Ra tuyên bố Chiang Khong về việc cứu sông Mekong

Thứ Năm, 16/03/2017, 08:13
Liên minh Cứu sông Mekong cùng các tổ chức xã hội dân sự và cộng đồng các nước Campuchia, Thái Lan, Việt Nam vừa đưa ra tuyên bố Chiang Khong về việc chia sẻ nguồn nước con sông này một cách công bằng và hợp lí, đảm bảo nguồn sống cho hàng chục triệu người dân sống ở hạ lưu. 


Thông báo nêu rõ: “Chúng tôi vô cùng quan ngại đối với các kế hoạch phát triển đập quy mô lớn, phớt lờ các kiến thức khoa học, văn hóa và nguyện vọng của người dân trên lưu vực sông Mekong vốn đã gắn bó với dòng sông trong cuộc sống và tín ngưỡng từ xa xưa. Các quá trình quy hoạch, ra quyết định xây dựng thủy điện và các công trình phát triển khác trên dòng sông Mekong hiện còn thiếu sự tham gia của công chúng, thiếu sự minh bạch và trách nhiệm giải trình”.

Tuyên bố Chiang Khong ra đời trong bối cảnh Chính phủ Lào lại tiếp tục khởi động việc xây dựng thuỷ điện Pak Beng bằng việc đệ trình dự án lên Ủy ban sông Mekong.

Việc tham vấn dự kiến sẽ kết thúc vào giữa năm 2017. Nếu Pak Beng được xây dựng, đời sống của 20 triệu dân đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do thiếu nước, làm gia tăng tình trạng khô hạn và xâm nhập mặn.

Thuỷ điện Pak Beng dự kiến được khởi công trong năm 2017, là một trong năm dự án thuỷ điện dòng chính của vùng Bắc Lào, thuộc huyện Pak Beng, tỉnh Oudomsay. Công suất của Pak Beng vào khoảng 912MW, sản xuất điện trung bình là 4.775GWh/năm.

Công trình dự kiến hoàn tất vào năm 2023 và đưa vào hoạt động thương mại từ năm 2024. Theo kế hoạch, 90% sản lượng điện từ dự án này sẽ được bán cho Thái Lan, 10% còn lại sẽ do Tập đoàn điện lực của Lào phân phối nội địa.

Pak Beng được thiết kế bởi một công ty của Trung Quốc là Datang Overseas Investment Co., Ltd, qua một thỏa thuận ký kết giữa Lào và Trung Quốc diễn ra từ tháng 8 năm 2007, với trị giá ban đầu 1,88 tỉ USD. Đến tháng 3 năm 2014, Công ty Datang nhận được giấy phép môi trường từ Chính phủ Lào. Như vậy, đây là thủy điện thứ 3 Lào xây dựng trên dòng chính Mekong sau Xayabury và Don Sahong, bất chấp phía Ủy hội sông Mekong liên tiếp đưa ra cảnh báo.

K.Vy
.
.
.