Phát triển chuỗi thực phẩm an toàn: Chỉ mua thực phẩm có nguồn gốc

Thứ Hai, 16/05/2011, 11:15
Tại cuộc họp về "Giải pháp phát triển chuỗi thực phẩm an toàn tại TP HCM" vừa qua, rất nhiều đại diện doanh nghiệp (DN) có mặt đều tỏ ý lo ngại chưa an tâm tham gia vào chuỗi vì sợ "thiệt đơn, thiệt kép".

Chuỗi thực phẩm an toàn được xây dựng theo các tiêu chí: từ nuôi trồng, đánh bắt tới thu hoạch, chế biến, lưu thông phân phối, nhà cung ứng phải chứng minh được nguồn gốc thực phẩm là an toàn. Các DN cho rằng, như vậy buộc mọi đầu tư, chi phí phải tăng theo, giá thành sản phẩm tăng trong khi thực tế giá tiêu thụ thì thấp.

Vì chỉ có số ít khách hàng có điều kiện kinh tế mới quan tâm tới thực phẩm trong chuỗi, còn phần khách hàng tiềm năng là người lao động vẫn chưa có khả năng mua dùng. Trong khi đó, việc xử lý những cơ sở làm ăn kiểu thời vụ, chụp giật chưa có sức răn đe, việc quản lý kiểm soát những cơ sở làm ăn không chân chính còn lỏng lẻo.

Điều này lý giải cho tới hiện nay sau 3 năm vận động, tại TP Hồ Chí Minh mới có 3 chuỗi thực phẩm an toàn: Chuỗi trứng gà năng suất 800.000 quả/ngày, chuỗi rau - củ - quả với 2 tấn/ngày, thịt heo năng suất 2.000 kg/ngày. So với nhu cầu 8 triệu dân trên địa bàn TP thì nguồn thực phẩm mong mỏi này chẳng thấm tháp là bao.

Chế biến thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, ăn hàng rong ngoài đường phố - những nguyên nhân khiến gia tăng ngộ độc thực phẩm.

Đại diện một trong những công ty đã được công nhận đứng trong chuỗi thực phẩm an toàn là Công ty TNHH Hải Đức (Vietpharm) ông Nguyễn Đông Hải - Phó GĐ phân trần: "Giá 1kg rau trên thị trường TP HCM hiện nay không phân biệt sạch hay không vẫn có giá từ 8.000 tới 10.000 đồng/kg nhưng tại Đà Lạt - Lâm Đồng, rau sạch đang bán ra chỉ có 500 đồng/kg mà vẫn không tìm được người mua.

Nông dân phải bán đổ bán tháo. Đó là sự vô lý trong quy trình từ trang trại tới bàn ăn của sản phẩm rau an toàn. Khâu phân phối vẫn bị bỏ ngỏ. Nhà SX chân chính vẫn chưa cạnh tranh được với những cơ sở SX trôi nổi. Điều này gây thiệt thòi cho cả DN và cho cả người trực tiếp SX là nông dân.

Rau an toàn thì dư thừa, người tiêu dùng có nhu cầu lại… tìm không ra. Cũng vì thiếu mối liên kết giữa nhà SX và nhà phân phối này mà khiến rau - củ - quả "Vietpharm" dù đã nằm trong chuỗi thực phẩm an toàn nhưng thương hiệu của công ty mới chỉ được các đối tác trực tiếp đặt hàng biết tới (chiếm khoảng 10%).

Ông Châu Nhật Trung - Giám đốc Công ty Gia cầm Huỳnh Gia Huynh Đệ cũng cho biết: "Để thu hút được các DN tham gia hệ thống này thì nhà quản lý trước hết cần xem lại về chuẩn VSATTP. Chuẩn về một dây chuyền giết mổ ATVSTP của ta mới chỉ dừng lại ở 3 chữ: "giết mổ treo".

Nhưng một dây chuyền giết mổ treo dài 1.500 mét với việc đầu tư nhiều trang thiết bị quy mô cho ra một sản phẩm an toàn sẽ khác hẳn một dây chuyền giết mổ treo chỉ đầu tư tạm bợ. Nhưng "bất công" ở chỗ là hiện 2 mô hình đầu tư này đều có chung một "giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP". Từ chỗ bất hợp lý này mà dẫn tới việc nhiều nhà đầu tư ngại tham gia vào chuỗi thực phẩm an toàn vì việc đầu tư những công nghệ đạt chuẩn như các nước tiên tiến sẽ đưa tới chi phí rất lớn. Trong khi ta chưa có chế tài rõ ràng.

Công ty TNHH Trứng gà Ba Huân cũng đang rất nóng lòng muốn tham gia vào chuỗi thực phẩm an toàn nhưng lại băn khoăn về việc đơn vị nào làm trọng tài để thẩm định cơ sở cung ứng nguồn nguyên liệu là "chắc ăn" trong chuỗi an toàn. Nguyên liệu thức ăn của cơ sở cung ứng có yếu tố gây độc hại, dư lượng kháng sinh hay không?…

Nói về nỗi băn khoăn trên, ông Huỳnh Lê Thái Hòa - Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TP HCM thừa nhận: Đây cũng chính là nỗi lo chung của nhiều DN thực phẩm đang muốn tham gia chuỗi. Phải đa dạng hoá được các mặt hàng tham gia trong chuỗi đảm bảo nhu cầu của người tiêu dùng, phù hợp với túi tiền của người dân và thuận lợi cho DN chọn lựa.

Nhưng để làm được điều này thì không thể một sớm một chiều, nhất là cần sự phối hợp chặt chẽ của các DN, của nhà quản lý và trên hết là người tiêu dùng cần có nhận thức, thay đổi tư duy tiêu dùng. Người dân phải hiểu bỏ tiền ra mua thực phẩm có thương hiệu có mắc hơn nhưng đảm bảo cho sinh mạng của mình thì đó không phải là sự lãng phí.

Còn nếu cứ mãi duy trì thói quen mua thực phẩm không nguồn gốc, giá rẻ nhưng sẽ là một cách tác động gián tiếp cho thực phẩm trôi nổi có cơ hội tồn tại trên thị trường

Huyền Nga
.
.
.