm thì chỉ bị nhắc nhở… là cách hiểu không đúng. Bởi khi thấy đèn vàng, phương tiện phải giảm tốc độ và dừng trước vạch dừng; trừ trường hợp khi đèn xanh phương tiện đã vượt qua vạch dừng, khi đang trong khu vực nút giao ngã ba, ngã tư… đèn chuyển vàng, thì vẫn tiếp tục đi theo hướng đã định.

Tôi thấy có nhiều người đã điều khiển phương tiện vượt qua vạch dừng khi đèn vàng, họ vẫn tiếp tục được đi, nhưng vì phương tiện chiều cắt ngang đã lưu thông và thấy không an toàn, có thể gây ùn tắc họ dừng lại, thậm chí lùi lại để chờ khi đèn xanh mới đi tiếp, thì CSGT phải trợ giúp cho họ, động viên họ để họ được an toàn. 

Hành vi “không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông” là việc người điều khiển phương tiện không chấp hành theo các tín hiệu đèn được quy định nêu trên. Người vi phạm ngoài việc bị phạt tiền, tùy trường hợp cụ thể sẽ bị tước quyền sử dụng GPLX theo quy định.

PV: Một Nghị định mới ra đời, người dân sẽ cần thời gian để làm quen. Vậy vấn đề xử phạt sẽ được tiến hành như thế nào? Lực lượng CSGT trên toàn quốc có áp dụng mức phạt mới ngay từ 1-8 hay sẽ dành thêm thời gian để tuyên truyền cho người dân?

Thượng tá Đỗ Thanh Bình: Việc chấp hành hiệu lực của Nghị định 46 từ ngày 1-8-2016 là tất yếu; lực lượng CSGT đã tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện theo quy định và đưa ra các tình huống phức tạp để cùng nhau nghiên cứu, chỉ dẫn thực hiện theo đúng quy định của pháp luật để tôn trọng, bảo vệ pháp luật, quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia giao thông. 

Bên cạnh đó, chúng tôi đã và tiếp tục phối hợp với cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền các nội dung của Nghị định tới người tham gia giao thông...

PV: Có ý kiến cho rằng, Nghị định mới sẽ tăng quyền hạn cho lực lượng xử phạt, còn hạn chế quyền giám sát của người dân, điều này có đúng không, thưa ông?

Thượng tá Đỗ Thanh Bình: Trong 82 điều của Nghị định 46 không có điều nào quy định hạn chế quyền giám sát của nhân dân. Việc giám sát của người dân với cơ quan quản lý nhà nước và xã hội được quy định trong Hiến pháp và các luật liên quan (Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Luật Khiếu nại tố cáo, Luật Mặt trận tổ quốc Việt Nam…). Người dân có thể thực hiện quyền giám sát của mình thông qua các cơ quan Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể, tổ chức xã hội, cơ quan báo chí… 

Quá trình xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông là hoạt động hành chính, công khai, vì vậy CSGT chỉ thực hiện những quyền mà pháp luật quy định. Người vi phạm không đồng ý với quyết định xử phạt có quyền khiếu nại. 

Chúng tôi luôn lắng nghe ý kiến của công dân để xây dựng lực lượng CSGT: Phục vụ nhân dân; thực hiện đúng pháp luật và luôn bảo vệ danh dự, tự trọng, truyền thống của lực lượng CAND.

PV: Xin cảm ơn ông!

Phạm Huyền

Phạm Huyền
.
.
.