Khó trả lời câu hỏi: Bao giờ thực phẩm an toàn?

Thứ Bảy, 04/03/2017, 09:18
Nhận định an toàn thực phẩm có nơi đã đến mức báo động, nhưng không rõ đó là nơi nào, người vi phạm là ai; người dân cả nước lo sợ về tình trạng thực phẩm chứa chất bảo quản, đặc biệt là thực phẩm từ Trung Quốc, nhưng không biết đó là chất gì, ở trong loại thực phẩm nào...

Tất cả những câu hỏi chưa được trả lời này khiến một không khí hoang mang, tiêu cực về an toàn thực phẩm bao trùm cả xã hội. Tuy nhiên, sau khi giám sát thực tế, hội thảo với chuyên gia và làm việc với Chính phủ... trong một chuỗi sự kiện dài ngày, dường như chính đoàn giám sát tối cao của Quốc hội cũng chưa tìm ra câu trả lời sẽ phải nói trước cử tri, Quốc hội trong kỳ họp tới.

Sáng 3-3, đoàn giám sát tối cao của Quốc hội đã làm việc với Chính phủ về tình hình thực thi chính sách, pháp luật về quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) giai đoạn 2011 – 2016. 5 năm qua, cơ quan chức năng kiểm tra tại 3,35 triệu cơ sở, phát hiện 679 nghìn cơ sở vi phạm, nhưng mới chỉ xử lý hơn 136,5 nghìn cơ sở, chiếm 20%.

Lực lượng liên ngành kiểm tra chất lượng sản phẩm trên thị trường.

Giai đoạn này, lần đầu tiên lĩnh vực ATTP có nghị định xử phạt vi phạm hành chính riêng, thay vì phải áp dụng nghị định xử phạt vi phạm hành chính chung trong lĩnh vực y tế; với mức phạt tối đa 100 triệu đồng với cá nhân và 200 triệu đồng với tổ chức vi phạm; thậm chí có thể lên tới 7 lần giá trị hàng hoá vi phạm, rút giấy phép, công khai tên cơ sở vi phạm... Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, số tiền phạt trung bình một cơ sở cũng chỉ từ 3,59 triệu đến 3,73 triệu đồng – rất thấp so với mức trần.

Về xử lý hình sự, do nhiều vướng mắc từ quy định, nên số đối tượng được đưa ra xử lý cũng rất ít. Trong cả 5 năm, cơ quan điều tra các cấp trong Công an chỉ khởi tố 1 vụ, 3 bị can về tội vi phạm các quy định về vệ sinh ATTP. Ngoài ra, 90 vụ với 148 bị can khác bị đề nghị truy tố bởi các hành vi phạm tội có liên quan đến ATTP, nhưng theo các tội danh khác, như: sản xuất, buôn bán hàng giả; buôn lậu; vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới...

“Lý giải về những con số ít ỏi trên, báo cáo Chính phủ cho biết do vướng về quy định: Điều 155 Bộ luật Hình sự 2009 chỉ quy định hành vi sản xuất và buôn bán, không có quy định về hành vi sử dụng, nên khi phát hiện việc sử dụng chất cấm trong trồng trọt, chăn nuôi, chế biến thực phẩm thì không thể khởi tố, điều tra về tội danh này. Điều 244 quy định tội vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng chưa có văn bản hướng dẫn các tình tiết "gây thiệt hại nghiêm trọng", "gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng"...

Tòa án nhân dân Tối cao cũng cho rằng, người thực hiện hành vi phạm tội liên quan đến ATTP khá nhiều, nhưng bị xử lý hình sự rất ít. Từ 1-10-2010 đến 30-9-2016, toà án nhân dân các cấp đã thụ lý 321 vụ án liên quan đến an toàn thực phẩm, xét xử 313 vụ. Trong số 375 bị cáo bị đưa ra xét xử, chỉ có 1 bị cáo bị phạt tù từ 15 đến 20 năm tù; 3 bị cáo bị phạt tù từ trên 7 năm đến 15 năm; 35 bị cáo bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm và 150 bị cáo bị phạt tù từ 3 năm trở xuống.


Đi đâu để mua thực phẩm sạch vẫn là câu hỏi người dân đợi cơ quan chức năng giải đáp.

Chủ trì buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Chính phủ đánh giá đúng mức tình hình ATTP hiện nay; Nguyên nhân chính của tình trạng đó là gì? Trách nhiệm thuộc về ai? Giải pháp như thế nào?

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng: Không dễ! “Về thực trạng ATTP, qua giám sát thì thấy có sự báo động. Nguyên nhân số một là xuất phát điểm ATTP ở nước ta quá thấp, nền sản xuất manh mún nhỏ lẻ từ sản xuất, chế biến. Bên cạnh đó, người sản xuất kinh doanh cố tình làm sai, doanh nghiệp bất chấp tất cả vì lợi nhuận, xử lý chưa nghiêm. Hệ thống giám sát có tiến bộ nhưng cảnh báo nguy cơ còn thấp, con người và tài chính đều yếu. Nếu không có giải pháp đột phá thì sẽ mãi thế thôi” - Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến bày tỏ.

Tuy nhiên, ông Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ & Môi trường của Quốc hội lại đặt câu hỏi: “Quy định nhiều thế, bộ máy có từ trên xuống dưới, tinh thần rất quyết liệt, Chính phủ rất quan tâm, sao an toàn thực phẩm vẫn như vậy? Cần giải pháp gì? Ở đâu? Báo cáo của Chính phủ nêu nhiều kiến nghị, giải pháp, từ sửa luật đến tăng biên chế, tăng đầu tư.... nhưng chung chung quá, sau này không thực hiện được đâu”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho rằng: Câu chuyện lớn nhất không chỉ vận động tuyên truyền, mà là tạo môi trường pháp lý để sản xuất, kinh doanh chế biến thực phẩm nhỏ lẻ tuân thủ pháp luật. Nhấn mạnh “Việt Nam cần nhất là phải hình thành văn hoá ra quyết định dựa trên bằng chứng”, Phó Thủ tướng đề nghị ngoài các phòng thí nghiệm, còn phải có xét nghiệm nhanh để cung cấp ngay các bằng chứng cụ thể, tránh tình trạng đồn thổi, dư luận hoang mang về thực phẩm có chất bảo quản, cả năm không hỏng, nhưng không ai biết nó là chất gì, có trong thực phẩm nào.

Vũ Hân
.
.
.