Hệ sinh thái lưu vực sông Mê Kông đối mặt với những thách thức lớn
- Thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông làm gia tăng nghèo đói
- Thách thức an ninh nguồn nước sông Mekong và câu chuyện ở ĐBSCL – Việt Nam
- Tìm giải pháp bảo vệ bãi biển Hội An và vùng ven biển hạ lưu sông Mê Kông
- Ra tuyên bố Chiang Khong về việc cứu sông Mekong
Đây là những quan ngại được đưa ra tại Diễn đàn Mê Kông chủ đề “Lưu vực Mê Kông trước thách thức bảo vệ người dân và hệ sinh thái trong bối cảnh nhiều biến động” do Tổ chức Sông ngòi Quốc tế (IR), Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), Liên minh Cứu sông Mekong (StM) và Diễn đàn Môi trường Mekong (MEF) phối hợp tổ chức tại Cần Thơ, vào ngày 20-3 vừa qua.
Sông Mê Kông là một trong những dòng sông lớn nhất và có đa dạng sinh học cao nhất thế giới. Nguồn dinh dưỡng từ dòng sông đã tạo nên một vùng đất xuất khẩu gạo, đa dạng cá tự nhiên nhất nhì thế giới. Hạ lưu sông Mê Kông là nơi sinh sống của trên 60 triệu người dân, trong đó khoảng 85% là nông dân và ngư dân.
Theo báo cáo tại hội nghị, các dự án thủy điện sẽ làm gia tăng xói lở bờ sông và lòng sông, đặc biệt ở vùng ĐBSCL. Các dự án phát triển cũng gây ảnh hưởng đến an ninh lương thực và đói nghèo, thu nhập cho hộ gia đình sẽ giảm…
Riêng Việt Nam có nhu cầu sử dụng nước rất lớn do gia tăng mùa vụ và diện tích đất nông nghiệp, với 2,9 triệu ha đất nông nghiệp mà phần lớn nguồn nước tưới từ sông Mê Kông. Riêng trồng lúa cần đến tổng lượng nước phải cung cấp từ sông Mê Kông là rất lớn (332 km³) so với tổng lượng nước đến ĐBSCL (khoảng 475km³).
Người dân sinh sống bên dòng Mê Kông đang đứng trước những khó khăn do biến đổi của hệ sinh thái. |
“ĐBCSL cần phải có giải pháp tránh canh tác vào mùa khô và tính tới chuyện trữ ngọt cho sinh hoạt trong mùa khô. Cần khôi phục chức năng trữ lũ của 2 túi nước tự nhiên ở ĐBSCL là Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên”, Th.S Nguyễn Hữu Thiện, Chuyên gia sinh thái ĐBSCL khuyến cáo.
Theo TS Naruepon Sukumasvin, Ban Thư ký Ủy hội sông Mê Kông Quốc tế, trong nghiên cứu về Quản lý và phát triển bền vững lưu vực sông Mê Kông cho thấy, vào năm 2007, 97% lượng phù sa bồi lắng ở ĐBSCL thì đến năm 2020 chỉ còn 30% và năm 2040 chỉ còn 4%. Sản lượng đánh bắt cá ở hành lang sông Mê Kông sẽ giảm khoảng 1,57 tỷ USD.
“Việc giảm phù sa được xác định do các đập thuỷ điện ở thượng nguồn giữ lại, còn các yếu tố khác như biến đổi khí hậu không ảnh hưởng nhiều. Các dự án thuỷ điện sẽ làm gia tăng xói lở bờ sông và lòng sông, đặc biệt ở vùng ĐBSCL. Các hồ chứa sẽ biến phần lớn sông Mê Kông thành các môi trường sống kiểu các hồ nhỏ và sâu chỉ phù hợp cho sò, ốc, ếch, nhái, cóc sống. Còn các loài thuỷ sinh khác bị mất dần”, TS Naruepon Sukumasvin khẳng định.
PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện BĐKH, Trường Đại học Cần Thơ phân tích, hiện nay chính các con đập đã gây tình trạng thiếu nước. Lưu lượng nước ít đã khiến lực đẩy mặn giảm dần và dòng nước mặn thừa cơ tràn vào sâu trên sông Hậu…
“Một thực tế là nếu thiếu nước ngọt vẫn còn có thể chờ mưa, trữ nước, hoặc chở nước từ thượng nguồn về. Còn phù sa bị thủy điện ngăn lại sẽ mất đi vĩnh viễn không gì bù đắp được. Khi đó, sụt lún bao gồm cả sụt lún tự nhiên, sụt lún do khai thác nước ngầm, sạt lở, nước biển dâng sẽ đáng sợ hơn rất nhiều”, PGS. TS Lê Anh Tuấn nói.
Tại ĐBSCL, năm 2016, khu vực này chịu cảnh hạn hán và xâm nhập mặn kỷ lục trong 90 năm qua.
Các nhà khoa học tại diễn đàn kêu gọi các quốc gia thành viên cần khẩn trương xem xét các giải pháp năng lượng thay thế cho phát triển thuỷ điện như: điện gió, năng lượng mặt trời, điện sinh khối… Bên cạnh đó, các quốc gia ven sông cần hợp tác xây dựng kế hoạch phát triển chung mang tầm lưu vực vì lợi ích của các nước trong khu vực.
“Không chỉ Việt Nam mà ở Lào, Thái Lan, Campuchia… cũng gặp khó về nguồn nước và hệ sinh thái thay đổi, bởi nhiều nguyên nhân như tác động của đập thủy điện, biến đổi khí hậu, khai thác quá mức, ô nhiễm, thay đổi môi trường sống... Vì vậy, cần có giải pháp cấp bách bảo vệ sông Mê Kông, bảo vệ nguồn nước và hệ sinh thái”, TS Dương Văn Ni (Trường Đại học Cần Thơ) cảnh báo.