Thực phẩm an toàn cho sức khỏe cộng đồng: Phải kiểm soát từ gốc

Chủ Nhật, 17/07/2005, 07:17
Trong tình trạng việc quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đang là vấn đề quan tâm của người tiêu dùng thì việc quản lý thực phẩm  từ gốc lại đang là vấn đề mà các nhà quản lý cần lưu tâm. Từ lâu nay, người ta thường chú ý đến việc an toàn khi sản phẩm đã ra đến chợ nhưng ngay cả những thứ được gọi là an toàn cũng còn nhiều vấn đề phải xem xét.

Gần đây, việc phát triển các vùng chuyên canh rau sạch, và công tác quản lý dư lượng thuốc trừ sâu trong sản phẩm trồng trọt đã thu được những kết quả khả quan, người dân được tiếp cận và sử dụng rau sạch ngày càng nhiều hơn. Tại TP Hồ Chí Minh, số liệu thống kê cho thấy, năm 1995 có tới 50% số mẫu rau được kiểm tra có dư lượng chất độc quá mức cho phép thì năm 2002 con số này chỉ còn 9,71% và đến năm 2004 chỉ còn 1,19% số mẫu không đạt, tỷ lệ không đạt giữa rau do thành phố sản xuất và rau từ các tỉnh đưa về là tương đương.

Đây thực sự là những thông tin đáng mừng có được từ chương trình rau an toàn của thành phố. Nhưng nếu tìm hiểu kỹ, người ta lại thấy có điều "bất thường". Một thông tin đáng chú ý là không hiểu lấy mẫu thế nào mà số liệu (Chi cục Bảo vệ thực vật TP Hồ Chí Minh) lại cho thấy, mẫu rau "thường" ở chợ lại "an toàn" hơn. Cụ thể, rau của vùng rau an toàn có số mẫu không đạt tới 2,19%, mẫu rau doanh nghiệp đăng ký với Sở Y tế có số mẫu không đạt tới 4,36%, trong khi đó, rau thường là 0%, rau chợ là 0,12%. Điều này thật khó giải thích! 

Sau khi các đợt dịch cúm gia cầm xảy ra, các cơ quan quản lý rất chú trọng đến vấn đề thịt an toàn. Đã xuất hiện những dây chuyền giết mổ đảm bảo vệ sinh, đã có những chuỗi gia cầm sạch… nhưng hầu hết mới chỉ dừng ở mức từ lò mổ trở đi, còn trước đó gia súc, gia cầm được nuôi như thế nào thì không mấy ai quan tâm. Không kể đến mối nguy hiểm từ dịch bệnh thì trong các loại thịt cá, thậm chí cả tôm chúng ta vẫn ăn hằng ngày còn ẩn chứa nhiều nguy hiểm.

Ngoài các chỉ tiêu vi sinh (đặc biệt là E Coli) còn khá cao trên các mẫu thịt, việc tồn dư kháng sinh với tỷ lệ cao trên thịt gà, thì gần đây các nhà quản lý còn phát hiện ra những mầm họa khác tiềm ẩn trong các loại thực phẩm gây tổn hại cho sức khỏe con người. Ở nhiều nước, đàn gia súc, gia cầm của họ có hồ sơ theo dõi đầy đủ nên việc kiểm soát điều này đối với họ là không khó, còn ở nước ta do chăn nuôi chưa tập trung, ở từng hộ gia đình nên khó kiểm soát. Điều nguy hiểm ở chỗ, có loại độc hại mà cảm quan của con người nhận biết: Sờ, mó, nhìn, đo đếm được còn dễ xử lý, chứ những loại độc hại tiềm ẩn bên trong như: Dư lượng thuốc trừ sâu, dư lượng kim loại, tích lũy trong cơ thể lâu ngày gây ngộ độc mãn tính, gây đột biến tế bào, kích thích tế bào không phát triển... dẫn đến những tác hại khôn lường.

Theo điều tra của Tiến sỹ Đặng Vũ Hồng Miên, Phân viện Công nghệ sau thu hoạch Tp. Hồ Chí Minh, thì trong thức ăn gia súc, gia cầm ở miền Nam Việt Nam còn nhiễm trên 140/300 loài nấm mốc gây nguy hại đến sức khỏe con người. Độc tố này xuất hiện trong nguyên liệu sau quá trình thu hoạch, chế biến và bảo quản. Trong đó nguy hiểm nhất là độc tố Aflatoxin B1,B2,G1,G2… có nguy cơ chuyển từ thức ăn chăn nuôi sang thực phẩm của con người.

Tại cuộc họp báo ngày 13/7, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Đáng - Cục trưởng Cục Quản lý ATVSTP đã lo lắng phát biểu: "Đến bao giờ người tiêu dùng (NTD) mua thực phẩm mà không phải suy nghĩ, lo lắng gì về việc thực phẩm có an toàn hay không. Hiện chưa có số liệu thống kê hàng hóa bị trả lại trong năm nay, nhưng sơ sơ đã biết khoảng 70 lô hàng thực phẩm bị châu Âu trả về từ đầu năm đến nay, ngoài ra còn có 40 lô hàng mật ong cũng bị đối tác trả lại do có lượng Flophenicol quá mức cho phép".

Hàng xuất khẩu đã được kiểm tra kỹ trước khi xuất mà vẫn không phát hiện ra, chỉ đến khi bị trả lại và do đối tác nước ngoài thông báo mới biết thực phẩm của chúng ta có vi lượng. Trong khi đó, khoảng cách giữa hàng xuất khẩu và hàng trong nước là khá xa, điều này chứng tỏ rất cần thiết phải quan tâm đến chất lượng hàng hóa ngay từ lúc nuôi trồng, không những với hàng xuất khẩu mà cả hàng tiêu thụ trong nước.

Ông Trần Đáng cũng đã chỉ rõ: Muốn đảm bảo được ATVSTP cho NTD thì riêng Cục QLATVSTP không làm nổi mà phải có sự hợp lực của nhiều ngành, của tất cả mọi người dân. Một trong những biện pháp đó là phải kiểm soát thực phẩm được từ gốc. Nhưng cho đến nay, lượng thực phẩm được kiểm soát trong nước chỉ chiếm 51%, lượng cơ sở chế biến thực phẩm được kiểm soát mới chỉ chiếm khoảng 76%, 24% còn lại ẩn chứa biết bao nguy cơ cho NTD.

Được biết, vào tháng 12 năm nay sẽ có một hội chợ lương thực thực phẩm lần đầu tiên được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh mang tên: Việt Nam Best food, do Cục QLCLVSATTP trực tiếp chủ trì nhằm tôn vinh những sản phẩm, thực phẩm có tiêu chuẩn, chất lượng cao với sự chứng nhận Cục QLCLATVSTP. Hy vọng, đây sẽ là một trong những hoạt động nhằm làm cho NTD tiếp cận được với những sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn cho sức khỏe

Huyền Nga
.
.
.